Một lần nữa, bầu Đức trở thành tâm điểm chú ý của cả nền bóng đá không phải bởi những gì ông làm mà bởi những điều ông nói. Người từng nhiều lần tuyên bố sẽ rút khỏi bóng đá Việt Nam nay lại dành sự quan tâm đặc biệt tới việc người ta có hay không điền tên ông vào những lá phiếu ứng cử. Trong vài ngày trở lại đây, tên tuổi bầu Đức liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mỗi phát ngôn của ông, lần sau lại gây sốc hơn lần trước.
Ông tạo nên những làn sóng, phức tạp hóa cuộc tranh giành quyền lực vốn đã rất căng thẳng ở VFF. Ông dường như muốn nhắc cả nền bóng đá rằng không ai được phép quên bầu Đức.
Bầu Đức cho gì và nhận gì từ bóng đá Việt Nam?
Gần 2 thập kỷ gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bầu Đức đã làm được rất nhiều điều. Ông tiếp quản HAGL, chiêu mộ Kiatisak Senamuang và Lee Nguyễn, tạo nên “Dream Team” xuất sắc bậc nhất lịch sử V-League.
Sau này, ông xây dựng lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, tạo nên lứa cầu thủ tài năng Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh. Ông một tay đưa Arsenal về Việt Nam, tham gia VFF và góp công lớn vào các chiến tích của bóng đá Việt.
Nhưng bầu Đức không chỉ biết cho. Ông còn nhận lại rất nhiều từ nền bóng đá. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai gắn liền với thương hiệu của CLB và sau này là lứa Công Phượng, Xuân Trường giúp bầu Đức có một vũ khí truyền thông độc nhất vô nhị. Nhờ có bóng đá, bầu Đức được ưu ái trong nhiều dự án. Doanh nghiệp của ông liên tục được nhắc tên, thương hiệu công ty được định vị và bảo vệ vững chắc.
Bầu Đức và bóng đá Việt là mối quan hệ cộng sinh, sòng phẳng, hai bên cùng có lợi. Ông Đức đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam và cũng hưởng lợi lớn từ nó.
Bóng đá Việt Nam không nợ ông.
Nền bóng đá chỉ có bầu Đức và HAGL?
Nếu không ai nợ ai, tại sao bầu Đức vẫn cư xử như thể bóng đá Việt Nam là “con tin” ông?
Ông Đức chỉ trích cầu thủ “mất dạy” vì tiền nhưng chính ông đi đầu trong “cơn sốt chuyển nhượng” ở thập kỷ trước. Ông là Phó Chủ tịch VFF nhưng nhiều lần vi phạm quy chế phát ngôn, chỉ trích cộng sự và tiết lộ hậu trường Liên đoàn. Ông công khai o bế cầu thủ HAGL, tác động trực tiếp khiến HLV Toshiya Miura bị sa thải.
Bầu Đức đóng góp nhiều nhưng cũng tạo ra hàng loạt tiền lệ xấu. Ông mang tới những đột phá nhưng cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn. Ông làm nhiều và nói nhiều không kém.
Khi bầu Đức trở thành Phó Chủ tịch VFF, ông thích thì đi họp, không thích thì nghỉ. Ông quyết định và hành động mà không cần bàn bạc với ai. Ông tự đặt mình đứng trên tất cả trong cỗ máy quyền lực của bóng đá Việt Nam.
Sự thật không phải như vậy.
U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích châu Á nhờ nòng cốt CLB Hà Nội - đội bóng của bầu Hiển. Futsal Việt Nam tới World Cup nhờ công vun trồng của bầu Tú. Các đội tuyển trẻ thăng hoa nhờ sự quan tâm của VFF và đóng góp tập thể từ PVF, HAGL, Viettel, SLNA... Trong bức tranh chiến thắng của bóng đá Việt, HAGL và bầu Đức chỉ là một mảng.
Khi Đại hội nhiệm kỳ VIII đang đến rất gần, khi VFF bị tấn công từ mọi phía, khi điều tổ chức cần nhất là sự đoàn kết, ông Đức bất ngờ lên tiếng. Ông dường như đã quên rằng mình vẫn đang là một Phó Chủ tịch. Ông quên rằng mọi hành động bất cẩn lúc này đều có thể ảnh hưởng tới VFF và mang lại tác động xấu cho bóng đá Việt Nam.
Những người tinh ý sẽ nhận ra bầu Đức có xu hướng lên tiếng trước thềm những thay đổi lớn của nền bóng đá. Hai năm trước, khi U23 Việt Nam chuẩn bị lên đường dự Giải U23 châu Á 2016, bầu Đức đã không ngừng chỉ trích HLV Toshiya Miura. Kết quả, U23 Việt Nam bại trận, HLV Hữu Thắng lên thay đã đôn cả lứa Xuân Trường, Tuấn Anh lên tuyển Việt Nam.
Bầu Đức từng nói ông làm tất cả mọi thứ vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng ngay lúc này, điều nền bóng đá cần nhất ở ông có lẽ là những đóng góp xây dựng thay vì lợi dụng hiệu ứng truyền thông để lái con tàu bóng đá Việt Nam theo hướng có lợi cho ông hoặc một nhóm lợi ích.
Bình Luận