Thành công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 được đánh giá là chiến công lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, vượt qua cả chức vô địch AFF Cup cách đây một thập kỷ.
Những người lạc quan tin rằng lứa U23 này sẽ là bản lề mở ra cánh cửa tới một tương lai khác cho bóng đá Việt Nam. Bởi thành công của thế hệ này không chỉ mang tính nhất thời.
Đó là kết quả tất yếu đã tới sau hàng loạt chiến công của U16 hay U19 ở tầm châu lục, là thành tựu của những trung tâm đào tạo mới sau 10 năm đi vào vận hành và giờ bắt đầu mang về quả ngọt.
Quan trọng hơn, lứa cầu thủ ấy còn rất trẻ, phần lớn sẽ chơi bóng thêm khoảng 1 thập kỷ, nghĩa là vẫn còn rất nhiều điều đáng chờ đợi từ họ.
Sau kỳ tích là không gì cả
Thực tế cho thấy, bóng đá Việt Nam đã hưởng lợi lớn từ thành công của U23 quốc gia.
12.000 và 10.917 người là số lượng khán giả trung bình/trận ở 2 vòng mở màn V.League, thuộc hàng cao nhất trong lịch sử. Khi giải đấu đi vào ổn định, số CĐV tới sân vẫn đạt xấp xỉ 9.000 người/trận. Hàng Đẫy trống vắng trở thành một “chảo lửa” thật sự, người hâm mộ quan tâm hơn tới giải đấu, những khán đài chật kín không còn là điều quá xa xỉ.
Rất nhiều nhà tài trợ sẵn sàng lao vào với bóng đá sau thành công của U23 Việt Nam. Tiền thưởng cho đội tuyển vẫn tăng lên không ngừng sau gần 4 tháng và hiện đã vượt mốc 50 tỷ đồng. Khi bầu Tú tiếp quản chức Chủ tịch HĐQT, ông chỉ cần chưa đầy 2 tháng để mang về 3 nhà tài trợ mới cho các giải chuyên nghiệp.
Trong không khí hân hoan ấy, những người làm bóng đá lẽ ra phải tận dụng được con sóng lịch sử. VFF lẽ ra phải đẩy mạnh đào tạo trẻ, nâng cao chất lượng giải đấu, tiếp tục kéo khán giả tới sân và cố gắng đem về nhiều tài trợ.
Nếu có thêm tài trợ, các đội tuyển sẽ được đầu tư tốt hơn, chiến thắng sẽ đến sau chiến thắng và vòng xoay rực rỡ của bóng đá Việt Nam sẽ không khép lại. 10 năm kể từ chức vô địch Đông Nam Á 2008, bóng đá Việt Nam mới lại đứng trước một vận hội lớn như vậy.
Chỉ tiếc rằng, 4 tháng sau kỳ tích, cơ hội ấy vẫn chưa được nắm lấy.
Bóng tối ập đến sau ánh sáng
Cuộc cách mạng mà người hâm mộ Việt Nam chờ đợi đã không đến. Bởi người làm bóng đá còn đang mải mê với những cuộc chiến khác. Hầu hết trong số đó không phục vụ cho bóng đá, không phục vụ cho giấc mơ của các đội tuyển.
Thượng tầng VFF - cơ quan lãnh đạo cao nhất của bóng đá Việt Nam, trở thành “bãi chiến trường” với hàng loạt phe phái. Họ chia bè, kéo cánh, lao vào cuộc tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội VIII.
Họ ngồi cạnh nhau nhưng không nhìn về một hướng, họ bắt tay đằng trước nhưng thủ dao sau lưng. Họ làm chuyên môn thì chậm nhưng tìm điểm xấu của nhau thì nhanh. Họ luôn rình rập, tìm kiếm cơ hội để triệt hạ lẫn nhau.
Khi ông Nguyễn Lân Trung dính bê bối cướp công U23 Việt Nam, Tổng thư ký Lê Hoài Anh vừa tuyên bố “ông Trung làm đúng nhiệm vụ” thì Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ đáp lại “tôi không hề giao việc cho ông ấy”. Cuộc đối đầu giữa bầu Tú và bầu Đức bùng lên sau khi ông Tú ứng cử Phó Chủ tịch VFF.
Những thông tin tiêu cực của VFF đều không đến từ báo chí. Hầu hết trong số chúng xuất phát từ bóng tối phía sau Liên đoàn. Căng thẳng giữa bầu Tú và bầu Đức, ông Dương Văn Hiền tiết lộ chuyện VPF can thiệp việc điều hành trọng tài, băng ghi âm dung tục lộ ra bởi một lãnh đạo giấu mặt...
Không sai khi nói VFF đang tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt truyền thông và dư luận. Thay vì dành tâm huyết cho bóng đá, họ tìm mọi cách để bôi xấu, để hạ nhục, để gài bẫy và đặt băng ghi âm.
Chắc bởi họ mất quá nhiều thời gian cho những việc đó nên các vấn đề của bóng đá vẫn chưa được xử lý. Tại V.League, lỗi trọng tài vẫn là đặc sản với 2 trọng tài và 1 giám sát bị “treo còi” từ đầu mùa.
Bóng đá bạo lực vẫn thống trị khi Dương Văn Hào là ví dụ mới nhất. Chắc bởi họ quá “bận” nên tiền thưởng SEA Games 2017 vẫn chưa tới tay tuyển nữ, U19 Việt Nam vẫn tập trung trong tình trạng thiếu người còn giải hạng Nhì vẫn còn chuyện “mua đội, bán tên”.
Như HLV Marian Mihail đã nói trong ngày rời Thanh Hóa: “Trở lực lớn nhất mà tôi phải đối mặt ở Thanh Hóa và bóng đá Việt Nam là sự ích kỷ và những ham muốn cá nhân. Với họ, những thứ đó quan trọng hơn tập thể, quan trọng hơn mối quan tâm quốc gia.
U23 Việt Nam đã cho thấy mọi tố chất để thành công như sức trẻ, tài năng, sự chăm chỉ và khát khao. Nhưng những người khác thì không. Nếu họ cứ như vậy, đến cuối cùng, nền bóng đá và CĐV Việt Nam sẽ là kẻ thua cuộc”.
4 tháng sau ngày U23 Việt Nam chiến thắng, thật khó để tìm được những tin tức lạc quan về bóng đá Việt Nam.
Im lặng là đồng lõa
Những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam có biết về bóng tối ấy?
Họ biết rõ. Nhưng họ không làm gì.
Đúng 1 tuần sau vụ ông Trần Mạnh Hùng chửi tục, VFF mới có thông báo chính thức. Đoạn thông báo dài đúng 7 dòng, không có bất kỳ thông tin nào, không xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Có phải họ đang bất lực?
Không, những người đứng đầu VFF chọn cách im lặng vì những việc đó chưa ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Vì sau những bê bối, chỉ có ông Dương Văn Hiền bị đình chỉ, chỉ có ông Nguyễn Lân Trung bị chỉ trích, chỉ có ông Trần Mạnh Hùng phải từ chức. Họ trở thành những “con tốt thí” che mờ cục diện cả ván cờ, sự ra đi của họ không giải quyết được những vấn đề đang nhức nhối.
Ông Dương Văn Hiền bị đình chỉ quyền giám sát trận đấu nhưng Ban trọng tài vẫn hoạt động theo phương thức cũ. Ông Trần Mạnh Hùng từ chức không làm văn hóa bóng đá được cải thiện.
Khi Đại hội VFF đang tới rất gần, những người đứng đầu Liên đoàn đã chọn cách im lặng. Họ im lặng để đi qua Đại hội an toàn, im lặng để bước lên những chiếc ghế mới.
Họ im lặng trước ánh sáng nhưng vận động ngầm trong bóng tối. Để rồi khi Đại hội kết thúc, họ sẽ đứng lên, phát biểu, vỗ tay, nhận mọi lời tán tụng và trở thành người thắng cuộc. Sau lưng họ, chỉ có bóng đá là kẻ bại trận.
Sự im lặng của họ nghĩa là đồng lõa với cái xấu, nghĩa là dung túng cho ung nhọt đang bành trướng trong lòng bóng đá Việt Nam.
Bình Luận