Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Bóng đá Việt Nam được nâng tầm ở nhiệm kỳ 2018-2022'

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng, Ban chấp hành VFF khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022 đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực trong việc nâng tầm thành tích của các ĐTQG Việt Nam. Từ những bước tiến đó, chuyên gia Đoàn Minh Xương kỳ vọng Ban chấp hành VFF khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026) sẽ tiếp nối và đóng góp thêm thành công hơn nữa cho bóng đá nước nhà.

PV: Thưa chuyên gia Đoàn Minh Xương, ấn tượng của ông về nhiệm kỳ 4 năm qua của Ban chấp hành VFF như thế nào? 

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Tôi cho rằng đó là thành công tương đối toàn diện. Trong 4 năm qua (từ 2018 đến 2022), với sự điều hành của Ban chấp hành VFF khóa VIII, bóng đá Việt Nam đã được nâng tầm. ĐT Việt Nam vào Top 100 thế giới, Top 16 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á. Một điểm quan trọng là ĐT Việt Nam lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022. Đây là thành tích mang tính lịch sử. Tôi thật sự tự hào với những thành tích ấn tượng của ĐT Việt Nam. 

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua của VFF, công tác đào tạo bóng đá trẻ gặt hái nhiều thành tích đáng khen. Lứa cầu thủ dự VCK U20 World Cup 2017 trở thành nòng cốt đóng góp vào thành công của các ĐTQG Việt Nam suốt 4 năm qua. Ngoài ra, thế hệ cầu thủ trẻ mới của bóng đá Việt Nam cũng góp công giúp U17 và U20 Việt Nam tham dự các giải châu Á. Ngoài ra, futsal và bóng đá nữ Việt Nam cũng thành công khi tham dự vòng loại và VCK World Cup. Đây có thể xem là bước tiến đáng ghi nhận. Những thành tích đó cho thấy thành công tương đối toàn diện trong nhiệm kỳ 4 năm qua của Ban chấp hành VFF.

Thành công của các ĐTQG Việt Nam cũng tạo bệ phóng cho hoạt động vận động tài trợ và công tác truyền thông của VFF phát triển. Ông đánh giá thế nào về hai phương diện này của Ban chấp hành VFF trong 4 năm qua? 

Khi bóng đá Việt Nam có thành tích, hình ảnh và thương hiệu cũng được nâng tầm. Từ đó, bóng đá Việt Nam thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hơn. Các ĐTQG Việt Nam cũng được nhiều nhà tài trợ quan tâm và đầu tư. Bên cạnh đó, người hâm mộ dành nhiều sự quan tâm hơn đến chuyển động xoay quanh các ĐTQG Việt Nam hay bóng đá Việt Nam. Nhờ vậy, sự liên kết giữa VFF và các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông được quan tâm, đẩy mạnh. Thông tin về VFF, các ĐTQG Việt Nam được truyền tải chính thống, đa dạng, rộng rãi trên báo chí hay mạng xã hội. 

Liên quan đến vận động tài trợ, tôi hy vọng bên cạnh nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhà nước cũng sẽ đóng góp vào quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam. Trách nhiệm của VFF là làm sao thực hiện kế hoạch sử dụng nguồn lực nhà nước, đảm bảo quyền lợi nhà tài trợ. Khi đó, bài toán đầu tư phát triển bóng đá Việt Nam càng trở nên hiệu quả. 

Ông kỳ vọng thế nào ở nhiệm kỳ mới của VFF, trong quá trình nâng tầm và phát triển bóng đá Việt Nam? 

Có hai điều mà chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn. Thứ nhất, khi bóng đá Việt Nam nâng tầm thì đồng nghĩa mục tiêu cũng lớn hơn. Đó có thể xem là thách thức. Bóng đá Việt Nam cần được đầu tư đồng bộ, có hệ thống. 4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã phát triển tương đối toàn diện, nhưng vẫn còn những mặt mà trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt hơn. Tôi lấy ví dụ như bóng đá phong trào dù đã được quan tâm và làm tốt, nhưng vẫn còn tình trạng tự phát. Các Trung tâm mỗi nơi dạy một giáo trình. Một số nơi còn mang tính thương mại. Đó là điều mà bóng đá phong trào cần sát sao hơn nữa. 

Thứ hai, về công tác đào tạo trẻ, sự quan tâm là có nhưng chưa thấu đáo. Một số nơi đã làm tốt, nhưng cũng nhiều nơi chưa đầu tư đúng mức. Nếu các CLB V.League, hạng Nhất có thể làm tốt công tác đào tạo trẻ thì tôi tin số lượng “sản phẩm đầu ra” sẽ nhiều hơn và đạt kết quả tốt hơn nữa. 

Xoay quanh mô hình bóng đá chuyên nghiệp, phải ghi nhận VFF và VPF đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là tiêu chí xây dựng những CLB bóng đá chuyên nghiệp. Dẫu vậy, số lượng CLB thực sự đáp ứng tiêu chí đưa ra còn khiêm tốn. Chúng ta cần những CLB mạnh để V.League và giải hạng Nhất thêm mạnh. Theo quan điểm của tôi, bóng đá Việt Nam nên có giáo trình thống nhất, đơn cử như quy trình tuyển chọn cầu thủ ở mốc bao nhiêu tuổi, đào tạo, nuôi dưỡng bao nhiêu năm và hệ thống thi đấu thế nào sao cho phù hợp. Rồi lực lượng đào tạo HLV cũng cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thêm sân vận động tầm cỡ để tổ chức các trận đấu quốc tế, bên cạnh sân Mỹ Đình. 

Đây sẽ là những kỳ vọng hướng đến Ban chấp hành khóa mới của VFF. Tôi rất mong trong thời gian tới, với sự quan tâm của nhà nước, xã hội, bóng đá Việt Nam dưới sự lèo lái của VFF sẽ phát triển đồng bộ, bền vững hơn. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

Ấn định ngày tổ chức Đại hội VFF khóa IX
Đại hội VFF khoá IX nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới. Đại hội dự kiến bầu ra 17 thành viên Ban chấp hành, trong đó gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Đây sẽ là những người lèo lái “con tàu” bóng đá Việt Nam trong giai đoạn tới đây với nhiều hoài bão.

Bài toán đầu tiên với Ban chấp hành VFF khóa IX
Một tuần trước, VFF thông báo sẽ tạm biệt HLV Park Hang Seo sau khi đôi bên hết hợp đồng vào ngày 31/1/2023. Cũng vì thế mà nhiệm vụ của Ban chấp hành VFF khóa IX sẽ là tuyển chọn hiền tài thay thế nhà cầm quân người Hàn Quốc lèo lái ĐT Việt Nam. Trong năm 2023, ĐT Việt Nam sẽ tham dự Asian Cup và những trận đầu tiên của vòng loại World Cup 2026.

    Bình Luận