Công tác truyền thông của VFF nhiệm kỳ 2018-2022: Nhanh chóng và hiệu quả, xứng đáng vai trò 'tiền đạo'

Công tác truyền thông của VFF khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022 đã có những bước đột phá mạnh mẽ, đáp ứng và bắt kịp xu thế truyền thông của thời cuộc. Các kênh truyền thông của VFF, Báo/Tạp chí Bóng đá đã thể hiện đúng vai trò của một “tiền đạo” như FIFA xếp trong sơ đồ 5-3-2 về tầm quan trọng trong bóng đá.
Công tác truyền thông của VFF nhiệm kỳ 2018-2022: Nhanh chóng và hiệu quả, xứng đáng vai trò 'tiền đạo'

Đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin

Công nghệ thông tin bùng nổ khiến giới truyền thông chịu sức ép với thời gian khi phải đáp ứng được yêu cầu đầu tiên là nhanh chóng, chứ không còn có thể “đủng đỉnh” như thời kỳ làm báo giấy. Việc FIFA từng xếp truyền thông vào vị trí cao nhất là tiền đạo trong sơ đồ 5-3-2 cho thấy, tổ chức này đánh giá rất cao tầm quan trọng của công tác truyền thông, truyền tải thông tin “đúng, đủ và kịp thời”. Bắt kịp với xu thế thời đại, VFF khóa VIII đã tạo bước đột phá mạnh mẽ về công tác truyền thông trên nền tảng của sự chuẩn bị, hoạch định từ nhiệm kỳ trước.

Có thể thấy, VFF đã phát triển mạnh các mạng xã hội thông qua YouTube, Facebook… để đáp ứng gần như nhu cầu “ngay và luôn” của người xem. Website của VFF cũng cập nhật nhanh nhất các sự kiện do VFF tổ chức. Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí có thể tiếp cận để truyền tải đến độc giả, người xem. Cơ quan ngôn luận của VFF là Báo/Tạp chí Bóng đá cũng có những bước chuyển  mình để bắt kịp với xu thế khi bên cạnh sản phẩm báo giấy, còn có trang điện tử bongdaplus.vn cũng như các kênh thông tin khác để truyền tải thông tin.

Truyền tải một cách nhanh nhất nhưng công tác truyền thông của VFF thông qua các kênh thông tin đều đảm bảo tiêu chí rất quan trọng khác là thông tin xác thực, tính chính xác cho các đối tượng tiếp cận. Chính việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ấy đã chiếm được một vị trí đáng tin cậy trong lòng độc giả cũng như các cơ quan thông tin trong và ngoài nước để từ đó, giúp bóng đá Việt Nam được quảng bá tốt hơn. Đơn cử như trong thời gian qua, hình ảnh bóng đá Việt Nam được các đơn vị truyền thông quốc tế, website của FIFA hay AFC, AFF… đăng tin với tần suất khá dày. Chính các kênh truyền thông, báo chí của VFF là một trong những “nguồn tin” để các đơn vị truyền thông quốc tế tiếp cận và sử dụng lại. 

Hỗ trợ “lực lượng yếu thế”

Công nghệ thông tin bùng nổ nên các kênh truyền thông, cơ quan báo chí… ở một số sự kiện nhất định không còn được phép tiếp cận thông tin một cách thoải mái như trước. Đơn cử như mỗi khi các ĐTQG tập trung, báo chí và truyền thông chỉ được phép tiếp cận trong một khoảng thời gian đầu. Vào thời điểm này, các thông tin, hình ảnh thường không có sức hút lớn. Ở chừng mực nào đó cũng dễ hiểu cho quy định này của những người có trách nhiệm cao nhất ở các ĐTQG, bởi các hình thức trực tiếp tại chỗ cả sự kiện/buổi tập có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chuyên môn, chiến thuật của đội nhà.

Trước nhu cầu lớn về thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông, VFF đã đáp ứng một cách đầy đủ khi có nhân viên truyền thông “bám trụ” với đội suốt sự kiện/buổi tập. Không chỉ ở trong nước, các ĐTQG khi tham dự các giải ở nước ngoài, vì một vài lý do nào đó các cơ quan báo chí không thể song hành, VFF cũng đã có “cán bộ truyền thông” đi cùng để kịp thời cung cấp thông tin, hình ảnh, video… kịp thời và sống động nhất.

Có một thực tế rằng, những giải ít sức hút thường không được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông. Với tư cách là đơn vị chủ quản tổ chức các sân chơi ấy, VFF đã chủ trương đưa thông tin, hình ảnh đến những ai quan tâm một cách nhanh nhất. Đó là lý do trong những năm gần đây, các giải như giải nữ VĐQG, hạng Nhì, thậm chí hạng Ba… cũng được các kênh truyền thông của VFF phát trực tiếp. Với vai trò và trách nhiệm cơ quan ngôn luận của VFF, Báo/Tạp chí Bóng đá cũng đã đáp ứng nhu cầu người xem, độc giả khi truyền tải kịp thời thông tin của các giải “yếu thế” ấy.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để công tác truyền thông hiệu quả hơn, nhưng với những gì thực hiện trong nhiệm kỳ 2018-2022, công tác truyền thông của VFF đã có bước tiến đáng khích lệ. Ở chừng mực nào đó, truyền thông của VFF thể hiện được vai trò một “tiền đạo” như đánh giá của FIFA, AFC…

Lắng nghe tâm tư, góp ý của giới truyền thông
Không chỉ “một chiều” khi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí, VFF còn thường có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với những người làm công tác báo chí nhằm lắng nghe tâm tư, đóng góp để hình ảnh bóng đá Việt Nam ngày càng đẹp hơn. Đơn cử như VFF thường có những buổi trò chuyện thân mật với các phóng viên, nhà báo… vào các dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), gặp mặt đầu Xuân… ở cả hai miền Nam và Bắc. Chính sự cầu thị thông qua những cuộc trao đổi, tiếp xúc ấy với giới báo chí, truyền thông đã giúp VFF làm tốt hơn công tác nâng cao hình ảnh và vị thế của bóng đá Việt Nam. 

    Bình Luận