Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm lượt đi các giải bóng đá CNQG năm 2019: Nhìn thẳng, nói thật về công tác trọng tài

Tâm điểm trong ngày đầu tiên của Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm lượt đi các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (CNQG) năm 2019 tập trung vào đánh giá những mặt được và chưa được của các trọng tài.
Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm lượt đi các giải bóng đá CNQG năm 2019: Nhìn thẳng, nói thật về công tác trọng tài
Hướng đến khắc phục tồn tại, thiếu sót
Đến dự hội nghị sơ kết được tổ chức trong ngày hôm qua (23/6) có các ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐ Việt Nam (VFF), Trưởng Ban chỉ đạo hội nghị; Trần Anh Tú - Ủy viên thường trực BCH VFF, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị; Nguyễn Trọng Hoài - Phó Tổng giám đốc VPF, Trưởng Ban điều hành các giải bóng đá CNQG 2019; Dương Văn Hiền - Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban trọng tài. 

Với tư cách Trưởng ban trọng tài, ông Dương Văn Hiền đã thẳng thắn đề cập một số tồn tại, thiếu sót cần khắc phục đối với trọng tài, trợ lý, giám sát hay trong công tác điều hành bên cạnh những ưu điểm đạt được. 


Điển hình như còn hiện tượng xử lý nương nhẹ với lỗi phản ứng của cầu thủ, lãnh đạo ở một số đội bóng; phạt thẻ chưa đúng với mức độ phạm lỗi của cầu thủ ở một số tình huống; bỏ sót không quan sát kịp thời các tình huống hành vi phạm lỗi thô của các cầu thủ; việc áp dụng luật việt vị có những trường hợp trợ lý trọng tài thiếu chính xác, đặc biệt rơi vào các tình huống chuyền bóng ở cự ly dài; các tình huống bóng bật ra bật vào, vị trí các cầu thủ liên tục thay đổi làm cho nhận định của các trợ lý dễ mắc sai lầm, thường có tâm lý an toàn trong các tình huống phất việt vị không theo tinh thần FIFA. 

Trọng tài gặp nhiều áp lực 
Ông Hiền đưa ra một thống kê đáng chú ý, rằng qua giai đoạn lượt đi, số lượng trận đấu mà trọng tài và trợ lý trọng tài sai sót làm ảnh hưởng đến bàn thắng, bàn thua, phạt đền và không phạt đền có: 7 trận ở giải hạng Nhất, 9 trận giải VĐQG (trong tổng số 167 trận ở lượt đi). Trong đó có 1 trợ lý trọng tài đẳng cấp lại mắc sai sót nhiều lần; có 2 trận trọng tài xử lý nhầm thẻ (1 hạng Nhất, 1 V.League). 

Về giám sát trọng tài, ông Hiền cho biết việc đánh giá công tác trọng tài còn gặp hạn chế là nhận xét chung chung, hình thức, chưa có sự thống nhất trong việc đánh giá mức độ hoàn thành ở một số trận đấu. Đối với công tác điều hành, một vài trường hợp chưa có sự thống nhất trong xử lý, đôi lúc còn cảm tính. Đó là nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng tâm lý của các trọng tài khi điều hành trận đấu.


Dẫu vậy cũng trong hội nghị, ông Hiền chia sẻ một thực tế là những sai sót của trọng tài và trợ lý trọng tài dù chưa có kết luận từ Ban Trọng tài hay Ban Kỷ luật nhưng trước sức ép của giới truyền thông, phản ứng của lãnh đạo, HLV đội bóng (ngay cả có trường hợp trọng tài quyết định đúng) cũng là ngòi nổ dẫn đến những phản ứng từ khán giả làm ảnh hưởng đến tâm lý trọng tài. 

Qua đây, ông Hiền kiến nghị cần xử lý nghiêm hơn các trường hợp phản ứng, thái độ ứng xử không đúng mực của các quan chức tạo áp lực lên trọng tài; nghiêm cấm và có biện pháp chế tài đối với phát ngôn công kích, xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân trọng tài; cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời, đúng quy định trong việc xử lý các sai sót của trọng tài. Ngoài ra, một số giải pháp khắc phục cũng được đưa ra như: Tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho giai đoạn lượt về; Tiếp tục củng cố việc vận dụng luật mới để tránh nhầm lẫn; Đề cao tinh thần trách nhiệm, ổn định tâm lý, bản lĩnh khi làm nhiệm vụ...
    Bình Luận