Thành công với chiến lược trẻ hóa
Phút 41 trận chung kết giải U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc), trong mưa tuyết trắng xóa, Nguyễn Quang Hải bình tĩnh vẽ nên một đường bóng tuyệt đẹp. Bóng đi cuộn qua đầu hàng thủ Uzbekistan trước khi găm thẳng vào góc “chết” khung thành. Bàn thắng làm vỡ òa hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam. Nhưng với Quang Hải, anh có phần… bình thản và lạnh lùng hơn. Đó không phải là pha lập công đẹp mắt duy nhất mà Quang Hải có được cho U23 Việt Nam ở hành trình kỳ diệu tại VCK U23 châu Á năm ấy.
Trước đó, Quang Hải ghi 4 bàn quan trọng vào lưới Qatar, Australia và Hàn Quốc. Trước đấy nữa, Quang Hải ghi 8 bàn và ra sân 51 trận tại V.League cùng 3 lần thi đấu ở AFC Champions League cho đội 1 Hà Nội FC. Ở tuổi mười tám đôi mươi, Quang Hải đã trưởng thành thông qua việc được trui rèn với mật độ trận đấu dày và chất lượng như thế.
Nhưng không chỉ riêng Quang Hải, trong đội hình dự trận chung kết giải U23 châu Á 2018 còn 7 cầu thủ khác chơi tối thiểu 30 trận ở V.League. Công Phượng, Văn Thanh, Xuân Trường, Tiến Dũng, Duy Mạnh đã được trình làng và sớm trở thành trụ cột ngay từ mùa giải 2015. Đức Huy, Đình Trọng cũng hiện diện với tần suất lớn khi được chơi ở V.League 2016. Riêng Đình Trọng thậm chí còn sớm nổi lên như trung vệ “săn Tây” hàng đầu Việt Nam, sau 2 mùa giải đầu tiên với 46 trận (trên tổng số 52 trận tối đa) ở V.League.
Nói thế để thấy rằng, thành công của U23 Việt Nam với tấm Huy chương bạc tại VCK U23 châu Á 2018 không phải chuyện từ trên trời rơi xuống. Thực tế trước cột mốc giải đấu đó chừng 4 năm, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã hướng tới chủ trương trẻ hóa mạnh mẽ ở các giải chuyên nghiệp. Những gương mặt 18-19 tuổi được khuyến khích tạo cơ hội ra sân nhiều hơn. Chính sự đồng nhất về quan điểm kể trên giữa các CLB, VPF và VFF đã tạo nên bệ phóng thành công cho lứa cầu thủ sinh năm 1995-1997.
Tiếp nối sau cú hích lịch sử
Với lực lượng thiện chiến và sớm trưởng thành trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp tại V.League, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo cũng gặt hái thêm tiếng vang tại ASIAD 2018, với việc kết thúc ở hạng tư của giải. Ngay sau đó 1 năm, lứa cầu thủ 1997 cùng những gương mặt trẻ sinh năm 1998, 1999 được “giáp hạt” cũng tạo thêm cột mốc lịch sử nữa khi giành tấm Huy chương vàng SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, hai năm sau, khi SEA Games được tổ chức tại sân nhà, U23 Việt Nam của ông Park xuất sắc bảo vệ thành công tấm Huy chương vàng danh giá.
U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của người kế nhiệm Gong Oh Kyun cũng tạo nên sự mới mẻ với lối chơi tấn công đẹp mắt tại VCK U23 châu Á 2022. Đáng chú ý ở giải đấu này, ông Gong đã giúp bóng đá Việt Nam phát hiện ra những gương mặt trẻ triển vọng. Những Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Nguyễn Thanh Nhân, Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Phan Tuấn Tài được đánh giá đủ khả năng tiếp bước đàn anh, trong tham vọng hướng tới giấc mơ World Cup 2026.
Ở các cấp độ đội tuyển trẻ khác như U16 và U19, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạt hoạt động phát triển, các đội U16 và U19 Việt Nam cũng đã có những thành tựu đáng ghi nhận. U16 Việt Nam vừa giành tấm Huy chương bạc giải Đông Nam Á. Trong khi đó, U19 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam cũng vừa đoạt hạng ba tại khu vực, trước khi có vé dự VCK U20 châu Á 2023.
Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận thẳng thắn. Đó là trong 2 năm 2020 và 2021, số lượng các cầu thủ trẻ được thi đấu tại V.League như thế hệ đàn anh không nhiều. Phải đến năm 2022, trước việc thể thức giải đấu trở lại với hai lượt đi và về, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 được đẩy lùi tại Việt Nam, các gương mặt trẻ mới bắt đầu hiện diện và tự tin thể hiện. Những cầu thủ thuộc thế hệ 10x như Đình Duy, Phi Hoàng, Vỹ Hào, Mạnh Dũng, Tuấn Tài, Hai Long… đã và đang được ra sân nhiều hơn ở V.League. Đấy chính là nền tảng để các đội tuyển trẻ Việt Nam tự tin tiếp bước những thành công, như giai đoạn 2018-2022 quy tụ các chiến tích lẫy lừng.
HLV HOÀNG ANH TUẤN:
“Luôn sẵn sàng với thế hệ tiếp nối cho các đội tuyển trẻ”
Nói về các đội tuyển trẻ, HLV Hoàng Anh Tuấn - người giúp U20 Việt Nam dự VCK U20 World Cup 2017 đưa ra quan điểm: “Thành công của một nền bóng đá nói chung hay đội tuyển trẻ nói riêng đến từ sự kế cận mang tính liên tục. Như bóng đá Việt Nam, sau lứa Công Phượng thì chúng ta có thế hệ Quang Hải. Ngay sau lứa Quang Hải, chúng ta tiếp tục tìm thấy sự tin tưởng đến từ Văn Hậu và những cầu thủ trẻ sau đó. Để làm được điều này, tôi cho rằng những lãnh đạo bóng đá Việt Nam cùng các chuyên gia cần nghĩ đến giải pháp tổ chức thêm một giải đấu dự bị, song song với giải VĐQG và giải trẻ Quốc gia hiện tại, để giải quyết bài toán cho các cầu thủ trẻ được thi đấu. Ngoài ra, tôi cho rằng bóng đá Việt Nam nên có một quỹ cho bóng đá trẻ để tổ chức một giải hay hỗ trợ để các CLB quan tâm và phát triển hơn cho các cầu thủ trẻ”.
THÀNH TÍCH CỦA CÁC ĐT TRẺ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2022
U22-U23 Việt Nam
- Á quân U23 châu Á 2018
- Top 4 ASIAD 2018
- HCV SEA Games 2019, 2021
- Hạng ba U22 Đông Nam Á 2019
- Vô địch U22 Đông Nam Á 2022
- Tứ kết U23 châu Á 2022
U19-U20 Việt Nam
- HCĐ U19 Đông Nam Á 2022
- Dự VCK U19 châu Á 2022
U16-U17 Việt Nam
- HCB U16 Đông Nam Á 2022
Bình Luận