Hướng tới đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026: Khi bóng đá phong trào Việt Nam hướng tới tầm châu Á

Trong nhiệm kỳ VFF khóa VIII, bên cạnh sự thăng tiến, gặt hái thành công vang dội của bóng đá đỉnh cao, bóng đá phong trào ở Việt Nam cũng phát triển vượt bậc.
Hướng tới đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026: Khi bóng đá phong trào Việt Nam hướng tới tầm châu Á

Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh VFF đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện để tiến hành đề xuất nâng xếp hạng bóng đá phong trào Việt Nam từ hạng đồng lên hạng bạc theo Hiến chương bóng đá phong trào của AFC.

Bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng phát triển

Nhiệm kỳ 2018-2022 của VFF nói riêng và bóng đá thế giới nói chung đối diện nhiều khó khăn khách quan, bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch Covid-19. Dẫu vậy, ngoài sự quan tâm chăm lo cho bóng đá đỉnh cao, VFF cũng đưa ra những chiến lược phát triển bóng đá phong trào theo hướng toàn diện, bền vững.

Ở mảng bóng đá học đường, VFF đã phối hợp, đồng hành với các đơn vị triển khai các hoạt động thiết thực. Theo đó năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng bằng khen cho VFF vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020 và giấy chứng nhận Đơn vị đã-đang hỗ trợ “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa VFF và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thống nhất xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình bóng đá cộng đồng theo mô hình FFAV trong các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên toàn quốc, thành lập các CLB, đưa môn bóng đá vào trường học các cấp dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa. 

“Sau khi triển khai việc nhân rộng mô hình Bóng đá cộng đồng tại một số trường ở Hà Nội, TP.HCM, Lạng Sơn và Vĩnh Long năm 2015, các năm tiếp theo đã mở rộng tại các tỉnh Cần Thơ, Bến Tre, Cao Bằng và Điện Biên… Sự phát triển của bộ môn bóng đá trong trường học và thông qua bóng đá lồng ghép các nội dung kỹ năng sống phù hợp, cần thiết cho các em học sinh, tạo sân chơi thường xuyên, lành mạnh, nâng cao thể chất, giáo dục nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần tích cực vào việc xây dựng, rèn luyện thế hệ trẻ nước nhà, giảm thiểu các tệ nạn xã hội”, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng ban bóng đá phong trào VFF chia sẻ.

Số trường học có CLB bóng đá tính đến tháng 6/2020 đạt 7.356/25.745 trường, với số lượng học sinh tham gia tập luyện tại các CLB là 643.277/15.044.435 người (theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT tính đến tháng 6/2020).

LĐBĐ TP.HCM là đơn vị đi đầu trong công tác tổ chức và phát triển bóng đá cộng đồng trong trường học. Cụ thể: 100% trường (234 trường Tiểu học, 81 trường THCS) ở các khối Tiểu học, Trung học cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện khai giảng và tập luyện theo Chương trình bóng đá học đường của LĐBĐ TP.HCM. Bên cạnh việc đưa bóng đá vào học đường, VFF cũng có những kế hoạch hỗ trợ, đào tạo phát triển các Trung tâm bóng đá cộng đồng, ngoài chuyên nghiệp tại Việt Nam. Theo thống kê, những năm qua trên cả nước đã có hàng nghìn Trung tâm bóng đá cộng đồng được hình thành. Đây được xem là chân đế để bóng đá Việt Nam có thêm một kênh tìm kiếm, đào tạo và không bỏ sót các tài năng bóng đá, đóng góp cho các CLB chuyên nghiệp và ĐTQG.

Các giải đấu phong trào ngày càng nhận được sự quan tâm của giới truyền thông và người hâm mộ  	Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Sân chơi bóng đá phong trào nở rộ

Ở mảng các hệ thống giải bóng đá phong trào, VFF đã đồng hành, hỗ trợ chuyên môn cho nhiều hệ thống giải, tạo ra sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn như: Giải bóng đá phong trào vô địch Toàn quốc do CTCP bóng đá Việt (Vietfootball) tổ chức; Giải bóng đá phong trào “Thành phố mới Bình Dương Cúp Bemcamex IDC” do LĐBĐ Bình Dương tổ chức thường niên; Chương trình bóng đá học đường Vì ngày mai tươi sáng của LĐBĐ TP.HCM… Trong số này, tiêu biểu là hệ thống giải bóng đá 7 người của Vietfootball. Giải đấu hình thành từ năm 2013 với sự hỗ trợ của VFF dần phát triển ra phạm vi toàn quốc, trở thành mô hình kiểu mẫu về sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, thu hút đầu tư của nhiều nhà tài trợ lớn, sự quan tâm ủng hộ của giới truyền thông, chuyên môn và số lượng lớn khán giả theo dõi. Sự thành công của hệ thống giải bóng đá 7 người do Vietfootball sáng lập và tổ chức với sự hỗ trợ của VFF đã trở thành hình mẫu và lan tỏa ra rất nhiều địa phương trên toàn quốc.

Trên cơ sở mô hình thành công đó, Ban bóng đá phong trào đã xây dựng Đề án tổ chức giải bóng đá 7 người vô địch Quốc gia và đã được Ban chấp hành VFF thông qua trong năm 2021. Đây sẽ là nền tảng để loại hình bóng đá 7 người được phát triển bài bản, có hệ thống và sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam, từ đó từng bước mở rộng ra phạm vi khu vực, châu lục và thế giới. Việc hỗ trợ và phát triển sân chơi bóng đá mini này có ý nghĩa lớn với sự phát triển của bóng đá phong trào tại Việt Nam, căn cứ theo sự phù hợp với thực tiễn và tiềm năng phát triển, thu hút ngày càng nhiều lực lượng xã hội tham gia chơi và đầu tư, phát triển.

Mục tiêu nâng hạng bạc cho bóng đá phong trào Việt Nam
Ở mảng hợp tác quốc tế, VFF đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tổ chức thành công nhiều hoạt động bóng đá phong trào thường niên như: Ngày hội bóng đá phong trào AFC; Ngày hội bóng đá nữ AFC; Giải bóng đá quốc tế Việt Nhật …

Ban bóng đá phong trào cũng đã thực hiện các chuyến công tác đến AFC, Ban bóng đá phong trào của AFC để nghiên cứu học hỏi nhằm đưa bóng đá phong trào Việt Nam phát triển hơn nữa, theo kịp đà phát triển của bóng đá phong trào các nước trong châu lục. Đặc biệt, VFF hiện đang phối hợp với FFAV để nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện để tiến hành đề xuất nâng xếp hạng bóng đá phong trào của Việt Nam từ hạng đồng lên hạng bạc theo hiến chương bóng đá phong trào của AFC.

    Bình Luận