Mở cửa bóng đá sau dịch bệnh

Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ đó là mở cửa trở lại nền kinh tế.  VFF cũng phải tính đến chuyện mở lại bằng những giải pháp tổng thế dựa trên thành quả của cuộc chiến chống dịch Covid-19
Mở cửa bóng đá sau dịch bệnh

Dịch bệnh đi qua mang đến cho chúng ta rất nhiều bài học. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự khi bóng ma dịch bệnh vẫn còn là nỗi ám ảnh và bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều thách thức. Thế nên, một trong những quan điểm sống còn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ là vừa chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội vừa phải duy trì nhịp độ tăng trưởng. Nói cách khác, chúng ta phải có kinh tế để chống dịch, phải bảo đảm an sinh xã hội mới duy trì được bài toán vĩ mô.

Những điều mà chúng ta rút ra từ sự trả giá bởi sức khỏe nền kinh tế trong thời gian qua là vô cùng ý nghĩa. Nó cho thấy sự thay đổi về chiến lược, về cách ứng xử với dịch bệnh. Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào không thể ngay lập tức trở về trạng thái “không Covid-19”. Thích ứng với dịch bệnh, vượt qua nó và duy trì sự vận hành của nền kinh tế là con đường mà chúng ta buộc phải đi. Nó mới thực sự là “trạng thái bình thường mới”, khái niệm mà chúng ta nhắc đến rất nhiều thời gian qua.

Mở cửa nền kinh tế. Có cái nhìn phù hợp với các hoạt động bóng đá cũng là điều cần phải tính đến lúc này. Chúng ta cần kích hoạt trở lại các hoạt động bóng đá dựa trên độ phủ của vaccine. Hay nói cách khác, bóng đá hay các hoạt động của kinh tế cần phải xây dựng được bộ quy chuẩn trong các hoạt động của mình. Ở đó, những người đã tiêm hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm tính với Covid-19 và thực hiện các giải pháp phòng dịch phải được tính đến như căn cứ để mở cửa trở lại bóng đá. Thích ứng với dịch bệnh bằng thái độ cẩn trọng nhưng dũng cảm, dựa trên những thành quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine là cách để đưa bóng đá trở lại và đó cũng là một sự tái lập trạng thái bình thường trong cuộc sống.

Thế nên, giải pháp thích ứng với đại dịch của bóng đá cũng không thể tách rời cuộc chiến chống dịch của cả hệ thống chính trị. Bóng đá cũng có trách nhiệm duy trì, thúc đẩy các hoạt động của mình như là mệnh lệnh để hoàn thành “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. Nói cách khác, ứng phó với dịch, chống dịch phải bằng những giải pháp khoa học, tổng thể, quyết liệt và hướng đến mục tiêu duy trì hệ thống, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Một trong những giải pháp mà VFF, các nhà tổ chức giải đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ thời gian qua chính là nhanh chóng thúc đẩy độ phủ của vắc xin. Thành công của ĐT Việt Nam, ĐT nữ Việt Nam, ĐT futsal và U23 Việt Nam tại các đấu trường quốc tế thông qua cơ chế “bong bóng” đã mở ra hướng đi cho các hoạt động bóng đá. Với việc các tuyển thủ được tiêm đủ hai mũi vắc xin, hoạt động bằng một chu trình khép kín, chúng ta không chỉ thi đấu ở nước ngoài mà bắt đầu tổ chức được các sự kiện quốc tế. Trận đấu giữa Việt Nam và Australia đã chứng minh, nếu chúng ta thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch thi hoàn toàn có thể tổ chức các hoạt động quốc tế. Tới đây, ĐT Việt Nam tiếp tục tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát thì nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cho phép khán giả trở lại khán đài với một số lượng giới hạn.

Việc tái thúc đẩy các hoạt động bóng đá, cho phép khán đài mở cửa với khán giả phải dựa trên những tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất trong giải pháp chống dịch. Nó đòi hỏi các bộ phận hữu trách phải làm việc với tất cả tinh thần và trách nhiệm. Và nếu điều này thành hiện thực thì đó là một cộc mốc rất đáng tự hào về thành công trong cuộc chiến chống dịch. Nó phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt của bóng đá Việt Nam với đại dịch. Đồng thời, cho bạn bè quốc tế thấy về một Việt Nam an toàn, một Việt Nam biết kiểm soát dịch bệnh.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


 

    Bình Luận