Hôm rồi, một CĐV Than Quảng Ninh thắc mắc với tôi: “Giá vé xem bóng đá Việt Nam quá rẻ”. Có những khán đài ở V.League, một chiếc vé chỉ bằng hai cốc trà đá và chưa bằng một bát phở.
Vé rẻ thì khó lòng nâng cao thu nhập một đội bóng. Mà một khi tiền bán vé, bản quyền truyền hình chưa phải là phần chính của nguồn thu thì rất khó tạo ra được nền tảng cho bóng đá chuyên nghiệp.
Bóng đá cần sống bằng những nguồn thu thông qua các hoạt động của nó. Ví như AFF Suzuki Cup sẽ có mặt bằng giá mới, thậm chí cao hơn rất nhiều giá vé ở V.League. Thế nhưng, nếu đội tuyển đá tốt, vào sâu thì cái giá niêm yết được cho là cao ấy bỗng biến thành rẻ. Nói cho cùng, thông qua việc mua vé, NHM thể hiện trách nhiệm với bóng đá. Họ trả phí cho những điều mình được thụ hưởng. Và thông qua đó, NHM tái đầu tư cho bóng đá. Nhưng mới đây, VFF đã phải nộp phạt 12.500 ngàn USD vì CĐV nhà đốt pháo tại ASIAD 2018. Chưa hết, AFC còn cảnh báo, nếu chuyện này tái diễn, ĐT Việt Nam sẽ phải đá trên sân trung lập.
Có người bảo, đốt pháo sáng vì thích, vì yêu và muốn cho khán đài đẹp. Thậm chí, có người còn tuyên bố sẽ trả tiền để được đốt pháo sáng. Nhưng trong cuộc chơi quốc tế, vấn đề không phải là tiền. Thậm chí, bạn có nhiều tiền cũng không thể thay đổi được luật chơi. Vậy nên, khi bạn yêu đội tuyển, bạn muốn đóng góp vào thành công chung của cả nền bóng đá thì xin hãy chấp nhận cuộc chơi và cả những quy định ngặt nghèo của nó. Đã đến lúc số ít những người vốn vẫn đang cực đoan trong vấn đề pháo sáng phải nhận thức được trách nhiệm. Bạn có quyền yêu theo cách riêng, nhưng xin đừng làm ảnh hưởng đến người khác.
Và đã đến lúc, cơ quan chấp pháp cần phải vào cuộc thật sự nghiêm túc để có những giải pháp triệt để cho vấn nạn pháo sáng.
Bình Luận