Lúc này, thông tin về đội tuyển đôi khi không nóng bằng việc sở hữu một tấm vé đến Mỹ Đình tối 10/10 tới. Thậm chí, người ta còn nói với nhau, có vé đến sân mới là đẳng cấp, là yêu bóng đá. Nhưng thực ra thì một cặp vé không cho thấy điều gì và người ta thì có muôn vàn cách để yêu bóng đá, để sống với niềm đam mê của mình.
Lần này, VFF đã chọn một phương thức bán vé rất mới, đó là đẩy hầu như toàn bộ vé phát hành đến NHM thông qua sàn giao dịch điện tử. Mọi CĐV đều bình đẳng với nhau và muốn đến sân, bạn phải chiến đấu trên không gian mạng. Với cách này, VFF tránh được tiếng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” bởi giữa cơn sốt bóng đá lên đến đỉnh điểm thì vài chục ngàn tấm vé đến sân chỉ như muối bỏ biển và kiểu gì họ cũng phải nhận cơn bão chỉ trích.
Bây giờ, hàng triệu người đang muốn đến sân nhưng Mỹ Đình chỉ có thể phục vụ khoảng gần 4 vạn khán giả. Nói thế để thấy, lượng người không mua được vé mới là tuyệt đại đa số, mới là phổ biến chứ không phải những ai may mắn đến được sân. Đó là điều bình thường ở bất cứ nền bóng đá nào và bất cứ sự kiện có sức hấp dẫn nào đó. Chúng ta không thể làm khác và cũng chẳng có SVĐ nào lớn đến mức có thể đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu khán giả.
Hôm vừa rồi, tôi có ý nhường lại cặp vé mình may mắn mua được cho một cựu thành viên của ĐT Việt Nam. Vài tháng trước, anh có tiêu chuẩn mua vé và tôi sợ rằng anh có cảm giác hụt hẫng vì không thể tặng ai đó một đôi vé. Và thật bất ngờ khi anh từ chối đề nghị của tôi và tâm sự: “Em cũng không nhờ các bạn ở đội tuyển vì lúc này, bản thân họ cũng quá khó khăn về vé. Bất cứ ai liên quan đến bóng đá lúc này cũng khổ vì vé và em không muốn gây áp lực cho họ”.
Giữa cơn sốt, ai cũng muốn chứng tỏ mình là số 1, là người xứng đáng được tôn vinh hay ưu tiên điều gì đó. Nhưng yêu là thấu hiểu “nỗi khổ” của những người làm bóng đá lúc này thì câu chuyện về tấm vé sẽ không bị đẩy đi quá xa. Nói cho cùng, bạn có cả cuộc đời để yêu bóng đá, có hàng ngàn cách để biểu lộ tình cảm của mình chứ không chỉ là việc đến sân.
Bình Luận