Gần 10 năm qua, đường biên dọc hai sân vận động trở thành đường đời với trợ lý Ngọc Tân. Cái còi, cái cờ trở thành người bạn không thể thiếu mỗi khi anh xách giày ra sân cỏ. Giải hạng Nhất quốc gia 2018 sẽ vắng bóng hình ảnh ấy. Đường biên sẽ không còn sự hiện diện của vị trợ lý tận tâm. Anh ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn.
Phía sau người trợ lý tận tụy
"Suốt 10 năm qua, Tân vẫn tham gia các bài kiểm tra thể lực do LĐBĐ Việt Nam (VFF) tổ chức. Cứ mỗi lần hoàn thành xong, cậu ấy lại gọi về báo kết quả với gia đình. Tân vẫn thường phấn khởi nói với tôi rằng: Anh ơi, em đạt rồi! Mọi lần đều diễn ra bình thường như thế. Tôi không nghĩ lần này lại diễn ra như vậy", đôi mắt anh Dương Tiến Dũng đỏ hoe, rưng rưng khi kể về cậu em trai của mình.
Tân là em út trong gia đình 4 anh em tại Yên Bái. Mỗi người chọn một nghề. Với Tân, anh chọn thể thao làm "cần câu cơm" của cuộc sống. Học xong phổ thông, anh tự làm hồ sơ, tự ôn và tự thi vào trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, theo ngành thể dục dụng cụ. Duyên số rẽ lối thế nào, anh Tân tham gia làm công tác trọng tài. Từ cầm còi chính các trận đấu tại Yên Bái, anh trở thành trợ lý trọng tài ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Anh Dương Tiến Dũng, anh trai trợ lý Dương Ngọc Tân bùi ngùi nói về cậu em út
Công việc ấy gắn bó với anh Tân suốt gần 10 năm qua. Phía sau bức lễ trong lễ truy điệu vẫn còn đó những bằng khen, huân huy chương, bằng khen trong nghề trọng tài mà anh cất ngay ngắn lên góc tủ, như một niềm tự hào về sự nghiệp của bản thân. 37 tuổi, Tân còn cả một sự nghiệp trước mắt. Nhưng tiếc thay, ông trời đã đưa anh về cõi vĩnh hằng.
"Sự việc đến với gia đình thật sự bất ngờ. Đó là rủi ro, tai nạn nghề nghiệp không mong muốn. VFF và các đồng nghiệp cũng đã rất tích cực cố gắng sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Thời gian đầu Tân đã có những chuyển biến tốt về sức khỏe nhưng sau đó thì mọi thứ vượt quá sức chịu đựng của cơ thể nên không qua khỏi", anh Dũng ngậm ngùi nói. "Gia đình rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm của VFF, Ban trọng tài, VPF và đồng nghiệp đã tạo mọi điều kiện về vật chất cũng như tinh thần, và cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức tang lễ. Tiếc rằng hoàn cảnh của Tân bị bệnh hiểm nghèo đã không qua khỏi".
10 năm qua, trợ lý trọng tài Ngọc Tân đã quen với đường biên làm bạn, lá cờ làm niềm đam mê - Ảnh: Đức Cường
Vĩnh biệt nhé, bạn của chúng tôi
Người ta thường nói, các trọng tài là những người cô độc. Ở trong sân, một mình trọng tài chính đứng giữa sự tranh đấu của 2 tập thể. Dọc hai đường biên, trợ lý trọng tài một mình miết mải chạy theo từng tình huống bóng. Đôi giày, cái áo, cái còi, cái cờ và ranh giới nhạy cảm của quyết định phạt hay không phạt, lỗi hay không lỗi trở thành cái nghiệp, cái tình cảm gắn bó với những "người phán xử bóng đá".
Tổ 33, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái hôm qua không còn tiếng còi lanh lảnh, không còn tiếng phần phật của cờ và cũng chẳng còn tiếng giậm chân huỳnh huỵch khi chạy bộ của trọng tài Tân. Trước linh cữu của người trợ lý trọng tài, đó là tiếng hát da diết, tiếng trống, tiếng chiêng đập theo nhịp tiễn đưa một người con về với mẹ của đất.
Nhưng không như ở trên sân bóng, trợ lý Tân không đơn độc. Từng đoàn người nối đuôi nhau, kính cẩn thắp những nén nhang và dành phút mặc niệm tưởng nhớ một người con Yên Bái tận tâm với nghề. Từ Hà Nội vượt hơn 200 cây số, đại diện lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam, Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam, Ban Trọng tài, đồng nghiệp... những người đã sát cánh bên Tân chiến đấu trong cơn thập tử nhất sinh đến phút giây cuối cùng nghẹn ngào tiễn gửi lời vĩnh biệt.
Bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân
Tổng thư ký Lê Hoài Anh cùng các bộ phận liên quan còn túc trực tại Yên Bái,để chia sẻ nỗi mất mát với gia đình trợ lý trọng tài Tân. "Sự cố đối với trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân thực sự đáng tiếc", Tổng thư ký Lê Hoài Anh cho biết: Quan điểm của VFF là sẽ cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất nằm trong khả năng để giúp đỡ gia đình vượt qua giai đoạn hiện nay.
Sau khi tiễn đưa trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân, VFF sẽ triển khai ngay làm các thủ tục thanh toán trong suốt thời gian điều trị cho trọng tài Tân tại bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó, để ghi nhận đóng góp của anh cho sự phát triển bóng đá Việt Nam gần 10 năm qua, VFF sẽ lên kế hoạch khen thưởng của VFF cũng như đề xuất với các cơ quan quản lý của ngành để trao tặng trong thời gian sớm nhất".
Anh Tân đã có thể yên lòng mà nhắm mắt. Anh sang thế giới bên kia khi sau lưng là lời chào vĩnh biệt của gia đình, hàng xóm, bằng hữu, đồng nghiệp - những người đã sát cánh bên anh suốt gần 40 năm cuộc đời...
... Vĩnh biệt tất cả, Tân đi. Đường biên ơi, ta xin chào mi nhé...
Trọng tài đeo băng đen ở Cúp Quốc gia Tại các trận đấu ở vòng loại Cúp Quốc gia 2018, các trọng tài, trợ lý trọng tài đã đeo băng đen tưởng niệm trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân. Đây là một hành động mang tính nhân văn sâu sắc mà VPF, Ban Trọng tài VFF cùng các đồng nghiệp muốn gửi tới trợ lý Tân. |
Bình Luận