Vụ các cầu thủ U21 Đồng Tháp bán độ: Bi kịch Sen hồng giữa bùn non

Mới đây, Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra hàng loạt quyết định kỷ luật thích đáng đối với 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp tham gia bán độ trong trận đấu gặp U21 Vĩnh Long tại vòng loại giải U21 QG 2019. Những “của hiếm” mà bóng đá xứ Sen hồng dày công đào tạo trong những năm qua giờ đây đang đứng trước những ngã rẽ cuộc đời.
Vụ các cầu thủ U21 Đồng Tháp bán độ: Bi kịch Sen hồng giữa bùn non

Trò hư, thầy cũng mù quáng?
HLV Bùi Văn Đông là người được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện U21 Đồng Tháp dính chàm. Cho đến khi biết học trò cuả mình lầm đường lạc lối, chính ông Đông đã “vẽ đường cho hươu chạy” khi nói Huỳnh Văn Tiến viết đơn xin Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Đồng Tháp xin nghỉ tập trung có thời hạn mà không nhận lương thưởng.

Ở Đồng Tháp, ông Đông rất mát tay với nghề “gõ đầu trẻ”. Dưới sự dìu dắt của ông Đông, bóng đá trẻ Đồng Tháp từng lập cú hat-trick vô địch ở 3 VCK QG mà họ tham dự gồm  U15 QG 2014, U17 QG 2016 và U19 QG 2018. Năm ngoái, khi U21 Đồng Tháp giành hạng Ba giải U21 Báo Thanh niên, lãnh đạo đội bóng đã có những con tính “vĩ mô” để thế hệ cầu thủ này giúp bóng đá tỉnh nhà trở lại thời vang bóng. Theo đó, HLV Bùi Văn Đông cùng các học trò được cho Gia Định mượn để chơi tại giải hạng Nhì 2019 để tích luỹ kinh nghiệm. Đến cuối mùa, Đồng Tháp quyết định “triệu hồi” ông Đông và các học trò về phục vụ đội nhà tại giải hạng Nhất 2020.

Trong số ấy, có đến 13 cầu thủ được đôn lên đội 1 với những cái tên nổi bật như Nguyễn Nhật Trường, Trần Công Minh, Võ Minh Trọng, Bùi Duy Nam, Dương Vũ Linh, Nguyễn Hữu Toán, Huỳnh Văn Tiến, Trần Hữu Nghĩa, Ngô Tấn Tài... Với một chặng đường dài và với những gì đã gặt hái cùng những học trò trong những năm qua, HLV Bùi Văn Đông xứng đáng được bổ nhiệm nắm sa bàn Đồng Tháp. Một tương lai đầy hứa hẹn mở ra với lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Tháp Mười. Tiếc thay, những bông sen ấy chưa kịp chớm nụ thì rơi vào những cạm bẫy cuộc đời.

Với tư cách người thầy, nhiều người cho rằng, đáng lẽ HLV Bùi Văn Đông nên phơi bày sự việc, thay vì che giấu cho học trò. Ở thời điểm đó, ông Đông đã giữ im lặng. Có lẽ ông Đông biết được các học trò của mình sai và đã cố sửa sai cho họ. Nhưng dường như ông Đông đã chỉ sai con đường. Để rồi khi mọi vụ việc được đưa ra ánh sáng, người phải nhận trách nhiệm đầu tiên chính là ông chứ không phải ai khác.

Cầu thủ U21 Đồng Tháp và Vĩnh Long tiến vào sân trong trận đấu tại vòng loại giải U21 QG 2019 - Ảnh: Đồng Bằng

Ở một lăng kính khác, HLV Bùi Văn Đông được biết đến là một người thương học trò. Những thành công mà ông có được ở các giải trẻ đều có một phần đến từ sự ủng hộ, sự thương thầy mà các học trò dành cho ông. Tình nghĩa thầy trò, cái tình dành cho những đứa con trong nhà, một phần khiến ông cũng bị cuốn vào sai lầm của đám trẻ.

Bi kịch từ… cơ chế
Bóng đá Đồng Tháp vẫn phụ thuộc vào cơ chế nhà nước dù họ có nhà tài trợ chia sẻ một phần gánh nặng tài chính. Vài mùa bóng gần đây, thi thoảng người ta vẫn hay xì xào chuyện các cầu thủ Đồng Tháp đình công vì bị nợ tiền lương, thưởng.

Đội 1 đã thế, với các cầu thủ trẻ của Đồng Tháp còn khổ hơn rất nhiều. Được biết, những cầu thủ trẻ các tuyến của Đồng Tháp do trung tâm bóng đá trẻ đảm nhận. Nhiều năm qua đã diễn ra những tranh cãi xung quanh việc chuyển giao nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Khó khăn đủ thứ về vật chất, nếu không thật sự đam mê, nếu gia đình không có điều kiện thì các cầu thủ trẻ Đồng Tháp rất dễ… thối chí.

 Thật khó để bao dung cho những hành động huỷ hoại bóng đá. Với những người trẻ lại càng phải răn re, phải được giáo dục để họ không đi lệch với những tôn chỉ cao quý trong bóng đá. Các cầu thủ của U21 Đồng Tháp đã phải nhận án kỷ luật thích đáng từ LĐBĐ Việt Nam… Cũng hy vọng rằng, bản án này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cầu thủ trẻ đã chọn bóng đá làm cái nghề, cái nghiệp.

Tiếc cho bóng đá Đồng Tháp. Tiếc cho sự nông cạn của người trẻ và cả sự thiếu tỉnh táo của những người thầy. Như một cái chớp mắt, rồi đây bóng đá xứ Sen hồng phải chờ đợi những cầu trẻ xoá đi ký ức đáng quên để làm lại từ đầu.

“Chủ mưu” Huỳnh Văn Tiến từng phải đi xin giày thi đấu
Ít ai ngờ, người cầm đầu đường dây làm độ trận đấu giữa U21 Vĩnh Long và U21 Đồng Tháp năm nay mới chỉ vừa tròn 21 tuổi. Trong bản tường trình, Văn Tiến thừa nhận mọi việc cũng như việc chia tiền ra sao sau khi cá cược. Với vai trò là người cầm đầu vụ cá độ, Văn Tiến bị phạt 5 triệu đồng và đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm. Ít ai ngờ, trước trước khi lao vào con đường đen tối, Tiến từng là một cậu bé ngoan, có chí cầu tiến.

Những cầu thủ Đồng Tháp kể rằng, Tiến sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Số tiền tằn tiện từ lương đội trẻ, cầu thủ này dành một phần gửi cho gia đình. Thậm chí, Tiến không có nổi đôi giày tử tế để đá bóng nên anh phải đi xin đồng nghiệp. Văn Tiến đã phải trả cái giá đắt khi nhận bản án treo giò đến 5 năm. Dẫu vậy, người ta vẫn chờ cầu thủ này tiếp tục không từ bỏ ước mơ trở lại với bóng đá ở cái tuổi mà anh vẫn đủ sức gieo hoài bão.

8 cầu thủ được đăng ký ở mùa giải mới
Theo danh sách đăng ký của Đồng Tháp cho hạng Nhất và Cúp Quốc gia 2020, có đến 8 cầu thủ gồm Lê Nhựt Huy, Trần Công Minh, Huỳnh Văn Tiến, Võ Minh Trọng, Cao Tấn Hoài, Trần Hữu Nghĩa, Dương Vũ Linh và Nguyễn Nhật Trường vừa dính án kỷ luật treo giò do liên quan đến việc tổ chức và tham gia cá đội ở trận đấu của vòng loại U21 QG 2019. Với việc 8 cầu thủ bị cấm thi đấu, sức mạnh của đội chủ sân Cao Lãnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở mùa bóng tới khi mất đi 1/3 lực lượng.

XEM THÊM

Tiết lộ cuộc họp chiến thuật mang về HCV SEA Games của Park Hang Seo

HLV Hoàng Anh Tuấn: ‘Tôi và Gede từng bị coi là khùng khi muốn dự U20 World Cup’

U20 Việt Nam có thể không dự giải giao hữu tại Pháp

    Bình Luận