Một tiền đạo toàn tài
Trong từ điển bóng đá hiện đại, người ta cắt nghĩa một tiền đạo tài năng, chính là một tiền đạo sở hữu khả năng ghi bàn đáng sợ. Điều này không sai, nhưng nó chẳng đúng với Mario Mandzukic. Anh không phải mẫu máy dội bom đáng sợ, nhưng, lại là một tiền đạo toàn tài.
Vậy tại sao lại nói anh toàn tài? Để tìm ra câu trả lời, chúng ta cần phải xem xuyên suốt sự nghiệp của cầu thủ này từ thời còn ở Wolfsburg. Trong thời gian khoác áo ‘sói xanh’, anh là cái bóng của Edin Dzeko. Ở Atletico Madrid, Mandzo phải chấp nhận hy sinh để ‘Hoàng tử’ Antoine Griezmann được tỏa sáng.
Chuyển sang Bayern Munich, mặc dù được xếp chơi ở vị trí trung phong cắm ưa thích nhưng anh cũng chẳng phải đích đến cho mọi đường tấn công, mà thay vào đó, lại trở thành ‘mồi nhử’ nhằm tạo khoảng trống cho ‘đôi chân pha lê’ và ‘gã mặt sẹo’.
Sau khi cập bến Juventus, thêm một lần nữa anh lại phải nhường vũ đài chính cho Gonzalo Higuain. Dẫu cho luôn chỉ được sắm vai kép phụ, thế nhưng, vị trí của Mandzukic lại chưa bao giờ bị lung lay ở bất cứ đội bóng nào. Đi đến đâu, anh cũng có thể đóng góp cho đội bóng của mình, dù bằng cách này hay cách khác. Ấy chính là cái ‘toàn tài’ của cầu thủ người Croatia.
Một gã điên, một người truyền lửa trên sân cỏ
Mandzukic có biệt hiệu Dilkos, dịch ra tiếng việt có nghĩa là kẻ điên. Trên thực tế, bên ngoài sân cỏ, ngôi sao sinh năm 1986 là một quý ông kiểu mẫu – giàu có, nhã nhặn và khiêm nhường.
Thế nhưng, một khi khoác lên mình chiếc áo đấu, bước ra khỏi đường hầm sân cỏ, thì người quý ông đấy, bỗng chốc hóa thành một kẻ điên thực sự, sẵn sàng giẫm chân cầu thủ đối phương, ăn vạ hoặc gào thét với các trọng tài, thậm chí là đánh nguội đối thủ.
Rất nhiều, rất nhiều những sự kiện, để khiến cho Mandzukic trong tâm trí những NHM, là một kẻ điên thực thụ. Thế nhưng, ở đây, chỉ xin viện dẫn lại một câu chuyện, để thấy rõ tại sao, cánh báo giới lại gọi anh như thế.
Còn nhớ ở cuộc chạm trán giữa Atletico Madrid và Real Madrid trong khuôn khổ UEFA Champions League 2015, trong một pha tranh chấp với đội trưởng Real, Sergio Ramos, tiền đạo người Croatia đã lĩnh trọn một cú giật cùi chỏ từ trung vệ này.
Thế nhưng, bất chấp máu đổ, bất chấp đau đớn, bất chấp việc trọng tài yêu cầu anh để yên cho các nhân viên y tế chăm sóc, Mandzukic không ngừng lao về phía vị vua áo đen để tranh cãi đúng sai. Ngày hôm ấy, máu đã đổ, còn những tiếng thét tưởng chừng vang vọng cả Vicente Calderon. Rồi những tiếng thét trở nên lớn hơn, và máu cũng đổ nhiều hơn nữa.
Kể ra câu chuyện ấy, là để thấy rằng, ở Mandzo tồn tại một ý chí, một khao khát chiến đấu bất tận. Anh là một kẻ điên, nhưng cái điên của anh, có tác động mạnh mẽ tới các đồng đội, thôi thúc họ chiến đấu dù là trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
Trận đấu rạng sáng ngày hôm nay chính là một ví dụ như thế, cái cách mà cầu thủ người Croatia có hai pha đánh đầu vô cùng dũng mãnh, rồi hình ảnh anh ăn mừng bàn thắng cùng Chiellini, cho thấy ngọn lửa bên trong cầu thủ này, dù đã 31 tuổi, nhưng vẫn chưa bao giờ thôi bùng cháy mãnh liệt.
Một người đóng góp thầm lặng
Ở Juventus, ánh hào quang thuộc về bộ đôi Argentina là Higuain và Dybala, những cầu thủ mà với họ, những cú đúp, những cú hattrick là không hề thiếu. Như đã nói ở trên, ở làng túc cầu, một tiền đạo luôn được cắt nghĩa bởi nhiệm vụ ghi bàn, hay chí ít là kiến tạo. Và với một tiền đạo không có đủ điều kiện, cơ duyên để hoàn thành nhiệm vụ này, thì dường như vai trò của anh sẽ bị xem nhẹ.
Thế nhưng, bị xem nhẹ, không có nghĩa là ‘nhẹ’ thật. Hãy tự hỏi tại sao ở Turin, khi đã có một cặp song sát hoàn hảo, Mandzukic vẫn được Allegri tin dùng mà không bị thất sủng. Xin thưa, bởi anh là một ‘glue guy’. Trong môn bóng rổ, người ta dùng thuật ngữ ‘glue guy’ để ám chỉ những cầu thủ không ghi điểm nhiều, nhưng lại là nền tảng giúp cho các ngôi sao đội nhà ghi điểm. Và tiền đạo số 17 cũng vậy, anh có thể không ghi bàn, nhưng chính là chìa khóa dẫn đến thành công của ‘Lão bà’.
Đáng nói nhất, có lẽ phải là trận đấu với Barcelona ngay trên đất Turin mùa giải trước. Sau trận đấu ấy, người ta nhắc nhiều về những cầu thủ đã ghi bàn, và bỏ quên Mandzukic, mấu chốt dẫn đến chiến thắng của thầy trò Allegri, một tiền đạo hỗ trợ… phòng ngự.
Thời điểm đó, cả thế giới chao đảo với sức mạnh hủy diệt của tam tấu M-S-N. Sức công phá từ phía bộ ba này là vô cùng khủng khiếp, đặc biệt là Lionel Messi.
Thế nhưng, bằng chiến thuật kèm người “chập 2”, thậm chí “chập 3”, trong một hệ thống phòng ngự ba tầng, mà tầng đầu tiên, chính là Mario Mandzukic với sự máu lửa, lối đá ‘rắn’ riêng có ở một ‘Dilkos’, M10 trận đấu đó, đã trở thành một người vô hình đúng nghĩa ở Juventus Arena.
Thứ NHM mong mỏi nhất trong một trận đấu, luôn là những bàn thắng. Bởi vậy nên, những cầu thủ trực tiếp ghi bàn sẽ trở thành những đối tượng được yêu mến, được tung hô. Nhưng có lẽ, đã đến lúc, cần có cái nhìn nhận công tâm hơn, với những ‘glue guy’ trên sân cỏ, như là Mario Mandzukic chẳng hạn.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận