Clarence Seedorf nói về trải nghiệm dẫn dắt AC Milan: “Tôi giúp đội bóng lấy được 35 điểm trong 19 trận, nhưng bị sa thải. Những người tiếp theo đều không làm được như tôi, nhưng họ lại được cầm quân đến hết mùa. Tôi phải tự hỏi: thế thì tiêu chuẩn đánh giá là gì? Rồi tôi tiếp tục tự hỏi: tiêu chuẩn chọn HLV là gì?”. Seedorf tỏ ra tự hào không chỉ về thành tích huấn luyện, mà cả kinh nghiệm bóng đá nữa. Nhưng mãi không thể vươn lên, vì... màu da của mình. Anh nói: “Không phải mình tôi. Cũng không phải chỉ có bóng đá. Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, mọi người đều phải có cơ hội ngang nhau”. Theo Seedorf, chỉ có 1% hoặc ít hơn nữa trong số các HLV bóng đá đỉnh cao là người da màu. Đấy là một cuộc đấu tranh nhọc nhằn.
Trong 4 tháng dẫn dắt Milan, Seedorf kiếm được 35 điểm từ con số tối đa 57. Tính theo tỷ lệ thì đấy là thành tích cao thứ 4 tại Serie A ở thời điểm đó. Sau Milan là Shenzhen (Trung Quốc), Paranaense (Brazil), Deportivo (TBN) và ĐT Cameroon. Chưa có nơi nào Seedorf trụ được lâu hơn 1 năm.
Nhìn vào số lượng hoặc thời gian cầm quân của các HLV da màu trong bóng đá đỉnh cao, báo giới đã viết và tự hỏi về vấn đề phân biệt chủng tộc từ hàng chục năm nay rồi. Tất nhiên, tự hỏi thôi chứ ít thấy ai khẳng định hoặc chứng minh được điều gì. Cựu danh thủ Stan Collymore thì phân tích vấn đề theo một cách tiếp cận khác. Anh cho rằng các cầu thủ da màu phải xuất phát từ “tận đáy” khi bước vào nghề huấn luyện, trong khi các ngôi sao da trắng thì đã ở phần ngọn khi vừa cầm quân. Steven Gerrard và Frank Lampard đều có cơ hội tuyệt vời ngay xuất phát điểm - hoàn toàn trái ngược với Sol Campbell hoặc Ashley Cole.
Khởi điểm của Campbell là CLB Macclesfield ở cuối bảng hạng Tư - nói nôm na là đội cuối cùng trong toàn bộ 92 CLB nhà nghề trong bóng đá Anh. Đội bóng kế tiếp của Campbell là Southend, sau khi đội này rớt xuống bảng hạng Tư. Collymore kể thêm: có lần anh hỏi cựu danh thủ da màu Les Ferdinand sao không huấn luyện bóng đá, câu trả lời rất ngắn gọn: “Thôi. Không ăn thua”. Theo Collymore thì ai cũng phải bắt đầu từ con số 0 (chưa có thành tích gì, dĩ nhiên). Nhưng các HLV (da trắng) Brendan Rodgers, Alex Ferguson, Arsene Wenger đều có cơ hội tuyệt vời, kể cả khi họ chơi bóng thật sự tầm thường. Đấy là điều mà các danh thủ da màu không bao giờ có.
Tóm lại, cũng như Seedorf, Collymore không chứng minh được rằng các đội bóng lớn không chọn Sol Campbell hoặc Les Ferdinand huấn luyện vì màu da của các nhân vật này (ví dụ như thế). Kỳ thị chủng tộc là một vấn đề nhạy cảm, tất nhiên không thể phủ nhận. Nhưng báo giới cần những sự phân tích thuyết phục hơn.
Simon Kuper, tác giả cuốn “Kinh tế bóng đá” nổi tiếng cho rằng nếu không trực tiếp là vấn đề phân biệt chủng tộc, thì đấy cũng là ảnh hưởng của vấn đề này. Không thể bác bỏ: HLV trưởng là bộ mặt của đội bóng. Dù có phân biệt hay không, thì thực tế rành rành là chẳng có đội bóng nào muốn mình trở thành nạn nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp, của nạn phân biệt chủng tộc. Khi đội bóng thất bại, khán giả có thể mắng mỏ. Và hãy hình dung những điều có thể xảy ra, khi đội bóng thất bại dưới sự dẫn dắt của một HLV da màu. Thiệt thòi trong khía cạnh PR sẽ như thế nào?
Cựu danh thủ Anh, John Barnes (da màu), cũng phân tích vấn đề, ít ra là đáng nghe hơn cách “nói khan” của Clarence Seedorf hoặc Stan Collymore. Barnes khẳng định: khi huấn luyện Tranmere, anh không hề mất việc “chỉ vì màu da”. Trước tiên, đấy phải là vì thất bại về thành tích. Bất kể HLV da trắng hay da đen, hễ thành tích kém cỏi thì bị sa thải là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo Barnes thì HLV da đen bị sa thải khi thất bại nhanh hơn HLV da trắng, do đội bóng phải chịu áp lực từ dư luận nặng nề hơn (HLV da trắng khi thất bại thì cũng bị chỉ trích, nhưng ít ra họ không bị kỳ thị)!
Phức tạp hơn vấn đề màu da
Vì sao bóng đá đỉnh cao hiện có quá ít HLV da màu? Đấy có vẻ là đề tài tranh luận không bao giờ dứt. Ngay cả tại những nơi mà chắc chắn người ta không thể phân biệt chủng tộc (ví dụ ngay tại châu Phi), HLV da màu cũng đâu có được trọng dụng. Tại VCK World Cup 2018 vừa qua, Aliou Cisse (Senegal) là HLV người da đen duy nhất. Ngay trước đó, Cúp châu Phi 2017 cũng chỉ có 3/16 HLV trưởng là người da đen!
Không bao giờ có “HLV Pele”
Brazil là một đất nước đa chủng tộc mà trong đó người da trắng chiếm tỷ lệ dưới 50%. Xuyên suốt lịch sử, rất nhiều ngôi sao nổi tiếng từng giúp Brazil vô địch World Cup là cầu thủ da màu: Pele, Garrincha, Romario, Ronaldo... Giới nghiên cứu lịch sử còn cho rằng đội tuyển Brazil (nổi tiếng sau Argentina và Uruguay) chỉ thật sự vươn lên từ khi có cầu thủ da đen. Nhưng đội tuyển Brazil chưa bao giờ đượcdẫn dắt bởi một HLV da đen ở World Cup.
5. Mùa trước, chỉ có vỏn vẹn 5 HLV da màu cầm quân trong cả hệ thống 92 đội bóng nhà nghề tại Anh. Còn tại Premier League, mùa này chỉ có HLV da màu duy nhất là Nuno Santo của Wolves.
XEM THÊM
Bóng ma Covid-19 đe dọa Serie A & derby Milan
'Chẳng ai cảm ơn Napoli đã giúp Ronaldo tránh nguy cơ nhiễm COVID-19'
Bình Luận