Trong khi Juventus vừa trả Real Madrid tới 112 triệu euro để sở hữu siêu tiền đạo Cristiano Ronaldo, có đến 3 CLB giàu truyền thống ở Italia lại đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thực tế trên cho thấy bóng đá Italia đang có sự phân hóa lớn đến mức nào.
Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của Ronaldo ở Juve đã phát đi những tín hiệu tích cực. Chí ít thì CR7 hứa hẹn cũng thổi một làn gió mới tốt lành đến Serie A. Nhờ có anh, vị thế của giải đấu hàng đầu xứ sở mỳ ống được tăng lên đáng kể, tới cấp độ cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn huy hoàng những năm 90 của thế kỷ trước tới giờ.
Tuy nhiên, ngoại trừ các fan của Juve, không nhiều CĐV ở Serie A tỏ ra quá hân hoan và lạc quan vào chuyện nền bóng đá nước nhà đang đứng trước một tương lai tươi sáng. Theo báo giới Italia, hiện giờ có đến 3 CLB là Bari, Cesena (Serie B) và AC Reggiana (Serie C) chưa được cấp phép tham dự mùa giải tới do gặp khó khăn về tài chính.
Điều đáng buồn là những câu chuyện như trên vẫn xảy ra như cơm bữa ở Italia. Bằng chứng là kể từ khi Fiorentina bị phá sản vào năm 2002, đã có đến 153 CLB phải thành lập lại, sát nhập với CLB khoác hoặc biến mất hoàn toàn. Ngay mùa Hè này cũng có 3 CLB bị đánh tụt hạng từ Serie B tới Serie D do gặp vấn đề tài chính, dù trước đó họ không hề kết thúc mùa giải với một vị trí trong nhóm "cầm đèn đỏ".
Bằng cách này hay cách khác, hầu hết các CLB gặp vận hạn cuối cùng cũng đều lấy lại vị thế trước đây. Tuy phải chơi ở giải đấu cấp thấp hơn, nhưng một số đội bóng thậm chí còn đứng lên và phát triển mạnh mẽ từ đống trò tàn. Có thể kể ra đây trường hợp của Napoli, đội bóng được thành lập lại năm 2004 suýt nữa đã vô địch Serie A mùa trước.
Quang cảnh tại SVĐ Stadio San Nicola năm 2017
Trong khi đó, Parma cũng mới giành vé thăng hạng lên Serie A vào tháng Năm vừa rồi, chỉ sau 3 mùa giải kể từ thời điểm họ được tái sinh lần thứ 3 trong lịch sử. Cũng có những đội bóng không làm được như Napoli hay Parma. Họ phải mất thời gian dài mới tìm lại được ánh hào quang xưa, thậm chí cứ mãi lận đận ở những giải đấu hạng dưới và điều này khiến các CĐV rất đau lòng.
Những ví dụ điển hình cho trường hợp này là Bari và Cesena. Vậy điều gì đã xảy đến với Bari? Chính xác là vào tháng 5/2014, sau 3 thập kỷ thuộc quyền kiểm soát của gia đình nhà Matarrese, đội bóng này đã bị phá sản và được bán lại cho cựu trọng tài Gianluca Paparesta với giá 4,8 triệu euro. Khi rời Bari, gia đình nhà Matarrese để lại cho đội bóng khoản nợ ngập đầu 30 triệu euro.
Nhờ có Paparesta vốn sinh ra ở Bari, đội bóng có biệt danh "Những chú gà trống" này ngày càng tiến bộ. Đến năm 2016, mọi thứ còn tuyệt vời hơn khi tỷ phú người Malaysia Noordin Ahmad đạt được thỏa thuận sơ bộ cho phép ông mua 50% cổ phần CLB. Trước đó, vào tháng 12/2015, doanh nhân địa phương Cosmo Giancaspro với 5% lượng cổ phiếu trong tay đã trở thành chủ tịch mới của Bari.
Quá trình tái thiết Bari được ví như một cuộc đảo chính vì cuối cùng Giancaspro mua được toàn bộ số cổ phiếu của Paparesta và Noordin rút lui không kèn không trống. Kể từ đó, bầu không khi trong CLB hoàn toàn thay đổi. Đầu tiên là kế hoạch nâng cấp SVĐ San Nicola bị bác bỏ do thị trưởng thành phố là Antonio Decaro từ chối cấp tiền viện trợ.
Bầu không khí sôi động tại sân Stadio San Nicola năm 2014
Kết quả, Bari chỉ được cấp hợp đồng thuê sân dài hạn và không ai cấm họ tự cải thiện mặt sân. Nhưng do không có kinh phí, sân San Nicola gần như bị bỏ hoang và Bari thực sự lâm vào bế tắc. Đến tháng Giêng năm nay, có tin đồn về việc Bari nợ lương cầu thủ và phải đối mặt với nguy cơ bị cơ quan thuế trừng phạt. Hai tháng sau, Bari được thông báo là đã nợ 16 triệu euro.
Với việc còn không có đủ tài sản để thanh lý và trả nợ, nguồn thu từ quảng cáo là niềm hy vọng duy nhất để Bari có thể vượt qua khó khăn. Tuy các cầu thủ cũng thể hiện sự hảo tâm khi sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho CLB, Bari rút cục lại thất bại trong nỗ lực đá play-off để trở lại Serie A.
Đáng chú ý, chỉ vì không thanh toán hóa đơn trị giá 6.000 euro, hồi cuối tháng trước sân San Nicola đã bị cắt nước. Đây là khoảng thời gian Bari phải cố gắng kiếm 5 triệu euro để trả lương cầu thủ và phí tham dự Serie B mùa này.
Juventus đã chứng tỏ được đẳng cấp qua việc sở hữu Ronaldo
Căn cứ vào chuyện Bari liên tục gặp rắc rối trong những năm gần đây, cũng dễ hiểu khi các CĐV của họ đã tỏ ra mệt mỏi và không còn thiết tha ủng hộ đội bóng. Bằng chứng là khi đá play-off với Latina năm 2014, Bari bán được tới 50.000 vé. Vậy mà năm 2016, họ cũng đá play-off với Novara nhưng chỉ bán được 20.000 vé mà thôi.
Thực ra, hy vọng dành cho Bari chưa phải đã hết. Hôm thứ Sáu vừa rồi, thị trưởng Decaro đã phát biểu trước đám đông 4.000 người ở SVĐ cũ của CLB là Stadio della Vittoria rằng, ông đang kêu gọi các quan chức bóng đá Italia ưu ái dành cho Bari một vị trí ở Serie C vì những giá trị mà CLB này làm được trong quá khứ. Những nhà tài trợ được cho là cũng đã lần lượt xuất hiện, nhưng đến giờ mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ.
Giống như Bari, cả Cesena và Reggiana cũng đang lâm vào tình cảnh vô cùng bi đát. Có thể họ sẽ thay tên, đổi chủ, xây SVĐ mới, tiếp bước những Napoli, Fiorentina hay biến mất vĩnh viễn trong thời gian tới. Chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với những đội bóng kể trên, nhưng rõ ràng họ đang phơi bày thực trạng rất đáng buồn ở Italia. Tại đây, có những đội bóng hùng mạnh như Juventus đủ khả năng tuyển mộ những ngôi sao hàng đầu thế giới, nhưng cũng có những đại diện phải khốn khổ vì không biết kiếm đâu ra tiền chi trả những nhu cầu tối thiểu.
Bình Luận