Lập kỷ lục thăng hạng 3 lần trong 3 mùa bóng liên tiếp, Parma một thời lừng lẫy sẽ trở lại Serie A lần đầu tiên kể từ khi phá sản và bị đày xuống đẳng cấp Serie D hồi năm 2015.
Kịch tính đến thế là cùng!
Ở vòng cuối của giải Serie B mùa này, Frosinone chỉ cần thắng Foggia trên sân nhà là sẽ chính thức thăng hạng, cùng nhà vô địch Empoli. Suất thăng hạng còn lại sẽ trở nên rất khó khăn do có đến 6 đội cùng tranh chấp. Parma nằm trong số ấy (thua Frosinone 2 điểm trước vòng cuối cùng).
Kết quả: Parma tuy phải làm khách vẫn thắng 2-0 trên sân của Spezia, trong khi Frosinone bất ngờ bị Foggia cần hòa 2-2. Thế là Parma bằng điểm với Frosinone, nhưng hơn về kết quả đối đầu trực tiếp và chính thức trở lại đẳng cấp Serie A. Đấy là đội đầu tiên trong lịch sử Calcio vươn lên đẳng cấp cao nhất với 3 cú thăng hạng liên tiếp trong 3 mùa bóng.
Ban đầu, Parma chiếm hẳn ưu thế. Họ dẫn trước Spezia trong khi Frosinone chẳng những không tiến mà còn thụt lùi, bị đội khách Foggia dẫn điểm. Thế rồi, tưởng như thần may mắn đã mỉm cười với Frosinone. Đội này dẫn lại 2-1, nhờ cầu thủ Foggia tự đốt lưới nhà. Frosinone mà thắng thì họ chẳng cần quan tâm kết quả các trận còn lại. Đến phút 89, Foggia bất ngờ cân bằng tỷ số 2-2. Trong khi đó, Parma chẳng những không bị cân bằng tỷ số khi chịu phạt đền, mà còn ghi thêm bàn nữa để khẳng định chiến thắng trước Spezia.
Parma thăng hạng nhờ thắng Frosinone 2-0 trên sân nhà và “chỉ” thua 1-2 trên sân đối phương ở 2 trận đối đầu trực tiếp. Ở trận làm khách, Parma thua trước 2 bàn rất sớm, nhưng lại có 1 bàn gỡ nhờ cầu thủ Raffaele Maiello của Frosinone tự đốt lưới nhà. Giả sử không có bàn đá phản ấy? Parma và Frosinone sẽ hòa trong kết quả đối đầu trực tiếp, lại hòa trong chỉ số phụ tiếp theo (hiệu số bàn thắng bại), và cuối cùng Frosinone sẽ xếp trên vì hơn trong chỉ số phụ thứ ba (tổng số bàn thắng).
Hóa ra, Frosinone không thăng hạng nhờ pha đốt lưới nhà của đối phương ở trận quyết định ngay trong vòng đấu cuối cùng, như nhiều người đã tưởng. Ngược lại, rút cuộc họ đành chấp nhận cay đắng vì bàn đá phản của chính họ, từ cách đây hơn 6 tháng, và tất nhiên đấy là điều hoàn toàn không ai biết trước!
Công thần, hay truyền thống?
Rồi đây, người ta sẽ gọi Alessandro Lucarelli là một trong những công thần lớn nhất trong suốt lịch sử Parma. Anh là thủ quân hiện thời, và sẽ cùng đội trở lại Serie A mùa tới, ở tuổi... 41.
Lucarelli chính là cầu thủ duy nhất còn sót lại từ danh sách Parma trong mùa cuối cùng chơi bóng ở Serie A (trước đây). Anh vẫn gắn bó khi Parma bị đày xuống Serie D vì phá sản hồi năm 2015. Bây giờ, kỷ niệm đúng 10 năm khoác áo Parma, Lucarelli chính thức sở hữu kỷ lục khoác áo đội này nhiều nhất ở hệ thống các giải vô địch (không phân biệt đẳng cấp).
Lucarelli chỉ là người em của danh thủ Cristiano Lucarelli - nổi tiếng hơn nhiều. Cristiano cũng từng khoác áo Parma, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Khi đoạt danh hiệu Vua phá lưới Serie A mùa 2004/05, Cristiano Lucarelli khoác áo Livorno. Anh gia nhập Parma khi đã là tuyển thủ quốc gia Italia, và từ khi đến Palermo thì Cristiano Lucarelli không hề được gọi lại ĐTQG lần nào nữa.
Đấy có thể là một chi tiết mang tính “định mệnh” đối với Parma. Nhìn lại lịch sử, Parma có đặc điểm nổi bật là thường hay thành công với những cái tên thật sự tầm thường, nhưng lại gây thất vọng với những tên tuổi lớn. Giống như sự tương phản giữa anh em nhà Lucarelli vậy.
Ngày xưa, Parma được dẫn dắt ở Serie B bởi Arrigo Sacchi - một HLV “vô danh tiểu tốt” và chưa bao giờ chơi bóng đỉnh cao. Họ thắng AC Milan.
Thế là Silvio Berlusconi mời Sacchi sang Milan huấn luyện, để rồi ông này trở thành một tượng đài sừng sững. HLV giúp Parma lần đầu thăng hạng lên Serie A, Nevio Scala, cũng xoàng xĩnh không kém về mặt danh tiếng. Ngược lại, bao nhiêu tên tuổi lớn - từ HLV đến cầu thủ - đã gây thất vọng ở Parma? Khó kể siết. Lúc Parma xuống Serie A, HLV trưởng là Roberto Donadoni, trước đó đã là HLV trưởng ĐTQG Italia!
3 GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA PARMA Calaio, từ “hàng thải” thành tay săn bàn số 1 Emanuele Calaio là cái tên không quá lạ lẫm với những NHM Serie A. Anh từng chơi cho Siena trước đây nhưng không để lại ấn tượng gì. Calaio chuyển sang Parma năm 2016 và mùa vừa rồi là chân sút số 1 của Parma với 13 bàn sau 27 trận trên mọi đấu trường. Hợp đồng của Calaio sẽ hết hạn vào Hè này và nhiều khả năng anh sẽ được gia hạn. Insigne tỏa sáng ở cánh trái Roberto Insigne là em trai của Insigne “xịn” (Lozenro Insigne), người đang thi đấu cho Napoli và ĐTQG Italia. Insigne em cũng chơi rất tốt trong mùa giải này ở vị trí tiền đạo cánh. Cụ thể, anh đã có 5 bàn và 4 pha kiến tạo sau 31 trận ở Serie B cho Parma, góp công lớn giúp đội bóng này lên hạng. Insigne em sinh năm 1994 và mùa tới sẽ có cơ hội đối đầu người anh trai ở Serie A. Ciciretti, “thần tài” tới từ mùa Đông Nửa đầu mùa này, Ciciretti chơi cho Benevento ở Serie A và từng sút phạt tung lưới Juventus. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, tiền đạo này chuyển sang Parma theo hợp đồng cho mượn. Ciciretti phải ngồi dự bị thời gian đầu, nhưng đã tỏa sáng đúng trận cuối cùng với 1 bàn, 1 kiến tạo giúp Parma thắng 2-0 và giành quyền thăng hạng. Parma, một thời hoàng kim Parma đoạt Cúp C2 châu Âu (cúp Các đội đoạt cúp quốc gia) năm 1993; Cúp C3 (UEFA Cup, nay là Europa League) năm 1995 và 1999; Siêu Cúp châu Âu năm 1993; Cúp Quốc gia Italia các năm 1992, 1999, 2002. Xin được lưu ý: đấy là đội chỉ được góp mặt ở Serie A lần đầu tiên vào năm 1990. Các ngôi sao từng khoác áo Parma là Faustino Asprilla, Gianfranco Zola, Tomas Brolin, Hernan Crespo, Fabio Cannavaro, Gianluigi Buffon, Lilian Thuram, Roberto Sensini... Cố nhân Gilardino cũng... "góp công” Từng khoác áo Parma khi còn đỉnh cao phong độ (2002-2005), tuyển thủ Italia, Alberto Gilardino hiện đã trôi dạt về Spezia và là đối thủ của Parma trong trận quyết định vừa qua. Thật trớ trêu khi Gilardino tình cờ “giúp” đội bóng cũ thăng hạng. Anh sút hỏng quả phạt đền cho Spezia, theo một cách không thể tồi tệ hơn, khi tỷ số đang là 1-0 nghiêng về phía Parma. Quả ấy mà vào, dĩ nhiên thế trận sẽ khác. |
Bình Luận