Trọng tài là mục tiêu công kích
Hơn tất thảy những nơi khác, trọng tài trở thành mục tiêu công kích thường xuyên của công chúng Italia nói chung và người hâm mộ Serie A nói riêng, nhưng chỉ biết im lặng. Họ gần như “không có quyền tự vệ” trước các cuộc tấn công và tranh cãi không ngừng tại một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh này. Văn hóa nghi ngờ thường xuyên dẫn đến những vấn đề gây tranh cãi, thậm chí cuộc tranh luận bị đẩy đi quá xa trên khắp các mặt báo và trên truyền hình. Tất cả trở thành nỗi ám ảnh khiến trong những năm gần đây, số người đăng ký theo nghiệp cầm còi giảm sút đáng kể và có những người đang theo học cũng đành phải bỏ dở giữa chừng vì không thể chịu được sức ép, những định kiến dư luận.
“Vài năm gần đây, chúng tôi mất đi khoảng 6.000 người ghi danh và cũng chừng ấy người bỏ dở việc học hành để trở thành trọng tài chuyên nghiệp. Cá nhân tôi tin rằng những định kiến xã hội nhắm vào nghề trọng tài đã khiến con số những người theo nghiệp “làm cha làm mẹ” này giảm đi rất nhiều. Người ta không xem trọng tài là một con người, là một một người đã trải qua đào tạo khắt khe, rèn luyện liên tục và hy sinh đủ thứ. Hình ảnh trọng tài thực sự vô cùng tệ hại.
Đã đến lúc chúng ta cần chứng minh rằng, trọng tài là một người tốt trong cuộc sống hàng ngày, nhân hóa hình ảnh của trọng tài chứ không phải chỉ là một người đàn ông quyền lực, đem “quyền sinh quyền sát” trên sân. Nếu mọi người học cách tìm hiểu về một trọng tài, ông vua áo đen ấy có thể trở thành một hình mẫu, chuyển tải những giá trị đích thực, và do vậy, một đứa trẻ có thể được khuyên khích đi theo con đường này”, ông Alfredo Trentalange, tân chủ tịch Hiệp hội trọng tài Italia (AIA) nhấn mạnh.
Trọng tài được “tự do ngôn luận”
Đó cũng là lý do tại sao việc mới đây AIA đã cho phép các trọng tài được công khai chia sẻ, phát biểu, phản biện trước giới truyền thông và đó được xem như một cuộc cách mạng trong bóng đá Ý. Bởi sự xuất hiện của những “ông vua áo đen” trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước đó là cực kỳ hiếm hoi và hiệu ứng của sự kiện này có thể lan tỏa sang nhiều nền bóng đá khác. Tự do ngôn luận của chính những người cầm cân nảy mực có thể là chìa khóa trong chiến dịch làm giảm bớt cuộc khủng hoảng triền miên này. “Việc chia sẻ và minh bạch phải bằng cách giao tiếp, bởi có giao tiếp đồng nghĩa với chia sẻ mới khiến cho mọi người thực sự biết trọng tài là ai… Giao tiếp là nhu cầu tự nhiên của con người”, ông Trentalange cho biết thêm.
Trọng tài kỳ cựu Daniele Orsato là người đầu tiên “khai trương” quyền tự do ngôn luận này. Ông Orsato giữ chức Trưởng ban trọng tài của AIA, từng điều khiển 240 trận đấu tại Serie A, cầm còi chính ở trận chung kết Champions League giữa Bayern - PSG hồi tháng 8 năm ngoái tại Lisbon. Ngày 28/2/2021 vừa qua, trong chương trình “Novantesimo Minuto” (Phút thứ 90) của kênh truyền hình Rai, Orsato khẳng định đây chính là cơ hội tuyệt vời cho những người làm nghề trọng tài, tự tin vào bản thân và được thừa nhận. Bản thân Orsato cũng chia sẻ về mối quan hệ của ông với giới trọng tài tại Italia và phong cách của họ, tới sai lầm cách đây 3 năm trong trận đấu với Inter-Juventus khiến ông từng rơi vào tâm bão chỉ trích.
Pescara có trọng tài đầu tiên làm việc ở Serie A
Ngày 13/3 vừa qua, Giacomo Camplone trở thành trọng tài đầu tiên của tỉnh Pescara làm việc ở Serie A khi được AIA tin tưởng trao cho điều khiển trận Genoa-Udinese. Trong suốt 15 năm theo nghiệp trọng tài, ông vua áo đen 31 tuổi này đã trải qua mọi giải đấu, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp.
Người Napoli vẫn còn cay cú Orsato
CĐV Napoli vẫn mang “mối thù” với trọng tài Daniele Orsato. Cách đây 3 năm, Orsato đã bỏ qua lỗi trong vòng cấm của Miralem Pjanic, giúp Juventus không bị phạt penalty, còn bản thân cầu thủ người Bosnia tránh được thẻ vàng thứ 2, để cuối cùng Lão phu nhân giành chiến thắng 3-2 trước Inter và “cướp” ngôi đầu của Napoli, đăng quang ngôi vô địch Serie A. “Đó là một sai lầm chưa thể tiêu hóa được”, Enrico Varriale, phó giám đốc bộ phận thể thao của Rai, cũng là một CĐV Napoli, chia sẻ.
Làm giảm đi những căng thẳng
Nếu Orsato được phát biểu ngay sau trận đấu mà ông vừa điều khiển, thì mọi chuyện đã không rối ren, hỗn tạp. “Ở đây không tồn tại cái gọi là sự nhập nhằng. Nếu bạn không hoàn thành nhiệm vụ, thì có thể là một người khác làm nó và có thể với một người kém năng lực hơn. Tự do ngôn luận cũng sẽ giúp các trọng tài giảm tải đáng kể việc phải chịu đựng những lời miệt thị trên mạng xã hội”, Orsato chia sẻ. Có lẽ, cuộc cách mạng này sẽ giúp vấn đề trọng tài tại Serie A được nhìn nhận rõ ràng và công bằng từ tiếng nói của chính những người cầm còi.
Bình Luận