Thực tế, trong bối cảnh tài chính bị siết chặt, các CLB buộc phải cắt giảm quỹ lương và khấu hao hợp đồng để giữ ngân sách trong giới hạn. Chi phí đội hình được ấn định trước dựa trên doanh thu dự kiến, nên dù muốn đầu tư, họ cũng không thể vượt quá mức đó. Ngay cả Napoli, dù đã tăng chi phí đội hình lên mức cao chưa từng thấy, cũng vẫn phải bán bớt người. Vấn đề của Victor Osimhen được chủ tịch De Laurentiis xử lý riêng, nhưng GĐTT Manna đang đau đầu với danh sách dài dằng dặc những cái tên cần “thanh lý”: Cajuste, Folorunsho, Hasa, Vergara, Zerbin, Lindstrom, Ngonge, Simeone, Cheddira và Ambrosino.
Chỉ riêng 10 cầu thủ này đã “ngốn” hơn 30 triệu euro chi phí đội hình mỗi năm (bao gồm tiền lương và khấu hao phí chuyển nhượng). Trong khi đó, Napoli vẫn đang chuẩn bị đón về hàng loạt bản hợp đồng mới như De Bruyne, Lang, Beukema, Lucca và Milinkovic-Savic, tất cả đẩy tổng chi phí đội hình lên tới hơn 200 triệu euro/năm. Nếu không giải phóng bớt quỹ lương, mọi thương vụ mới đều bị chặn lại.
Tình cảnh của Inter cũng tương tự. Họ chỉ có thể chiêu mộ Leoni nếu bán được Stankovic, Sebastiano Esposito, Taremi, Asllani và Palacios và quan trọng là phải bán đứt, chứ không chỉ cho mượn. Các cầu thủ này không mang về đủ 40 triệu euro phí chuyển nhượng cho Leoni, nhưng việc đẩy họ đi cũng giúp tiết kiệm hơn 18 triệu euro chi phí đội hình. Inter thậm chí đang cân nhắc giữ lại các công thần như Mkhitaryan, Darmian, Acerbi và De Vrij đến khi hết hợp đồng mùa hè sang năm, bởi những người còn lại như Zielinski có mức lương cao mà không có đội nào hỏi mua.
Juventus và Milan thì càng lúng túng hơn. Ở Juve, ngoài trường hợp Vlahovic vốn đã được bàn đến nhiều, họ còn phải tìm cách bán Arthur, người sau 15 trận mờ nhạt tại Girona chẳng ai mặn mà. Trong khi đó, bộ đôi Giám đốc Comolli và Modesto đang phải tìm người mua cho Djalo (mua về 5 triệu euro nhưng chưa đá trận nào), Facundo Gonzalez, Rugani và có thể cả Miretti. Danh sách “thanh lý” còn có Weah và Mbangula. Douglas Luiz và Koopmeiners gần như không thể bán bởi muốn tránh lỗ, Juve phải đợi những lời đề nghị ít nhất 40 triệu euro, con số khó có ai chấp nhận.
Ở Milan, tình hình còn tệ hơn. Có tới 8 cầu thủ dư thừa, chiếm gần 1/3 đội hình, và đa số đều là những bản hợp đồng thất bại. Vasquez và Adli thậm chí đã bị đẩy xuống đội Milan Futuro khi chưa tìm được bến đỗ mới. Những cái tên như Bennacer, Emerson Royal, Musah, Okafor chưa nhận được lời đề nghị nào, trong khi Pobega và Colombo, nếu bán đứt, cũng khó tìm đối tác.
Roma cũng có Kumbulla, Hermoso, Solbakken và Darboe, đều vừa trở về sau những hợp đồng cho mượn, nhưng không còn nằm trong kế hoạch. Atalanta đỡ hơn đôi chút với chỉ hai cái tên El Bilal Touré và Bakker, thậm chí Bakker còn có khả năng được giữ lại.
Tình trạng bế tắc này phản ánh những sai lầm của các CLB trên TTCN: càng mắc nhiều sai lầm, càng có nhiều cầu thủ thừa phải xử lý. Và càng trả lương cao, họ càng khó bán. Ngoài ra, việc thị trường nội địa ở Serie A gần như đóng băng, các đội nhỏ chỉ quen mượn cầu thủ thay vì mua đứt, càng làm cho bài toán trở nên nan giải. Trong khi đó, Premier League vẫn giữ được một “chuỗi cung ứng” lành mạnh: các CLB nhỏ mua lại từ các CLB lớn, tạo ra dòng tiền lưu chuyển và giúp các đội dễ thanh lý hơn.
Bài học rõ ràng cho các tifosi đang nóng ruột chờ tân binh: TTCN không chỉ là chuyện mua sắm rầm rộ. Trước khi đón người mới, cần dọn dẹp và sắp xếp hợp lý đội hình hiện tại. Bởi vậy, đôi khi, ít nhưng chất lượng vẫn tốt hơn nhiều mà dư thừa.
5 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất Serie A mùa hè 2025
1. Tijjani Reijnders (Milan sang Man City, 55 triệu euro)
2. Nico Gonzalez (Juventus mua đứt từ Fiorentina, 28,1 triệu euro)
3. Theo Hernandez (Milan sang Al-Hilal, 25 triệu euro)
4. Samuele Ricci (Torino sang Milan, 23 triệu euro)
5. Luis Henrique (Marseille sang Inter, 23 triệu euro)
Bình Luận