Yêu - Ghét đến cùng cực, đặc sản của CĐV Serie A

Hồi đầu tháng 5, Juventus đã ra lệnh cấm một Juventini đến sân trong 5 năm vì đã chế giễu vụ thảm họa rơi máy bay của Torino. Các tifosi ít có khái niệm trung lập, họ yêu và ghét đến mức điên cuồng và quá khích. Vì yêu và ghét với các tifosi không còn là chuyện riêng của trái bóng.
Yêu - Ghét đến cùng cực, đặc sản của CĐV Serie A

Nỗi đau của đối thủ là niềm hạnh phúc

Có liên quan gì khi trong ngày Real Madrid đoạt Champions League 2016/17, pháo hoa được bắn tưng bừng tại… Napoli? Đó là bởi Real vừa đánh bại Juventus, khiến CĐV Napoli khắp nơi sung sướng. Juve thua, người Napoli cứ sướng cái đã, dù thất bại ấy có ảnh hưởng nhất định đến vị thế của bóng đá Italia nói chung và Napoli nói riêng tại châu Âu. 

Tifosi ở nơi khác vẫn cổ vũ các đội bóng Italia nói chung ở Cúp châu Âu, nhưng văn hóa đó không tồn tại trên mảnh đất hình chiếc ủng. Anh Igor, một người bạn Nga của tôi là CĐV Lazio, đã có mặt ở Rome đúng vào ngày Roma thắng Barca 3-0 và loại gã khổng lồ La Liga ra khỏi Champions League 2017/18. 

Igor đã ra đường tận hưởng bầu không khí lễ hội ở thủ đô Rome, nhưng vẫn có một Laziale cảnh báo: “Cậu đừng làm vậy, bọn họ chẳng tốt đẹp gì đâu. Rồi cậu sẽ biết”. Đúng 2 ngày sau, các CĐV Roma lại ra đường ăn mừng như thể họ vừa thắng Barca lần nữa. Nhưng tất nhiên lý do không phải thế. Họ ăn mừng đơn giản là bởi Lazio thua Salzburg 1-4 và bị loại khỏi Europa League. Igor đã được nghe tất cả những lời mạt sát nặng nề nhất mà các Romanista dành cho Lazio. 

Các Laziale cũng là những CĐV kỳ dị bậc nhất thế giới về khoản cổ vũ cho đội nhà… thua. Trong thế kỷ 21, đã có 2 lần (mùa 2001/02 và 2009/10), Laziale ăn mừng những bàn thắng của Inter vào lưới Lazio ở giai đoạn cuối mùa, bởi khi ấy Inter đang đua tranh chức vô địch Serie A với Roma và Juventus. CĐV Lazio căm ghét Roma và Juve đến như thế!



Và với những chuyện nêu trên, cũng không có gì lạ khi ở trận derby Turin hôm 3/5 vừa qua, một Juventini đã làm động tác máy bay rơi vào thời điểm các CĐV Torino đang trong dịp kỷ niệm 70 năm thảm họa máy bay Superga, đã giết chết gần như toàn bộ đội hình của Grande Torino vốn thống trị Serie A trong thập niên 1940. 

Sau khi bị camera trên sân bắt được cảnh ấy, Juve đã nhờ cảnh sát rà soát và tìm ra thông tin của vị CĐV quá khích ấy. Đó là một Juventini 49 tuổi đang sống tại Milan, lập tức bị cấm đến sân Allianz xem bóng đá trong vòng 5 năm. Trên mạng xã hội của các Juventini, họ chỉ tập trung chia sẻ vì sự… đen đủi của CĐV kia (bị camera bắt được), rất ít lời phê phán màn khiêu khích quá quắt đó. 

Đó là bởi tình yêu của các tifosi dành cho đội bóng của mình quá lớn. Rất nhiều người trên thế giới trở thành Interista vì Ronaldo “béo” hay HLV Jose Mourinho, nhiều người chọn làm Juventini vì Alessandro Del Piero hay Cristiano Ronaldo… nhưng những tifosi ở địa phương, họ cổ vũ đội bóng vì lý tưởng, và sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ ai đối đầu với họ vì lý tưởng.

Bóng đá phản ánh xu hướng chính trị

Dù muốn hay không muốn thừa nhận, nền bóng đá Italia chịu ảnh hưởng lớn bởi chính trị. Tại Anh, Pháp hay Đức, bóng đá là cuộc chơi trên sân. Khi trận cầu kết thúc, các CĐV rời SVĐ được xem như… hết chuyện. Nhưng ở Italia, một trận bóng không bao giờ kết thúc trong 90 phút. Các tifosi sẽ còn bàn tán về các tình huống gây tranh cãi trong nhiều ngày, thậm chí nhiều năm. Từ câu chuyện ở trên sân, cuộc tranh luận của các tifosi sẽ lấn sang vấn đề văn hóa, lịch sử và chính trị. 

Những CĐV có quan điểm chính trị rõ rệt và gay gắt nhất là Lazio và Livorno. CĐV Livorno được xem là những người cánh hữu, cũng chính vì thế quan hệ giữa các tifosi của Livorno với CĐV những đội bóng Italia khác luôn rất căng thẳng. Trong số rất nhiều đội bóng Italia được xem là thiên tả, Laziale là những người bảo vệ lý tưởng của họ mạnh mẽ nhất, thường xuyên đem tư tưởng chính trị của họ vào sân bóng.

Anne Frank là một nhà văn người Do Thái, nổi tiếng bởi cuốn nhật ký viết dở của cô chấm dứt đột ngột vào một ngày cô và gia đình bị phát xít Đức bắt vào trại tập trung, rồi qua đời tại đó ở tuổi 16. Cuối 2017, các Laziale ghép hình chiếc áo đấu của Roma vào bức chân dung của Anne Frank rồi đem đến SVĐ. 


Hàm ý của nhóm ultra Lazio là ủng hộ chủ nghĩa bài Do Thái, trong khi họ vốn vẫn xem Roma được nhiều người Do Thái cổ vũ. Ngay sau đó, cảnh sát Rome đã vào cuộc điều tra, khoanh vùng 10-15 Laziale có liên quan (người nhỏ nhất mới 13 tuổi). Lazio bị phạt 50.000 euro vì vụ việc này.

Ngay trong lòng một thành phố, một người cổ vũ cho đội nào cũng thể hiện giai cấp của người đó. Ở Milano ở giai đoạn đầu thế kỷ 20, Milan được xem là đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động, còn Inter được dành cho giới chủ giàu có. Sau hơn 1 thế kỷ cùng tồn tại, ý thức chính trị của Milanista và Interista đã dần phai nhạt, nhưng thực chất vẫn âm ỉ tồn tại. 

Khó có thể kết tội hay chê trách những hiện tượng nêu trên bởi đó là một phần lịch sử của Calcio. Đông đảo các tifosi ngoài biên giới Italia cũng đã làm quen và chấp nhận văn hóa cổ vũ của các CĐV bản địa. Đó là một thứ đặc sản của Calcio nói chung, làm cho bóng đá Italia khác biệt hẳn so với các nền bóng đá Anh, Đức hay Pháp. 

Yêu thì phải yêu đến điên cuồng, căm ghét cũng phải căm ghét đến xương tủy. Đó mới là những tifosi đích thực!

Mỗi Buffon đi… ngược chiều


Trong những năm qua, Gianluigi Buffon là cầu thủ Italia duy nhất dám công khai tuyên bố ủng hộ tất cả các đội bóng Italia thi đấu ở cúp châu Âu. Trên cương vị (cựu) thủ quân ĐT Italia, Buffon từng nhiều lần kêu gọi các tifosi thay đổi cách nghĩ như anh, nhưng đã không có mấy người hưởng ứng. Từ khi chia tay Juve vào Hè 2018, không còn thấy Buffon có những phát biểu tương tự.

CĐV Genoa dựng tượng… Ronald Koeman
Bên trong công viên Groppallo tại trung tâm thành phố Genoa, có một bức tượng nhỏ bán thân hình Ronald Koeman, bên dưới được khắc số 1992. Không khó khăn lắm để nhận ra ý nghĩa của nó. Đó là sản phẩm của các CĐV Genoa để kỷ niệm bàn duy nhất của Koeman giúp Barca thắng đối thủ cùng thành phố của Genoa, Sampdoria 1-0 tại chung kết Cúp C1 1991/92. 
    Bình Luận