Barca: Từ vụ 'đảo chính' Hesperia Mutiny đến Dream-Team của 'Thánh' Johan

Những người yêu mến Barca không ai không biết đến vụ “đảo chính” Hesperia Mutiny nhắm vào chủ tịch Nunez. Đó được xem là bước ngoặt mở ra một trong những giai đoạn hoàng kim nhất của đội bóng xứ Catalunya, mà đỉnh cao là chiếc Cúp C1/Champions League năm 1992 của Dream-Team do Johan Cruyff dẫn dắt.
Barca: Từ vụ 'đảo chính' Hesperia Mutiny đến Dream-Team của 'Thánh' Johan

Cách đây không lâu, sau một loạt scandal, chủ tịch Josep Bartomeu trở thành cái gai trong mắt nhiều người yêu mến Barca. Một loạt cầu thủ của đội bóng xứ Catalunya đã công khai mong muốn ông Bartomeu từ chức sớm, trong đó siêu sao Lionel Messi là một trong những người nhiệt tình nhất. Vụ việc đó gợi nhớ lại cuộc nổi loạn được xem là lớn nhất trong lịch sử sân Nou Camp diễn ra cách đây 32 năm.

Đó là vào một buổi tối 28/04/1988, nghĩa là 2 ngày sau khi đội bóng xứ Catalunya đánh bại Sociedad 1-0 để giành Cúp Nhà Vua. Các cầu thủ Barca đã tập trung cả lại ở khách sạn Hesperia để bàn về kế hoạch “đảo chính”. Hậu vệ Jose Alexanco, các tiền vệ Vitor Munoz và Bernd Schuster được xem là những người đầu trò. Còn HLV Luis Aragones là người cổ súy nhiệt tình cho các học trò. 

Do cuộc họp kín của toàn đội Barca diễn ra ở khách sạn Hesperia Mutiny nên người ta vẫn quen gọi đó là vụ “đảo chính” Hesperia Mutiny. Vậy vụ đảo chính Hesperia Mutiny đã diễn ra như thế nào, đến mức trở thành cuộc nổi loạn lớn nhất trong lịch sử Nou Camp và là vết nhơ không bao giờ có thể xóa sạch đối với Barca?

Hôm đó, trong bầu không khí căng thẳng, các cầu thủ Barca đã quyết làm một cuộc lật đổ chủ tịch Josep Lluis Nunez do bất mãn trong chuyện ký kết hợp đồng cũng như vấn đề lương bổng. Họ quy kết Nunez thiếu trung thực. Họ cho rằng mình không được chủ tịch tôn trọng. Họ chỉ trích ông gây chia rẽ nội bộ đội bóng. Nhìn chung, họ cho rằng mình đã bị Nunez lừa đảo. Các cầu thủ đã viết một bức tâm thư, cùng nhau ký tên để gửi đến ngài chủ tịch.

Sau cuộc họp đó, 2 cầu thủ Alexanco và Munoz đã đại diện cho các cầu thủ gặp trực tiếp ông Nunez để trao trực tiếp bức tâm thư. Họ đề nghị được tăng lương thưởng. Sau khi bị vị chủ tịch nổi tiếng bủn xỉn từ chối phũ phàng, họ nhất loạt kêu gọi ông từ chức với rất nhiều cáo buộc dành cho ông, trong đó nghiêm trọng nhất là việc quy kết ông tội biển thủ công quỹ.

Sau vụ “đảo chính” năm 1988, chủ tịch Nurez (giữa) đã sa thải HLV Aragones (ảnh nhỏ) và bổ nhiệm Cruyff (phải) thay thế

Tuy nhiên, vụ “đảo chính” Hesperia Mutiny đã bất thành. Các cầu thủ Barca đã chọn không đúng thời điểm để “hành sự”. Chỉ 2 ngày sau khi bức tâm thư được toàn đội thống nhất gửi đến chủ tịch Nunez, đội bóng xứ Catalunya đã phải đứng xếp hàng vỗ tay chào mừng “kẻ thù không đội trời chung” Real Madrid - đội đã sớm giành chức vô địch La Liga mùa giải 1987/88 (Barca thắng 2-0 ở trận El Clasico đó và kết thúc mùa giải đó ở vị trí thứ 6).

Đáng nói hơn, các cầu thủ Barca đã chọn không đúng đối tượng để trêu ngươi. Nunez khi đó là một doanh nhân thành đạt, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến chính quyền xứ Catalunya. Ông cũng rất được lòng CĐV của Barca với các dự án nâng cấp SVĐ Nou Camp, xây dựng bảo tàng Barcelona cũng như thành lập học viện bóng đá La Masia, cũng như từng mua về cho Barca nhiều ngôi sao đình đám, đáng chú ý là siêu sao Diego Maradona.

Cuộc đảo chính của các cầu thủ Barca đã nhanh chóng bị Nunez dập tắt. Trong mùa Hè năm 1988, ngài chủ tịch đã tạo ra một cuộc thanh trừng có thể xem là lớn nhất trong lịch sử Nou Camp. 14 cầu thủ đã bị tống cổ khỏi Nou Camp, trong đó Alexanco, Munoz, Schuster tất nhiên là những kẻ bị trảm đầu tiên, trong đó Schuster chuyển sang đầu quân cho “kẻ thù” Real Madrid. HLV Aragones cũng lập tức bị mất chức.

Nunez đã quyết định bổ nhiệm cựu danh thủ Johan Cruyff làm HLV của Barca thay thế ông Aragones. Cùng với đó, nhiều bản hợp đồng mới đã được thực hiện, trong đó nhiều cầu thủ sau này đã trở thành huyền thoại ở Nou Camp như Txiki Begiristain, Bakero, Julio Salinas... 4 năm sau dưới sự dẫn dắt của HLV Cruyff, Barca có một đội hình Dream-Team và giành chức vô địch Cúp C1/Champions League. Có lẽ bản thân Nunez cũng không thể ngờ rằng, quyết định bổ nhiệm Cruyff của ông đã giúp Nou Camp trải qua một trong những giai đoạn huy hoàng nhất trong lịch sử.

Trong các cầu thủ cùng đội bóng xứ Catalunya lần đầu tiên đăng quang ở đấu trường danh giá nhất châu Âu năm 1992, chỉ có duy nhất 1 nhân chứng của vụ “đảo chính” Hesperia Mutiny. Đó là thủ môn Andoni Zubizarreta - người đã có thái độ hối hận và công khai gặp chủ tịch Nunez xin lỗi.

Nunez là một trong những chủ tịch thành công nhất trong lịch sử Barca
Ông Luis Nunez đã có 22 năm ngồi trên ghế chủ tịch của Barca, kể từ năm 1978. Dưới sự trị vì của ông, đội bóng xứ Catalunya giành tổng cộng 176 danh hiệu lớn nhỏ ở tất cả các môn thể thao, trong đó có 30 danh hiệu bóng đá (đáng chú ý là 1 Cúp C1/Champions League), 7 chức vô địch La Liga, 6 Cúp Nhà Vua...

12. Sau vụ “đảo chính” Hesperia Mutiny, chủ tịch Nunez quyết định đập đội hình đi xây lại bằng cách mua về 12 cầu thủ gồm Lopez Rekarte, Txiki Begiristain, Bakero, Julio Salinas, Eusebio, Soler, Valverde, Manolo Hierro, Goikoetxea, Unzue, Serna và Aloisio.

Lineker không ký vào tâm thư gửi chủ tịch Nunez
Trong đội hình Barca “đảo chính” vụ Hesperia Mutiny, tiền đạo Gary Lineker đã cố tình né tránh, không ký vào bức tâm thư gửi chủ tịch Nunez. Đó là lý do ông không nằm trong danh sách 14 kẻ bị tống cổ khỏi Nou Camp mùa Hè năm 1988. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, ngôi sao người Anh cũng phải chia tay Barca. Nguyên do là dưới sự dẫn dắt của HLV Johan Cruyff, Lineker thường xuyên bị kéo lùi xuống đá như một tiền vệ phải. Tháng 07/1989, Lineker chuyển sang đầu quân cho Tottenham.

XEM THÊM

Raul được tin tưởng tuyệt đối ở Castilla

Sergio Ramos: 'Tôi sung sức hơn cả trước khi cách ly'

La Liga sẽ thi đấu trở lại vào ngày 5/6

    Bình Luận