Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Tháng 10/2012, một người đàn ông với mái tóc bạc và đôi mắt sâu đáp máy bay đến thành phố Manchester. Ông đến để tiếp nhận vị trí giám đốc thể thao của CLB Manchester City, sau khi đã rời khỏi cương vị tương tự tại CLB lớn nhất hành tinh thời điểm đó là Barcelona. Người đàn ông ấy chính là Aitor “Txiki” Begiristain.
Hãy bắt đầu về “Khổng Minh” của Manchester City hôm nay bằng một câu nói: “Với tư cách là chủ tịch Barcelona, việc mang Txiki về chính là quyết định sáng suốt nhất của tôi.” Người đã nói ra câu ấy chính là Joan Laporta. Với “Txiki” Begiristain trong tay, những gì rực rỡ nhất mà Barcelona có được đều đến từ các quyết định của người đàn ông này. Ông bổ nhiệm Frank Rijkaard, xây dựng nên quân bài Ronaldinho - Deco để chấm dứt 5 năm thảm sầu bằng hai chức vô địch La Liga và chức vô địch Champions League thứ 2 trong lịch sử. Khi thấy Ronaldinho bắt đầu xuống dốc, Begiristain tàn nhẫn ngay trên đỉnh cao bằng cách sa thải Frank Rijkaard, lắc đầu trước Jose Mourinho, lựa chọn Pep Gurdiola (đây là lý do Pep muốn gặp lại Txiki), ông yêu cầu BLĐ không được bán cặp Xavi - Iniesta, lấy lại Pique từ Manchester United, và cùng trái tim Messi, tạo ra kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử CLB xứ Catalan.
Khi Pep Guardiola rời sân Nou Camp vì hết động lực, Chủ tịch Joan Laporta thất bại trong cuộc đua giành ghế chủ tịch, thì Txiki cũng rời Barca và chọn Man City là điểm đến. Đó là ngày mà Khổng Minh xuống núi để xây dựng nên một vương triều hùng cứ một phương. Việc rời Barca để đến với một “ngôi sao đang lên” lạc phương hướng trong con đường đi tìm chân dung là một quyết định đầy dũng cảm, nhưng cũng nhiều thử thách thú vị, đầy tham vọng. Việc thay đổi môi trường tuy rủi ro, nhưng cũng là cơ hội để thể hiện được bản lĩnh tài năng. Và Txiki đã thể hiện việc này quá tuyệt vời qua cách xây dựng bộ khung của Man City, lựa chọn cầu thủ, HLV, và vạch ra cả chiến lược phát triển cho toàn bộ hệ thống từ cầu thủ trẻ. Ở cương vị GĐTT, ông mang về những bản hợp đồng chất lượng như De Bruyne hôm qua hay Haaland của hôm nay. Xen giữa là những bản hợp đồng tuy đắt mà xắt ra miếng, rất ít trường hợp “lỗi” hay “bom xẹt”. Đương nhiên, những việc này đều có từ Pep Guardiola. Nhưng nếu không có những mối quan hệ đến từ chính những ngày Txiki ở Barcelona, thì Manchester City sao mà có được Pep Guardiola – HLV được thèm muốn nhất thế giới. Chưa kể Pep còn là người mà Alex Ferguson khát khao nhất. Trên cấp độ vĩ mô, Txiki xây dựng hướng phát triển cho học viện bóng đá tại CLB, và không chỉ dừng ở biên giới nước Anh, mà mở rộng ra toàn hệ thống “City” tại Mỹ, Ấn Độ…
Pep được ca ngợi như một vị thánh, Haaland là ngôi sao giá trị nhất thế giới lúc này. Và người ta nói quá nhiều về những đồng tiền dầu mỏ của Manchester City. Tuy nhiên, tất cả sẽ không hiện diện, hay đồng tiền phát huy tác dụng trọn vẹn, nếu như Txiki không ở đây.
“Ngồi trong màn trướng, quyết chuyện xa ngoài nghìn dặm” – một bộ óc lỗi lạc của bóng đá thế giới.
Bình Luận