Nói đến trận thắng 2-1 của AC Milan trên sân Spezia ở vòng đấu cuối tuần qua tại Serie A là phải nói đến hiện tượng đình đám “3 đời nhà Maldini”. Daniel Maldini đã mở tài khoản ở Serie A trong trận đấu ấy, để kế tục sự nghiệp của cha và ông nội. Ông bố Paolo Maldini cười tươi rói trên khán đài.
Thật ra, Brahim Diaz mới là cầu thủ góp công lớn nhất giúp Milan giành trọn 3 điểm trên sân Spezia. Anh ngồi ngoài, theo giới thạo tin là để dưỡng sức cho cuộc đụng độ với Atletico Madrid tại Champions League. Nhưng anh vào sân ở phút 82 và ghi bàn ấn định chiến thắng cho Milan ở phút 86.
Như đã nêu, không ai không biết câu chuyện về gia đình Maldini ở Milan. Thú vị ở chỗ: nếu như hình ảnh “Maldini bố” tươi cười trên khán đài được kết nối với bàn quyết định của Brahim – chứ không phải bàn thắng của “ông con” Daniel Maldini, thì vẫn quá đỗi hợp lý. Chính giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini đã đàm phán thành công hợp đồng mượn lại Brahim từ Real Madrid trong mùa hè vừa qua. Chỉ cần một cú phôn từ Maldini là chẳng những đủ để thuyết phục Brahim chốt địa chỉ trong mùa bóng này. Đấy còn là động lực quan trọng để Brahim cố chơi thật hay.
“Tôi sẽ giao lại cho cậu chiếc áo số 10 của Hakan Calhanoglu (“chiến tướng” TNK, chuyển từ Milan sang Inter trong mùa hè vừa qua)”. Không cần am hiểu truyền thống Milan, để Brahim nhớ ngay rằng anh sẽ khoác lên mình chiếc áo từng gắn với tên tuổi Liedholm, Rivera, Gullit, Rui Costa, Boban, Roberto Baggio, Seedorf.
Chi tiết quan trọng nhất có lẽ là: Brahim vừa nghe đã hiểu, vì sao Maldini chọn chi tiết “giao lại áo số 10 của Calhanoglu” để đàm phán. Cần nhớ: Maldini là không chỉ là giám đốc kỹ thuật của Milan. Ông còn thuộc loại ngôi sao hàng đầu thế giới trong thế hệ của mình. Và thế hệ của Maldini cũng chính là thời kỳ mà vị trí cũng như vai trò “trequartista” – tiền vệ số 10 kiểu cũ – được tôn sùng tuyệt đối ở Calcio. Brahim thuộc mẫu này. HLV Stefano Pioli của Milan cũng đã nhiều lần nói ông thích kiểu số 10 “trequartista thuần túy”. Trong triết lý bóng đá của Pioli, “số 10” phải là một nghệ sĩ, hơn là “chiến binh”. Brahim đến để được Milan trọng dụng. Calhanoglu ra đi một phần cũng vì điều này. Vì Calhanoglu là mẫu tiền vệ trung tâm, vừa tổ chức vừa “chiến đấu” ở vòng tròn giữa sân. Tiền vệ TNK không bao giờ lơ là nhiệm vụ phòng thủ. Brahim thì hoạt động cao hơn và luôn tìm cách phát huy hơn nữa giá trị tấn công của mình.
Thật ra, Brahim đã khoác áo Milan theo dạng cho mượn từ mùa trước, xuất hiện 27 lần ở Serie A (đá chính 15 trận), ghi hoặc kiến tạo 7 bàn. Không tồi, nhưng cũng chẳng đến mức xuất sắc. Mùa này thì hay hơn nhiều. Và đây là lần thứ 2 Milan mượn Brahim từ Real – chứ không phải là mượn hẳn 2 năm từ mùa trước. Tất cả nói lên một điều: Milan và Brahim đã hiểu nhau, mới lại kết hợp lần nữa, chứ sự kết hợp thành công này không phải là may mắn tình cờ. Hết cho mượn vào cuối mùa bóng, họ sẽ quyết định điều gì, thì đấy là chuyện tương lai. Trước mắt, chỉ biết Brahim đang là hy vọng lớn của Milan, đặc biệt là trong trận gặp Atletico Madrid – trận đấu có lẽ là quan trọng nhất của Milan ở vòng bảng.
Brahim đã ghi bàn trên sân Anfield, khi Milan thua Liverpool 2-3 ở trận ra quân tại vòng bảng, cũng là trận đấu mà Milan xuất hiện trở lại ở Champions League sau một thời gian dài bị quên lãng. Thất bại ấy không có gì lạ, cũng chẳng phải là một sự sụp đổ. Bây giờ mới là một cuộc quyết đấu thật sự, có lẽ sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến vị trí nhì bảng chung cuộc, mà Milan nhắm đến. “Trequartista” Brahim phải tỏa sáng, mới được!
Bình Luận