Andrea Agnelli, chủ tịch của CLB Juventus, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) là người đưa ra ý tưởng trên, với hai mục tiêu chính. Thứ nhất, Agnelli muốn đảm bảo công bằng tài chính. Tức là các đội bóng lớn sẽ phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc của luật công bằng tài chính của UEFA. Theo đó, các ông lớn sẽ không chi tiền để mua ngôi sao của CLB lớn khác. Thứ hai, quy định này sẽ cải thiện đáng kể thứ gọi là “tình đoàn kết gián tiếp” giữa những đội bóng lớn với các CLB khác (đảm bảo tính công bằng cho các CLB). Bởi chính những đội bóng không tham dự Champions League mới là bên được hưởng lợi, khi họ có thể mua cầu thủ theo sở thích mà không gặp bất cứ rào cản nào.
Ý tưởng này càng gây chú ý hơn, khi sau cuộc họp thường niên của ECA hồi giữa tháng Ba, đích thân ông Agnelli khẳng định rằng các CLB lớn châu Âu cũng sẽ cân nhắc, tính toán thật kỹ đến khả năng cấm chuyển nhượng giữa các đội dự sân chơi danh giá nhất lục địa già. Tuyên bố của Agnelli diễn ra trước khi UEFA thông qua cải cách Champions League từ sau năm 2024.
Nhưng để ý tưởng nói trên đi vào thực tế thì còn vướng nhiều rào cản. Đầu tiên, đối với câu hỏi về các CLB tham dự Champions League. Liệu đây sẽ là những CLB đã giành vé trước hay sau kỳ chuyển nhượng mùa Hè (vì ở vòng sơ loại, không loại trừ có sự xuất hiện của những ông lớn). Một CLB lớn vẫn có thể mua cầu thủ của một CLB lớn khác nếu như họ tham dự từ vòng sơ loại. Thời điểm đó, CLB mua vẫn chưa được tính là “đội đã lọt vào vòng bảng Champions League”.
Sẽ có nhiều cách lách luật, thế nên ý tưởng của Agnelli nhằm ngăn chặn sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các đội bóng khó có cơ sở thực tế. Dù chưa có phản ứng chính thức nào từ Hiệp hội các giải đấu châu Âu (EL, nơi quy tụ 28 giải đấu chuyên nghiệp khắp châu lục), nhưng chủ tịch của Lars-Christer Olsson của cơ quan này không che giấu sự hoài nghi nhất định về tính khả thi của ý tưởng.
Thứ hai, việc cấm các CLB dự Champions League mua bán cầu thủ của nhau có thể tác động tiêu cực đến chính những CLB nhỏ, trong khi họ chính là phía phải được bảo vệ. Theo đó, các CLB nhỏ sẽ ngày càng khan hiếm tài năng. Bởi, các cầu thủ tốt nhất của họ sẽ cố gắng tìm mọi cách tới các bến đỗ lớn trước khi đội nhà có vé dự Champions League. Vô hình trung, lệnh cấm chuyển nhượng này lại đẩy họ ra đi nhanh hơn, khiến hố sâu ngăn cách giữa các CLB lớn và nhỏ ngày càng được đào sâu. Và thêm một rào cản khác, liệu một cầu thủ ra đi theo dạng tự do thì có bị cấm tới một ông lớn khác, đội cũng giành vé dự giải đấu số một châu Âu? Nếu cầu thủ bị cấm, thì điều này sẽ vi phạm luật Bosman 1995. Bởi đạo luật này cho phép các cầu thủ được toàn quyền rời CLB khi hết hạn hợp đồng.
Nói chung ý tưởng của Agnelli, ngay từ khi trong trứng nước, đã xuất hiện quá nhiều thử thách, khó có thể trở thành hiện thực.
EL muốn hỗ trợ tài chính cho các CLB nhỏ
Theo chủ tịch Olsson, Hiệp hội các giải đấu châu Âu ủng hộ hoàn toàn việc tăng gấp đôi các khoản tiền hỗ trợ cho các CLB không tham gia bất kỳ giải đấu nào ở châu lục với một khoản tiền là 140 triệu euro. Số tiền này trích ra hoàn toàn bằng nguồn thu từ Champions League bắt đầu từ mùa giải tới.
85. Năm 2018, tổng chi cho chuyển nhượng của 5 giải hàng đầu châu Âu (Bundesliga, Premier League, Serie A, La Liga, Ligue 1) lên tới 85% tổng chi chuyển nhượng của các giải VĐQG ở lục địa già. Theo UEFA, đây là tỷ lệ cao chưa từng thấy trong lịch sử.
“Premier League cần cắt giảm số đội”
Đó là lời phát biểu trước giới truyền thông của chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli. Theo Agnelli, việc giảm số đội tham gia tranh tài tại Premier League sẽ là một cách hữu hiệu để phù hợp với thể thức Champions League mở rộng. “Cá nhân tôi cho rằng việc có tới 20 đội tham dự một giải đấu quốc nội như tại Premier League là quá nhiều. Nếu cắt giảm từ 20 đội xuống 18 đội xem ra sẽ phù hợp hơn”, Agnelli nhấn mạnh.
Bình Luận