Nói về Man City của Pep Guardiola là phải nói về một “sự thống trị”, hoặc ít ra là khả năng ấy, hơn là nói về một sự tranh chấp danh hiệu riêng rẽ. Đội bóng ấy luôn hướng đến một chuỗi vô địch, đăng quang cùng lúc ở nhiều giải đấu khác nhau trong cùng thời điểm, hoặc thống trị trong suốt một giai đoạn dài. Sở dĩ như vậy là vì Man City được xây dựng theo mô hình riêng, triết lý riêng của Pep Guardiola. Phải kiên trì. Phải tiếp tục hoàn thiện hóa kể cả khi đã chinh phục được những mục tiêu riêng rẽ.
Hoàn toàn ngược lại, Chelsea của Thomas Tuchel - đúng ra là của Roman Abramovich - cứ phải thành công tức thì. “Chiến thắng hay bị sa thải” - đấy là phương châm của Tuchel. Ông thấy một bản hợp đồng có thời hạn 4 năm rưỡi là vô nghĩa, nên chẳng buồn đề nghị khi đàm phán để về dẫn dắt Chelsea trong mùa bóng này. Có chăng, đấy chỉ là ý nghĩa về tiền bạc mà dĩ nhiên một HLV có lòng tự trọng thì chẳng bao giờ xem là to tát. Thống trị ư? Căn cơ ư? Hướng đến tương lai làm gì nếu bạn có thể bị sa thải ngay sau mùa bóng đầu tiên, vì không có thành công cụ thể?
Khi mọi chuyện “vào phom” thì lối chơi mà Man City thể hiện là một lối chơi mà đối phương không thể chống đỡ. Chẳng phải Man City hướng đến tấn công. Phải nói ngược lại: phát huy được cách chơi trong triết lý bóng đá của Pep thì sức mạnh tấn công sẽ xuất hiện như một lẽ đương nhiên, và bàn thắng cho Man City là điều mà đối phương thấy trước cũng không đỡ được. Vì đấy là một sự chuẩn bị công phu, lâu dài.
Thế còn Chelsea? Không phải khen nữa, về khả năng phòng ngự của đội bóng đã giữ nguyên mành lưới ở 18 trong 24 trận từ khi tân HLV Tuchel xuất hiện. Chelsea “phải” phòng thủ chắc chắn vì đấy vừa là việc đầu tiên cần làm, vừa là việc duy nhất mà Tuchel có thể làm đến mức độ tốt nhất, trong hoàn cảnh ông chỉ vừa bắt tay vào việc. Trong hoàn cảnh “tức thời”, không có chiến thuật hay lối chơi nào bảo đảm sẽ thắng, sẽ ghi bàn. Nhưng chiến thuật, lối chơi bảo đảm cho bạn không thua, không thủng lưới, thì luôn có sẵn - vấn đề còn lại chỉ là áp dụng cho đúng mà thôi.
Man City cố thuyết phục Guardiola kéo dài bản hợp đồng sẽ hết hạn vào cuối mùa này, vì những gì Guardiola đã xây dựng sẽ tiếp tục ổn định, phát huy. Ngược lại, Thomas Tuchel chịu đến Chelsea vì ông chẳng phải nối tiếp điều gì, không cần manh mối nào, cũng chẳng có trách nhiệm xây dựng cái gì, hướng đến sự thống trị nào trong tương lai.
Sự đối lập tổng thể trong chiến lược phát triển đội bóng sẽ dẫn đến những tương phản cụ thể trong cách chơi cụ thể, khi Chelsea và Man City gặp nhau trong trận chung kết “toàn Anh” ở Champions League kỳ này. Gọi là “toàn Anh”, chứ thật ra đôi bên đều chẳng “Anh” chút nào, nói chung chẳng có điểm chung đáng kể nào có thể gợi ra vấn đề trường phái của một nền bóng đá.
Mỗi khi Champions League có trận chung kết “nội bộ” của La Liga, người ta sẽ bàn về thắng thế của trường phái kỹ thuật. Khi đấy là trận chung kết “toàn Đức”, người ta khen ngợi cách đào tạo trẻ và tinh thần phát huy nội lực “cây nhà lá vườn”. Còn hễ là chung kết nội bộ của Calcio thì đấy dứt khoát là sự lên ngôi của chiến thuật, là lần duy nhất trong kỷ nguyên Champions League mà trận chung kết… không có bàn thắng. Chung kết “toàn Anh” thì không có điểm chung đặc biệt nào, vì Premier League… cái gì cũng có.
Lần thứ 2 trong 3 mùa bóng gần đây nhất, chung kết Champions League thuộc về hai đại diện của Premier League. Có thể chỉ… ngẫu nhiên thôi. Nhưng đấy là sự ngẫu nhiên có nguyên nhân: Premier League có quá nhiều đội mạnh ngang tài, và các đội mạnh ở Premier League quá đa dạng về đặc điểm chuyên môn. Kinh tế, chiến thuật, kỹ thuật, trào lưu…, nói chung Premier League chẳng phụ thuộc vào bất cứ điều gì, nên giải đấu này miễn nhiễm với những thay đổi của thời đại.
Xứng danh “Big Six”
“Phong độ nhất thời” khiến vị thứ cụ thể mỗi lúc mỗi khác. Nhưng cuối cùng thì cả 6 CLB được gọi là “Big Six” trong làng bóng Anh – Arsenal, Chelsea, Tottenham, M.U, Man City, Liverpool, đều đã hoặc sẽ góp mặt trong trận chung kết Champions League, như một sự “hoàn thiện hóa” tất yếu. Đây chính là chi tiết nói lên sự giàu mạnh và chất lượng chuyên môn đáng gọi là “vô đối” của Premier League trong làng bóng đỉnh cao – không có bất kỳ giải đấu nào khác sánh nổi.
5 - Chung kết Champions League giữa hai CLB của cùng một nước thì Tây Ban Nha, Italia, Đức cũng có. La Liga cũng từng có 3 trận chung kết “nội bộ”. Nhưng Premier League đã có đến 5 đại diện khác nhau ở 3 trận chung kết “nội bộ” - nhiều hơn tất cả.
Bình Luận