Dự thảo cải cách Champions League lâm vào bế tắc

Phần lớn các thành viên đều không ủng hộ dự thảo cải cách Champions League của LĐBĐ châu Âu (UEFA) do nhiều bất cập.
Dự thảo cải cách Champions League lâm vào bế tắc
Hiệp hội các đội bóng châu Âu (ECA), dẫn đầu là chủ tịch Andrea Agnelli đã có cuộc họp với lãnh đạo của các CLB thành viên tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày hôm qua (10/9), nhằm thảo luận về những cải cách mới ở Champions League kể từ năm 2024.

Các đề xuất đã được đưa ra bởi LĐBĐ châu Âu (UEFA) hồi tháng 5 vừa qua, bất chấp việc chi tiết của nó đã bị rò rỉ từ trước đó. 

Cụ thể, đề xuất cải cách bao gồm các trận đấu tại Champions League sẽ diễn ra vào cuối tuần thay vì giữa tuần như hiện tại, 32 CLB chia vào 4 bảng đấu, và một hệ thống có sự lên - xuống hạng mà ở đó 6 đội dẫn đầu ở mỗi bảng sẽ tự động lọt vào giải đấu vào năm kế tiếp.

Dù vậy, những ý tưởng cải cách nêu trên đã vấp phải sự phản đối từ nhiều đội bóng cũng như lãnh đạo của các giải đấu hàng đầu châu Âu. 

"Một giải đấu nửa khép kín với nhiều trận hơn có nguy cơ làm suy tàn giải đấu của Tây Ban Nha", chủ tịch La Liga, Javier Tebas nhấn mạnh. Trong khi đó, người phát ngôn của Premier League cho biết: "Các trận đấu ở giải quốc nội sẽ tiếp tục được các CLB chuyên nghiệp ưu tiên".

Những bên phản đối thì quả quyết dự thảo cải cách của UEFA được thiết kế để đảm bảo nguồn thu của không ít những CLB lớn. 

Chủ tịch La Liga, Tebas không ủng hộ dự thảo
Chủ tịch La Liga, Tebas không ủng hộ dự thảo

"Cải cách này sẽ đặc biệt làm tổn hại tới các đội bóng trung bình và nhỏ. Nó loại bỏ khả năng giành suất dự Champions League thông qua giải đấu trong nước. Người hâm mộ từ đó sẽ dần mất hứng thú với các giải đấu nội, và những giải đấu ấy sẽ bị thiệt hại về kinh tế hơn nữa", chủ tịch Wanja Greuel của nhà ĐKVĐ Thụy Sỹ Young Boys bày tỏ quan điểm.

Tháng trước, UEFA thông báo hủy cuộc họp với ECA và ban tổ chức các giải đấu hàng đầu châu Âu (EL) - một tổ chức lớn hơn đại diện cho hơn 900 đội bóng châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 11/9. Chủ tịch UEFA - Ceferin nói rằng sở dĩ hủy bỏ hội nghị là do ông muốn "thu thập phản hồi" từ những liên đoàn thành viên.

Theo chủ tịch Bernard Caiazzo của St.Etienne, việc UEFA hủy cuộc họp đã cho thấy "dự thảo bị phản đối ác liệt": "Khi bạn đóng khung sân chơi danh giá nhất nhất với 90% lượng CLB tham dự, điều đó có nghĩa bạn đã giết chết giấc mơ được tham dự của các đội bóng tầm trung". 

Ông Caiazzo lấy Lille làm ví dụ, đội bóng đã có sự thăng tiến vượt bậc mùa trước khi về nhì tại Ligue 1. Trước đó, Lille chỉ đứng thứ 17 ở Ligue 1 2017/18. Nếu dự thảo mới được áp dụng, Caiazzo lo ngại sẽ không còn những câu chuyện thần kỳ như vậy nữa diễn ra.

Vào thứ Sáu tuần trước (6/9), cả UEFA và ECA đều đưa ra một lưu ý thận trọng. "Chúng tôi cần xem xét kỹ lưỡng phản hồi từ các CLB. Các giải đấu trong nước cần được bảo vệ, đồng thời, chúng ta cần cố gắng có phần thưởng béo bở cho các màn trình diễn ở cúp châu Âu", tổng thư ký của ECA Michele Centenaro thông báo.

Bayern của Rummenigge phản đối dự thảo cải cách
Bayern của Rummenigge phản đối dự thảo cải cách

Trong khi đó, ông Giorgio Marchetti - giám đốc phụ trách các giải đấu của UEFA khẳng định "không có bất kỳ áp lực nào để đưa ra quyết định", và cuộc thảo thuận sẽ kéo dài tới năm 2020. Ngoài ra, cả UEFA và ECA đều phủ nhận là "tác giả" của dự thảo cải cách Champions League.

Dù vậy, theo nhiều nguồn tin, dự thảo cải cách thuộc về trách nhiệm của Marchetti, người từng là tổng thư ký của liên đoàn LĐBĐ Italia trước khi gia nhập UEFA, hợp tác với người đồng cấp tại ECA, Diederik Dewaele.

Barcelona, Ajax Amsterdam, Real Madrid, Inter, Milan, Roma hay các đội bóng nhỏ hơn như Lyon, HJK Helsinki và Legia Warsaw là những CLB ủng hộ dự thảo cải cách. Trong khi đó, hai ông lớn của bóng đá Đức là Bayern Munich cùng Dortmund đều phản đối. 

Nhìn chung, dự thảo cải cách Champions League đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, và chưa thể hoàn tất trong ngày một ngày hai.
    Bình Luận