Vòng đấu vừa qua ở Champions League có nhiều bất ngờ? Tùy quan điểm.
Shakhtar Donetsk chiến thắng, trong khi Tottenham và M.U thủ hòa trên sân đối phương ở trận lượt đi. Trên lý thuyết, đấy là ưu thế trong thể thức đấu loại trực tiếp hai lượt đi, về. Hàng chục năm nay, giới chuyên môn (mà cụ thể là Tiểu ban kỹ thuật của UEFA) thường đúc kết một điều gần như đã là quy luật ở : tỷ lệ lật ngược tình thế trong các trận knock-out lượt về của Champions League khi nào cũng thấp.
Rõ ràng đến mức, người ta không phải tranh luận về kết luận ấy, mà chỉ tìm cách lý giải. Giới chuyên môn cho rằng ở đẳng cấp cao, khi các HLV đã tìm hiểu đối phương đến tận chân tơ kẽ tóc, đã chuẩn bị đến mức độ hoàn hảo, thì chuyện thắng thua thường ngã ngũ ngay từ lượt đi. Sai một ly, đi một dặm, rất khó lật ngược thế cờ. Tất nhiên, với những cặp đấu quá chênh lệch thì chẳng phải bàn.
Trên cơ sở tạm gọi là quy luật ấy, việc Shakhtar, Tottenham, M.U đồng loạt đánh mất ưu thế tạm thời, bị loại khỏi vòng tứ kết, là hiện tượng đáng lưu ý. Bayern, Man City, Liverpool đều quá mạnh so với đối thủ của họ, coi như không cần xét đến. Real, xét nhiều mặt, cũng đáng gọi là vượt trội so với “nhà giàu mới nổi” PSG. Bỏ qua các trường hợp này, coi như chỉ còn Barcelona bảo vệ thành công ưu thế ở lượt đi (hòa 1-1 trên sân Chelsea) trong vòng đấu vừa qua.
Điểm chung trong chiến thắng của AS Roma (trước Shakhtar), Sevilla (trước M.U), Juventus (trước Tottenham)? Quá dễ thấy: họ đều được dẫn dắt bởi các HLV người Italia. trước sau vẫn là nền bóng đá nổi tiếng nhất thế giới về chiến thuật. Thành công trong bóng đá đỉnh cao bây giờ được quyết định bởi đồng tiền hay không, cứ việc mặc sức tranh cãi. Vấn đề triết lý cũng vậy. Duy có một điều không đổi: trong một trận đấu duy nhất, chiến thuật của nhà cầm quân vẫn luôn là quan trọng số 1.
Nếu AS Roma, Sevilla, Juventus vẫn chưa đáng được xem là ứng cử viên vô địch ở Champions mùa này, đấy lại là vấn đề khác. Nhưng chiến thắng của họ trong vòng đấu vừa qua, ở mức độ nào đó, đã giúp môn thể thao vua lấy lại phần nào giá trị căn bản. Với người hâm mộ (bình thường), sự so đọ về chiến thuật khi nào cũng đơn giản hơn, dễ xem hơn, hay hơn những điều quá cao siêu, như triết lý hoặc chiến lược vĩ mô các kiểu.
Chiến thuật thường đi liền với con người cụ thể. Ở , HLV Jose Mourinho từng đưa Jesse Lingard vào sân và anh ghi bàn quyết định để hạ Chelsea, hoặc khi Mourinho bất ngờ để Marcus Rashford đá chính thì anh tỏa sáng, thắng Liverpool. Bây giờ, M.U lại thua Sevilla vì 2 bàn liên tiếp của cầu thủ dự bị Wissam Ben Yedder. Đấy đều là những câu chuyện thú vị về chiến thuật. Ben Yedder - tuyển thủ Pháp trong môn... futsal, trước khi chơi bóng đỉnh cao lần đầu ở tuổi 20, rồi đây chắc chắn sẽ lại quay về với địa vị của một cầu thủ không hề được Sevilla coi là chủ lực.
Cũng như các bàn thắng quan trọng trong những trận đấu lớn của Lingard hoặc Rashford không hề bảo đảm cho họ chỗ đứng ổn định ở đội hình chính.
Đấy là tính “nhất thời” của chiến thuật. Người ta có thể bất ngờ thành công trong một trận đấu duy nhất, bằng con đường chiến thuật, nhưng chẳng có chiến thuật nào cứ mãi phát huy tác dụng. Thậm chí, nếu một chiến thuật nào đó cứ lặp lại thường xuyên, có khi đấy lại là chi tiết quan trọng dẫn đến... thất bại. Đấy là lý do vì sao ít người xem AS Roma, Sevilla, thậm chí Juventus, là ứng cử viên vô địch Champions League mùa này, dù họ thành công trong lượt đấu vừa qua. Thôi thì, đến đâu hay đến đó. Bóng đá mà... siêu việt quá, cũng khó thưởng thức!
Bình Luận