Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Phá dễ hơn xây
Lúc nào cũng vậy, phá dễ hơn xây, và việc phòng ngự hiển nhiên dễ hơn tấn công. Đội bóng có trình độ cao hơn thường giỏi tấn công hơn, đẩy đối thủ vào thế phải chống đỡ. Đó là 2 mặt đối lập nhưng không hề tách biệt trong bóng đá, và một đội bóng có thể chơi tấn công trong trận này nhưng lại chơi phòng ngự ở trận khác tùy thuộc vào đối thủ, trừ một vài trường hợp cá biệt luôn tiếp cận mọi trận đấu với cùng một công thức.
Đi cụ thể vào trận chung kết thì yếu tố tâm lý lại đóng vai trò rất lớn. Cùng là knock-out nhưng nó khác xa bán kết, từ kết hay vòng 1/8 bởi chỉ có một lượt mà thôi. Sẽ không có nhiều cơ hội sửa sai nếu mắc sai lầm trong cách tiếp cận bởi mọi thứ có thể đổ như chuỗi domino. Thế nên, trừ những đội có trình độ quá cao, cộng thêm bản lĩnh có thừa thì mới dám chơi tấn công ở chung kết. Còn không thì cứ chọn việc dễ mà làm, đó là phá quả bóng đi thật xa.
Nếu đã xác định chủ động phòng ngự thì chưa cần đến bàn thắng, mỗi cú xoạc bóng, tắc bóng, giải nguy thành công đều sẽ tích lũy thêm sự tự tin cho các cầu thủ. Trận đấu càng kéo dài, bên phòng ngự càng có lợi, bởi họ không chịu sức ép tâm lý, mà ngược lại, dồn hết sự mất kiên nhẫn cho đối thủ.
Nói lại về Sir Alex, HLV huyền thoại này hiểu rõ giá trị của việc gây nản lòng cho đối phương bằng phòng ngự. Nhưng cái tôi quá cao không cho phép ông dùng cách đấy với MU trong 2 trận chung kết Champions League với Barcelona. Quỷ đỏ hiển nhiên ở thế cửa dưới nhưng không chịu phòng ngự số đông mà vẫn muốn pressing đàn áp Barca.
Ở thời kỳ đỉnh cao của tiki-taka, cách làm như vậy chẳng khác nào tự sát. Ban bật, thoát pressing là nghề của Barca nên họ cực thích những đối thủ có đội hình nhiều khoảng trống. Ngược lại, Barca cực ngán những chiếc "xe bus 2 tầng" chắn ngang trước khung thành theo kiểu của Inter năm 2010.
Đến đây, cần dành lời ngưỡng mộ cho Mourinho bởi HLV theo trường phái phòng ngự cực đoan này đạt tỷ lệ thắng 100% ở các trận chung kết cúp châu Âu. Trong những trận đấu đó, cùng với Porto, Inter và MU, không phải lúc nào đội bóng của Mourinho cũng chịu lép vế hoàn toàn trước đối phương và co cụm trước khung thành. Nhưng tựu chung, họ đều được hình thành và chạy theo tư duy ưu tiên đảm bảo an toàn cho khung thành đội nhà trước khi nghĩ tới chuyện công thành đối thủ.
Cơ hội cho Inter
Lối chơi phòng ngự không quá "kén" cầu thủ nhưng trọng tính hệ thống, buộc cả đội phải trở thành một khối thống nhất bọc lót cho nhau. Mourinho vừa tái hiện điều đó khi cầm chân Leverkusen không bàn thắng ở trận lượt về bán kết Europa League khi chỉ giữ bóng 28% và dứt điểm đúng 1 lần và cũng đi ra ngoài. Nếu đưa đội hình Roma hiện tại cho Pep Guardiola, liệu ông có thể đưa họ tới chung kết như Mourinho? Đó chính là giá trị của phòng ngự, điều mà Pep cũng thấm thía khi cùng Man City áp đảo Chelsea ở chung kết Champions League 2020/21 nhưng vẫn thua trận. Hay như Chelsea kiên cường chống đỡ Bayern mùa 2011/12 và thu về thành quả ngoài sức tưởng tượng.
Chắc chắn, chơi phòng ngự rất mệt và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Không phải đội nào cũng có thể đừng vững trước sức công bá đạo của những đội hình siêu tấn công cỡ Man City. Thế nhưng ở Inter hiện tại có những phẩm chất đủ để kéo Man City vào cuộc chiến dài hơi căng não. Simone Inzaghi không phải một chuyên gia phòng ngự nhưng hệ thống 3 trung vệ của ông, kết hợp với đội hình thấp đang có tính tổ chức cực cao. Chất lượng từng cá nhân đương nhiên đại diện Serie A không thể so sánh với đối thủ. Nhưng như đã nói ở trên, Inter đang có một khối đội hình gắn kết tuyệt vời, tạo ra sự cộng hưởng về tinh thần, thứ quan trọng bậc nhất trong các cuộc chiến một mất một còn.
Chắc chắn, Man City sẽ không cho Inter cầm bóng tại Istanbul và điều Inzaghi cần chuẩn bị cho các học trò là niềm tin chiến thắng vào 90 phút chẳng cần đụng tới quả bóng quá nhiều. Phần còn lại thì giao cho số phận bởi nhà vô địch nào cũng cần một chút may mắn.
Inter phòng ngự rất tốt ở Champions League |
Bình Luận