Istanbul Basaksehir, Man City của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ

Basaksehir đã khởi đầu khá tệ trong lần đầu góp mặt ở vòng bảng Champions League với 2 trận toàn thua. Nhưng ít ai biết rằng, đội bóng chỉ có tuổi đời 30 năm ấy lại đang là quyền lực số 1 tại Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí còn được mệnh danh là “Man City của Super Lig”.
Istanbul Basaksehir, Man City của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ

Basaksehir mới được thành lập năm 1990 với cái tên ban đầu là ISKI SK, và vốn thuộc... công ty phân phối nước của thành phố Istanbul. Từ khởi đầu là giải nghiệp dư, họ đã mất 17 năm mới leo lên hạng đấu cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở đầu mùa 2007/08. Tiếp đó là cú sốc xuống hạng ở cuối mùa 2012/13, rồi trở lại Super Lig chỉ sau 1 năm. Nhưng kể từ khi được một nhóm 7 nhà đầu tư bí ẩn mua lại vào năm 2014, Basaksehir đã lột xác và trở thành một thế lực mới của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ.

Basaksehir đã đứng trong Top 4 của Super Lig suốt 6 mùa gần nhất, trong đó có hai lần về nhì trước khi đăng quang ở mùa trước (2019/20). Tổng số điểm mà họ giành được ở giải VĐQG trong 4 mùa gần nhất là cao nhất so với bất kỳ đội bóng nào. Ở các cúp châu Âu, Basaksehir đã vào đến vòng 1/8 của Europa League mùa trước và mùa này, có màn ra mắt ở vòng bảng Champions League.

Những thành công ấy có sự đóng góp đáng kể từ sự xuất hiện của các tên tuổi nổi tiếng một thời như Emmanuel Adebayor, Robinho, Arda Turan, Gael Clichy, Martin Skrtel, Rafael da Silva và Demba Ba. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, tất cả bắt đầu từ một cuộc điện thoại của đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ cho HLV Alan Pardew hồi tháng 1/2017.

Trong đội hình của nhà ĐKVĐ Thổ Nhĩ Kỳ Basaksehir hiện có rất nhiều tên tuổi lớn như Demba Ba (ảnh), Chadli, Skrtel...

Thời điểm ấy, hàng công của Basaksehir đang tan tác vì chấn thương và HLV Abdullah Avci đề nghị ban lãnh đạo đem về một tiền đạo cao lớn và kinh nghiệm. Tuyển trạch viên của CLB lúc đó đã tiến cử Adebayor, cựu tiền đạo Arsenal đang thất nghiệp nhưng chơi rất tốt trong màu áo đội tuyển Togo. Để xác nhận về chân sút này, đội trưởng Emre Belozoglu đã vận dụng mối quan hệ với CLB cũ Newcastle để bắt liên lạc với Pardew, người từng dẫn dắt Newcastle và vừa có 6 tháng làm việc với Adebayor ở Crystal Palace. Sau khi nhận được cái gật đầu từ chiến lược gia người Anh, Basaksehir lập tức chiêu mộ chân sút này.

Chính tiền đạo người Togo sau đó “rủ rê” Gael Clichy tới Basaksehir. Và khi đã có trong đội hình Adebayor, Clichy và Demba Ba, việc thuyết phục ngôi sao một thời của Man City là Robinho trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai là người tạo ra sự lột xác không tưởng tại sân Fatih Terim? Vì không ai biết rõ danh tính của nhóm 7 nhà đầu tư bí ẩn đã mua lại CLB năm 2014. Ngoài ra, bản hợp đồng tài trợ ký với tập đoàn y tế và giáo dục Medipol năm 2015 cũng không thể tạo ra cú hích lớn đến vậy.

Rất khó để đưa ra câu trả lời, nhưng nhiều nguồn tin ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Basaksehir có mỗi liên hệ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền AKP. Hãng thông tấn AFP thậm chí từng mô tả Basaksehir giống như “một món đồ chơi” của vị chính trị gia này. Và những thông tin ấy không phải là không có cơ sở.

Chủ tịch Goksel Gumusdag của Basaksehir vốn là cháu rể của vợ ông Erdogan. Khi CLB khai trương sân vận động Fatih Terim hồi tháng 7/2014, ông Erdogan đã góp mặt trong một trận đấu biểu diễn và lập được một cú hat-trick. Ngài Tổng thống mặc áo số 12 trong trận đấu ấy và sau trận, Basaksehir quyết định treo luôn số áo này để vinh danh ông.

Tất nhiên, Basaksehir không thừa nhận điều này. GĐĐH Mustafa Erogut cho rằng đây chỉ là những lời lẽ ác ý, xuất phát từ sự ghen tị trước đà thăng tiến chóng mặt của CLB. Ông tuyên bố trên tờ The Athletic: “Đó là mặt trái của thành công. Khi mới nổi lên, chúng tôi có được sự đồng cảm từ tất cả. Họ thậm chí còn nói rằng Basaksehir là hình mẫu và tương lai của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi bạn bắt đầu cạnh tranh danh hiệu vô địch, một số người bắt đầu thất vọng”.

Erogut cũng khẳng định tổng giá trị hợp đồng tài trợ của Basaksehir vẫn chỉ bằng 1/5 hoặc 1/6 so với ba ông lớn Besiktas, Fenerbahce và Galatasaray. Ngoài ra, chuyện thu chi của họ cũng bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của LĐBĐ Thổ Nhĩ Kỳ và UEFA. Nhưng dù bị đối thủ dè bỉu là “Erdogan FC”, hay đốt tiền mua danh hiệu như Man City ở Premier League, không ai có thể phủ nhận rằng Basaksehir đã trở thành quyền lực số 1 của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ.

Basaksehir không ngán bảng tử thần
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Basaksehir không ngại khi rơi vào cùng bảng đấu với Man United, PSG và RB Leipzig. Nói về chuyện này, CEO Mustafa Erogut (ảnh) của CLB Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Khác với mọi người, tôi luôn muốn góp mặt trong bảng tử thần tại Champions League. Chúng tôi đã mơ về việc Neymar, Kylian Mbappe và Paul Pogba đến chơi ở SVĐ của mình”. Ông Erogut khẳng định những cuộc đối đầu với M.U hay PSG sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Basaksehir vì “mọi người ở Trung Quốc và Bắc Mỹ đều sẽ dõi theo bạn”.

Chọn màu cam không phải vì Erdogan
Người ta từng nghi ngờ rằng màu áo da cam truyền thống của Basaksehir phản ánh mối liên hệ giữa họ với Tổng thống Erdogan, vì nó trùng với màu cờ của đảng cầm quyền AKP. Nhưng CEO Erogut đã phủ nhận điều này. Ông cho biết: “Basaksehir được thành lập từ năm 1990, và một lãnh đạo CLB rất thích màu da cam khi đến thăm Hà Lan nên quyết định chọn màu áo này cho đội bóng. Và đừng quên là năm 2001, đảng AKP mới ra đời”.

10 - Với chức vô địch Super Lig mùa 2019/20, Basaksehir chính là đội bóng đầu tiên phá vỡ thế độc tôn của bộ ba Galatasaray, Fenerbahce và Besiktas ở giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ sau 10 năm. Trước họ, đội gần nhất làm được điều này là Bursaspor khi đăng quang ở mùa 2009/10.

XEM THÊM

Dự đoán đội hình trận Istanbul Basaksehir vs M.U: Cavani và Van de Beek sẽ đá chính?

Alex Telles liệu có kịp ra sân ở trận M.U làm khách trước Istanbul Basaksehir?

SỰ KIỆN NÓNG TRONG NGÀY

    Bình Luận