Kai Havertz lại 'hóa super' ở 'hang Rồng' Dragao?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Kai Havertz nói rằng anh thực sự mong ngóng ngày được trở lại Dragao, nơi anh có “nhiều ký ức đẹp”. Nhưng anh trở lại đó không phải chỉ để hồi tưởng về quá khứ, mà còn là để hướng tới tương lai.

Đỉnh cao cuộc đời

Địa điểm là sân Dragao, thành phố Porto (Bồ Đào Nha). Thời gian: phút thứ 42 trong trận chung kết Champions League 2021 giữa Chelsea và Man City. Mason Mount có bóng ở khu vực sân nhà của Chelsea, chếch về phía cánh trái theo hướng tấn công của họ. Nhận thấy ở phía trên Kai Havertz đang di chuyển, Mount đã tung ra một đường chuyền sắc bén, xuyên thủng hàng thủ Man City như dao nóng cắt bơ. 

Havertz thoát xuống đối mặt với thủ thành Ederson của Man City. Nhịp đầu tiên, anh cố đẩy bóng vượt qua thủ thành người Brazil. Bóng khẽ chạm vào người Ederson và bị chậm nhịp một chút, nhưng Havertz vẫn có thừa thời gian để đưa bóng vào lưới trống. Pha lập công ấy của Havertz cũng chính là bàn thắng duy nhất của trận chung kết. Chelsea lên ngôi vương ở châu Âu, còn Havertz lập tức trở thành người hùng của các CĐV The Blues.

Đó cũng chính là khoảnh khắc đỉnh cao trong sự nghiệp của Havertz, ít ra là cho tới thời điểm này. Từ đó về sau, dù vẫn rất nỗ lực, nhưng dường như con đường sự nghiệp của cựu thần đồng bóng đá Đức vẫn chỉ chững lại, thậm chí đi xuống. Đó cũng là lý do Chelsea chấp nhận bán anh cho kình địch Arsenal hồi mùa Hè vừa rồi. Dù cái giá 65 triệu bảng với số đông là một món hời, nhưng nếu Chelsea nhìn thấy tiềm năng trở thành siêu sao của Havertz, người vẫn còn trẻ (năm nay mới 25 tuổi), họ có lẽ đã không để anh đi.

Người gây chia rẽ ở Arsenal

Ngay cả các CĐV của Arsenal cũng cảm thấy ngạc nhiên khi đội bóng của họ bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua Havertz. Làn sóng phản đối có thể đã rất dữ dội, nếu không nhờ uy tín của HLV Mikel Arteta. Vị HLV người Tây Ban Nha luôn khăng khăng Havertz là một sự bổ sung chất lượng, là người lấp vào khoảng trống trong đội hình của Pháo thủ. Số đông tất nhiên không hiểu lấp khoảng trống là lấp như thế nào, nhưng họ tin Arteta.

Sau hơn nửa mùa giải, câu chuyện vẫn không có nhiều thay đổi. HLV Arteta vẫn không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để bảo vệ Havertz, còn số đông các CĐV thì vẫn chưa biết giá trị thực sự của cầu thủ người Đức là ở đâu. Thực tế thì cũng khó trách được các CĐV. Trong thời buổi chất lượng của một cầu thủ đang được đo đếm một cách rất định tính bằng các con số, những thống kê của Havertz nói lên sự “nhờ nhờ” của anh. 6 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 34 trận, dù lý giải theo cách nào, cũng là chưa đủ tốt.

Không chỉ có thế, Havertz còn tạo cảm giác là một kẻ “lười biếng” trên sân. Trong một tập thể Arsenal mà ai ai cũng chạy hùng hục từ đầu tới cuối trận, Havertz tỏ ra lạc nhịp với cách chơi có vẻ khoan thai của mình. Những người thuộc giới chuyên môn, mà trong đó có thể có HLV Arteta và đội ngũ của ông, thì cho rằng đó là điểm mạnh của Havertz, không cần phải chạy nhiều, mà quan trọng là chạy “thông minh”. Nhưng các CĐV thì không muốn suy nghĩ phức tạp như thế. Họ chỉ muốn thấy “lửa”.

Bao giờ “super Kai” trở lại?

Khách quan mà nói, Kai Havertz đang là nạn nhân cho sự đa năng của chính mình. Từ đầu mùa, anh đã được HLV Arteta bố trí chơi ở nhiều vị trí khác nhau, từ tiền vệ, tiền đạo ảo, tới chạy cánh. Dù Havertz nói rằng anh là một cầu thủ “linh hoạt” và sẵn sàng chơi ở bất kỳ đâu mà HLV muốn, nhưng rõ ràng là khi phải liên tục thay đổi vị trí và vai trò như thế, rất khó để anh tìm được sự ổn định, cũng như rất khó để các đồng đội tìm được anh trên sân.

Nhưng nhìn theo một góc độ khác, thì Havertz cũng chính là nguyên nhân của mọi vấn đề. Nếu anh thể hiện đủ tốt ở một vị trí, “đóng đinh” bản thân ở vị trí ấy, thì HLV Arteta hẳn đã chẳng thấy có nhu cầu phải kéo anh sang những vị trí mới. Thực tế thì tới giờ vẫn có nhiều người tự hỏi không biết Havertz hợp nhất với vị trí nào. Thế mới có chuyện khi anh đá hậu vệ trái và ghi bàn cho đội tuyển Đức, nhiều CĐV đã “gợi ý” HLV Arteta cũng nên xếp anh chơi ở vị trí ấy.

Dù thế nào, thì Havertz cũng nên sớm thể hiện được năng lực từng giúp anh được các CĐV Leverkusen và Chelsea yêu mến gọi là “super Kai”. Dragao, mảnh đất chứng kiến khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp của Havertz, liệu có một lần nữa “tiếp sức” cho anh?

    Bình Luận