Lăng kính: Từ Guardiola đến Ronaldo, định mệnh không gian lận

Pep Guardiola bị loại oan ức, Cristiano Ronaldo thất bại đau đớn, nhưng suy cho cùng, định mệnh đã không chọn họ. Ít nhất là mùa giải này!
Lăng kính: Từ Guardiola đến Ronaldo, định mệnh không gian lận
78 giây là khoảng thời gian Pep Guardiola đi từ cực lạc hạnh phúc xuống tột cùng khổ đau. Một tốc độ điện xẹt để đi hết biên độ của cảm xúc. Pep đổ gục ôm đầu uất hận. Đó là phút 90+3 trận tứ kết lượt về giữa Man City và Tottenham trên Etihad và 78 giây là khoảng thời gian từ khoảnh khắc Sterling sút tung lưới Lloris cho đến khi trọng tài Cukir ra hiệu không công nhận bàn thắng vì lỗi việt vị sau khi sử dụng VAR.

Tròn 20 phút trước, con lăn cảm xúc của Pep, của các cầu thủ Man City, và của các CĐV đội chủ nhà cũng biến thiên theo hướng tương tự, khi trọng tài công nhận bàn thắng của Fernando Llorente cũng sau khi sử dụng VAR. Nếu bàn thắng của Sterling được công nhận, nếu bàn thắng của Llorente không được công nhận, chỉ một trong hai là đủ để Man City ghi danh vào bán kết.

Aguero việt vị hay chưa? Llorente để bóng chạm tay hay không? Câu hỏi thứ nhất không dễ để đưa ra câu trả lời, kể cả sử dụng VAR. Câu hỏi thứ hai, câu trả lời là… có. Llorente đã để bóng chạm tay. Một góc quay khác cho thấy điều đó rõ mồn một. Vậy nhưng, bàn thắng đã được công nhận. Tất nhiên, chẳng có âm mưu trù dập Man City nào ở đây cả. Kể cả sử dụng VAR, công cụ để loại trừ sai số trong các quyết định của trọng tài thì cũng không thể loại trừ tuyệt đối. Vậy mới có thuyết tương đối. Thế nên, suy cho cùng định mệnh đã không chọn Pep.

Đúng 24 giờ trước, một tài năng kiệt xuất khác của bóng đá đương đại cũng trở thành kẻ chiến bại. Đó là Cristiano Ronaldo. Juventus của siêu sao người Bồ Đào Nha bị lũ trẻ Ajax Amsterdam đánh bại ngay tại Allianz Stadium. Ronaldo nước mắt giàn giụa trong cơn ngao ngán ê chề. Nhưng khác với Pep, chẳng có chữ nếu nào dành cho Ronaldo cả mặc dù anh vẫn ghi bàn, vẫn thi đấu một cách xuất sắc.

VAR hay định mệnh đã không chọn Pep
VAR hay định mệnh đã không chọn Pep

Đơn giản, Ronaldo không phụ Juventus nhưng Juventus lại phụ Ronaldo. Tại Juventus Arena, đáng ra Bà đầm già phải thua nhiều hơn 2 bàn với số lượng cơ hội Ajax tạo ra và cái cách đội bóng Hà Lan bóp nghẹt đối phương bằng lối chơi ban bật nhuần nhuyễn và phóng khoáng. Hơn nữa, Bà đầm không còn già dơ mà lại quá già nua, phản ánh qua hai trung vệ có tổng số tuổi gần 80 Bonucci và Chiellini.

Hãy nhớ, cả 5 bàn thắng gần nhất của Juve đều do công của Ronaldo. Những gương mặt khác đều mất dạng và ở trận lượt về vòng 1/8, bảng tỷ số nên điều chỉnh thành Ronaldo 3 – Atletico 0 chứ không phải Juve vì cú ngược dòng ngoạn mục ấy thuộc về siêu sao người Bồ Đào Nha. Nói cách khác, Bà đầm già là bệ đỡ không đủ lực để đưa CR7 chinh phục chức vô địch Champions League.

Nhưng, không Juve thì đội bóng nào đủ sức giúp Ronaldo đăng quang lần thứ tư liên tiếp? Xin thưa… chẳng đội bóng nào cả. Ở lại Real Madrid, có thể anh dừng chân ngay từ 1/8 như đã xảy ra trên thực tế bởi đội bóng Hoàng gia đã quá rệu rã. Kịch bản tương tự xảy ra nếu anh đến PSG, một đội bóng kém bản lĩnh tới mức thua cả Manchester United.

Vậy trở lại M.U? Cũng không ổn bởi đội bóng này như Solskjaer thừa nhận, cần nhiều năm nữa mới bắt kịp Barcelona. Trong khi đó, Bayern Munich rệu rã không kém Real, Ajax không có tiền, chỉ có đam mê và tuổi trẻ, Tottenham bị cấm chuyển nhượng, Liverpool hay Arsenal là kình địch của M.U, Barca thì đã có Messi. Tóm lại, nếu Juve không thể đưa Ronaldo đến chức vô địch Champions League thì cũng chẳng đội bóng nào khác giúp được anh. 

Ronaldo nhận thất bại vô phương cứu chữa
Ronaldo nhận thất bại vô phương cứu chữa

Thế nên, tuy thất bại theo hai cách khác nhau nhưng cũng như Pep, định mệnh không chọn Ronaldo là nhà vua của châu Âu ở mùa giải này. Dĩ nhiên, theo thuyết tương đối, định mệnh không phải lúc nào cũng đúng, định mệnh cũng gieo rắc nỗi oan ức qua những sai số nhưng những sai số ấy nằm trong mức chấp nhận được. Bằng chứng là ai dám bảo Tottenham hay Ajax Amsterdam không xứng đáng vào bán kết. 

Thậm chí cả hai đội bóng ấy quá xứng đáng và tạo nên sự thi vị lãng mạn cho bóng đá. Một Tottenham bị cấm hai kỳ chuyển nhượng đã thắng một Man City đốt nửa tỷ bảng trong 3 năm triều đại Pep. Một Ajax cả đội hình chỉ tốn 50 triệu euro phí chuyển nhượng, bằng phân nửa phí chuyển nhượng của Ronaldo lại đánh bại Juve. Liệu có sự kịch tính và bất ngờ nào hơn thế.

Và ở một góc nhìn khác, Man City hay Juve bị loại đều có lý. Juve thì quá rõ ràng với sự bạc nhược đã thể hiện. Họ thua vô phương cứu chữa. Trong khi đó, Guardiola thông tuệ, lại sở hữu binh hùng tướng mạnh trong tay vẫn thua vì suy nghĩ quá nhiều. Từ Bayern Munich đến mùa trước, Pep đều đặt ra quá nhiều phương án để phân vân để rồi bị đánh bại bởi sự phân vân ấy. Thế nên, định mệnh không gian lận mà chỉ thực thi sứ mệnh chọn lọc tự nhiên.

Biết đâu đấy, từ những thất bại này Pep hay Ronaldo rút ra được những bài học để trở lại một cách mạnh mẽ hơn như đã từng trong quá khứ. Suy cho cùng, cái gì tốt, cái gì tối ưu sẽ tồn tại. Nó khác xa cái cách những kẻ mù quáng và tham lam đang biến cả một kỳ thi chọn lọc nhân tài cho đất nước trở thành vụ bê bối, bởi sự can thiệp ấy mờ ám, vụ lợi. 

Hãy thử tưởng tượng những thí sinh thủ khoa với năng lực thực chỉ 3-4 điểm nếu sau này trở thành người nắm giữ vận mệnh quốc gia hoặc đơn giản chỉ là những vị trí trong bộ máy công quyền, chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thí sinh ấy đưa ra các quyết sách đến cuộc sống của người khác? Hậu quả ấy thật nguy hại khôn lường.
    Bình Luận