Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Romeulu Lukaku đã trở thành trò cười, sau khi được HLV Simone Inzaghi tung vào sân thay thế tiền đạo Edin Dzeko ở nửa đầu hiệp 2 trận chung kết Champions League 2022/23 với Man City. Người chê anh là “chân gỗ” có. Người gọi anh là “đầu đất” cũng có. Và tất nhiên, với tình huống chọn chỗ đứng vô duyên, cản đường đi của trái bóng sau nỗ lực dứt điểm của Federico Dimarco, tuyển thủ Bỉ còn bị gọi là “hậu vệ Lukaku”.
Nhưng liệu Lukaku có đáng bị đối xử như vậy? Phải chăng người hâm mộ đã quá khắt khe với tiền đạo 30 tuổi này? Trên thực tế, sau khi vào sân, ngôi sao người Bỉ đã rất nỗ lực thi đấu. Và anh chính là cầu thủ thi đấu nổi bật nhất trong đội hình của đội bóng đến từ Italia.
Hãy nhìn vào những gì cặp tiền đạo được HLV Inzaghi tin tưởng tung ra sân từ đầu đã thể hiện. Cho đến khi bị thay ra, Dzeko gần như tàng hình trên sân. Chân sút người Bosnia chỉ có vỏn vẹn 13 lần chạm bóng. Anh không có nổi dù chỉ một cú dứt điểm về phía khung thành của thủ môn Ederson bên phía Man City. Màn thể hiện của lão tướng 37 tuổi này chỉ có thể gói gọn trong 4 chữ: “thất vọng toàn tập”.
Còn Lautaro Martinez thì sao? Chân sút từng lập cú đúp vào lưới của Fiorentina để giúp Inter giành Coppa Italia cũng chẳng khá khẩm hơn. Dù thi đấu từ đầu đến cuối trận, tuyển thủ Argentina cũng chỉ có được 37 lần chạm bóng và 2 cú dứt điểm về phía khung thành của Man City. Tuy nhiên, cả 2 lần nỗ lực “bắn phá” cầu môn của anh đều không làm khó được thủ thành Ederson.
Nghĩa là dù gộp cả Dzeko và Lautaro lại, số lần dứt điểm của 2 người cũng không bằng một mình Lukaku. Tuy chỉ thi đấu khoảng 40 phút trên sân, ngôi sao người Bỉ đã tạo được 3 cú dứt điểm. Trong đó có 2 lần anh khiến thủ môn của Man City phải trổ tài cản phá.
Tình huống sóng gió nhất mà Inter tạo được về phía khung thành của Man City cũng xuất phát từ nỗ lực ghi bàn của Lukaku. Đó là pha bóng mà chân sút 30 tuổi này đã chọn đúng điểm rơi từ đường tạt bóng của Robin Gosens. Trong tư thế trống trải cách vạch vôi cầu môn của Man Xanh khoảng 5 mét, anh đánh đầu, bóng đập trúng đầu gối của thủ thành Ederson.
Rõ ràng, không phải Lukaku không cố gắng, mà do anh quá đen đủi. Nếu vận của ngôi sao người Bỉ sáng hơn, anh đã có thể có được bàn thắng gỡ hòa cho đội bóng áo sọc xanh đen. Nếu nhìn nhận một cách công bằng, Lukaku chỉ là một cá nhân không gặp may trong một tập thể… quá kém may mắn ở Istanbul. Nếu trách móc, tại sao người ta không than phiền về việc Dimarco chỉnh “thước ngắm” đi đâu không chọn, lại tìm đúng chỗ đứng của Lukaku để dứt điểm?
Đổ lỗi cho Lukaku là một sự bất công không hề nhẹ, nếu nhìn vào mặt bằng chung của các cầu thủ Inter trong trận chung kết Champions League diễn ra ở Istanbul rạng sáng nay. Trái lại, Inter nên dành những lời khen cho tuyển thủ Bỉ vì tinh thần thi đấu kiên cường của anh. Xin nhấn mạnh, tình huống khiến Lukaku phải nhận thẻ vàng cũng là do anh quá nóng lòng với tình trạng bị dẫn bàn của đội nhà, dẫn đến pha phạm lỗi không cần thiết ở phút 83.
Nhưng với một đội bóng thất bại, kiểu gì người ta cũng phải tìm ra một ai đó để đổ lỗi. Lukaku đúng là “số nhọ”, khi anh được xem là lý tưởng để trở thành chỗ trút giận. Rất nhiều CĐV của Inter sau trận đấu đã yêu cầu lãnh đạo CLB trả ngay Lukaku lại cho Chelsea.
Bản thân chủ tịch Steven Zhang của Inter cũng có vẻ ủng hộ các CĐV làm điều đó. Phát biểu sau trận chung kết Champions League rạng sáng nay, tỷ phú người Trung Quốc cho biết: "Romelu dành tình yêu rất lớn cho Inter. Anh ấy rất tuyệt. Nhưng anh ấy vẫn còn hợp đồng với Chelsea. Chúng tôi sẽ phải đợi đến thời điểm thích hợp để nói chuyện với đội bóng của nước Anh về tương lai của Lukaku".
Bình Luận