Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Đáng lẽ màn so tài giữa 2 đội bóng này phải là một cái gì đó gay cấn hơn nhiều, kiểu như là “trận đấu của mùa giải” hay “trận chung kết sớm”, một cuộc chạy đua gắt gao, chứ không thể là một màn tập dượt nhẹ nhàng, chỉ tốn chút mồ hôi như Man City đã thể hiện.
Nhìn lại tình huống IIkay Gundogan xâm nhập vào vòng cấm, tung cú sút chạm người Eder Militao đổi hướng. Bóng tìm đến cái đầu của Bernardo Silva, người đã đứng sẵn ở trung tâm vòng cấm thênh thang như giữa sân bóng rổ theo đúng nghĩa đen.
Từ khi nào việc giành chiến thắng ở trận bán kết Champions League trở nên đơn giản như vậy? Các đợt tấn công của Man City chẳng khác nào những màn trình diễn được dàn dựng cầu kỳ, những tiết mục ảo thuật mãn nhãn làm ta lóa mắt và mất tập trung để một băng nhóm tội phạm đường phố nhân cơ hội đó móc túi.
Từ trước đến nay, chúng ta đều biết rằng phong cách của Man City là các tiền vệ và cầu thủ chạy cánh lao lên từ mọi hướng, liên tục chuyền bóng hoặc chạy nước rút khiến đối thủ bở hơi tai. Khối đội hình của Man City xoay chuyển từ hình dạng này sang hình dạng khác, mọi vị trí đều di chuyển linh hoạt, ăn khớp với nhau tuyệt đối để mở khóa hàng phòng ngự đối phương.
Nhưng ở mùa này, họ không cần phải làm như vậy nữa. Man City không cần phải đóng vai những chú ong thợ nữa. Thay vì làm đối thủ hoa mắt, đoàn quân của Pep Guardiola nghiền nát luôn đối thủ bằng lực hấp dẫn áp đảo của họ.
Đây là 1 khái niệm thường được các nhà phân tích bóng rổ áp dụng cho một số đội bóng ở NBA. Những cầu thủ tấn công hàng đầu của họ sở hữu "trọng lực" để thu hút các hậu vệ đối phương vào quỹ đạo.
Ngay cả khi không có bóng, mối đe dọa tiềm ẩn của một ngôi sao có thể kéo đối thủ ra khỏi vị trí để theo kèm anh ta, mở ra khoảng trống ở một không gian khác. Đó chính là sự khác biệt mang tên "trọng lực" hay "lực hấp dẫn". Có nhiều cách khác nhau để tạo ra "lực hấp dẫn" trong bóng đá, và Man City là một bậc thầy nắm rõ mọi chiêu thức trong lĩnh vực này.
Khả năng rê bóng của Jack Grealish liên tục thu hút các cầu thủ đá cánh của đối phương, đó là lý do vì sao hầu hết các đợt tấn công của Man City đều bắt đầu ở bên cánh của Grealish để kéo ít nhất một cầu thủ đối phương ra khỏi vòng cấm. Ngay cả khi lựa chọn chuyền bóng cho các đồng đội ở hàng tiền vệ, Grealish đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là tạo ra khoảng trống ở khu vực quan trọng nhất trên sân.
Khả năng chuyền bóng từ mọi góc độ của De Bruyne buộc hàng phòng ngự đối thủ phải bám theo tiền vệ này khi anh bắt đầu dẫn bóng vào khu vực 1/3 cuối cùng. Nếu anh chạy vào vùng giữa một hậu vệ cánh và trung vệ, đối phương buộc phải đuổi theo De Bruyne để ngăn anh thực hiện quả tạt. Đó cũng là lực hấp dẫn đến từ một trong những cầu thủ quan trọng bậc nhất trong đội hình của Man City.
Và tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua Erling Haaland, người có lực hấp dẫn cấp độ “sao neutron” trước khung thành. Mặc dù anh không ghi bàn trong trận bán kết, nhưng chỉ cần sự hiện diện của anh cũng đủ để kéo các hậu vệ của Real Madrid ra khỏi vùng an toàn của họ, mở ra những khoảng trống giúp Man City tạo ra những cơ hội tốt nhất.
"Lực hấp dẫn" của những hảo thủ đó đã tạo ra 3 bàn thắng đầu, mở toang cánh cửa vào chung kết cho Man City. Ở bàn đầu tiên, Luka Modric và Toni Kroos đều quá tập trung vào pha dẫn bóng của De Bruyne nên không để ý thấy Bernardo di chuyển ra phía sau họ.
Ở bàn thứ hai, pha rê bóng của Grealish và pha dạt sang trái của De Bruyne đã mở đường cho Guendogan rê bóng vào trong khi sự uy hiếp của Haaland ở góc xa khiến Eduardo Camavinga quá bận rộn để có thể để mắt tới Bernardo.
Trong hiệp hai, một nhóm cầu thủ của Man City đã tạo ra sự hoang mang cho hàng thủ của Real. Grealish rê bóng từ cánh trái, De Bruyne một lần nữa chạy xuống đáy biên và Haaland "cắm chốt" ở cột xa - buộc Camavinga phải phạm lỗi, và quả đá phạt trực tiếp đó đã dẫn đến bàn thua thứ ba. Ba ngôi sao lớn nhất của Man City không trực tiếp ghi bàn thắng nào, nhưng lực hấp dẫn mà họ tạo ra đã xé nát Kền kền trắng. Đáng chú ý, họ không hề di chuyển nhiều.
Chính Real Madrid chứ không phải Man City mới là đội bóng (ít nhất là ở trận lượt đi) tạo nên ấn tượng với những pha luân chuyển tấn công chóng mặt và những pha chạy chỗ đầy sáng tạo. Nếu là phiên bản cũ trước đây của Pep Guardiola, hẳn ông sẽ cảm thấy rất ghen tị trước màn thể hiện của Real.
Nhưng Man City đã dành mùa giải này để đơn giản hóa triệt để cỗ máy trị giá hàng tỷ đô la của họ, thay thế các linh kiện di động mỏng manh bằng những bộ phận cố định, nặng nề và to lớn để tìm kiếm sự vững chắc tối đa. Thay vì dùng 1 hoặc thậm chí 2 số 9 ảo để kéo các hậu vệ xung quanh, họ đã ký hợp đồng với một tiền đạo luôn sẵn sàng "đớp mồi" trong vòng 16m50.
Họ đã bố trí các cầu thủ chạy cánh cơ động để hỗ trợ cho những chân rê bóng cừ khôi, loại bỏ dần những hậu vệ cánh nghịch biên khéo léo để nhường chỗ cho những trung vệ đá rộng để có thể ngăn chặn phản công.
Man City mùa này không còn di chuyển nhiều ở mức độ như trước đây. Mỗi cầu thủ của họ làm đúng vai trò của mình và tạo ra "lực hấp dẫn" để hoàn thành nhiệm vụ. Man City phiên bản cũ chơi đẹp mắt hơn. Dù đã biết rõ cách chơi của họ nhưng ai cũng phải há hốc mồm khi chứng kiến tốc độ triển khai bóng, sự chính xác và độ phức tạp mà Pep Guardiola yêu cầu các học trò của ông.
Tuy nhiên, sau nhiều lần vỡ mộng trước cửa thiên đường, Man City nhận ra rằng đôi khi họ không chỉ khiến đối thủ chóng mặt mà chính bản thân họ cũng rơi vào hỗn loạn. Tất cả những cầu thủ phải ôm đồm quá nhiều vai trò (hậu vệ cánh nghịch biên, tiền đạo ảo…) sẽ phải làm tròn nhiệm vụ cơ bản: phòng ngự hoặc ghi bàn.
Mùa xuân 2023, Man City thường xuyên sử dụng 2 sơ đồ là 3-2-2-3 khi có bóng và 4-4-2 khi phải phòng ngự. Hai hệ thống này dễ dàng luân chuyển và không cầu thủ nào phải lạc trôi quá xa khỏi vị trí của họ. John Stones hoặc Guendogan có thể tiến lên hoặc lùi lại một chút, Manuel Akanji và Kyle Walker có thể dâng cao hoặc lùi lại ở hai hành lang biên.
Chỉ có Kevin De Bruyne di chuyển tự do qua các tuyến và bất ngờ xâm nhập vào các khoảng trống. 5 hậu vệ giữ khoảng cách vừa đủ để chống phản công, trong khi 5 cầu thủ tấn công chủ yếu đứng cố định ở những vùng không gian được Pep định vị.
Việc đơn giản hóa hệ thống đã cho phép Man City bổ sung thêm trung vệ thay vì phải dựa vào sự linh hoạt của những tiền vệ đa năng nhỏ con hơn. Lý do nó có thể hoạt động trơn tru là nhờ "trọng lực" của những cầu thủ tấn công - khả năng rê bóng của Grealish, đường chuyền của De Bruyne và mối đe dọa của Haaland trong vòng cấm - giúp kéo giãn hàng thủ đối phương mà cả đội Man City không cần di chuyển quá nhiều. Và mỗi cá nhân trong số họ đều quá giỏi trong những tình huống phòng thủ một đối một.
Guardiola xuất hiện ở trận lượt về trong bộ vest đen như thể ông đang dự đám tang của chính ông ở phiên bản cũ: một HLV thiên tài, nhưng cũng bị coi là kẻ điên vì luôn suy nghĩ quá nhiều trước các trận đánh lớn. Giờ, ông đã thay đổi, đã học cách nghĩ đơn giản hơn và tìm ra phương cách ít đau đầu hơn nhiều mà vẫn có thể dễ dàng đánh bại một đội bóng hùng mạnh như Real Madrid.
Các cầu thủ tạo ra "trọng lực" của riêng họ, và các cầu thủ của Man City là những cái tên siêu đẳng nhất, đắt giá nhất thế giới. Nếu Real Madrid từng tạo ra Giải ngân hà Galacticos của họ thì Man City giờ đã trở thành một lỗ đen siêu to khổng lồ nhờ sự giàu có và những tài năng kiệt xuất để nuốt chửng toàn bộ những ngôi sao thua kém họ.
Ngay cả sự khó đoán của những trận đấu loại trực tiếp ở Champions League cũng chỉ có thể chống lại sức mạnh của Man City trong một khoảng thời gian. Sớm hay muộn, Man City cũng sẽ lên đỉnh châu Âu với "lực hấp dẫn" kinh khủng của mình.
Bình Luận