Khoản 37, điều 3 trong các quy định của Luật công bằng tài chính (FFP) cho hay, tất cả các vi phạm sẽ được khóa sổ sau quãng thời gian 5 năm kể từ khi vụ việc diễn ra và thời điểm nó bị phát giác. Trên thực tế, những lùm xùm liên quan đến vấn đề tài chính của Man City bắt đầu vào năm 2013 và lần đầu tiên được hé lộ vào tháng 11/2018, đấy cũng là lúc khoảng thời gian 5 năm nói trên đã qua đi.
Chi tiết trong quy định của FFP
Chính UEFA đã xác nhận điều này trong tuyên bố sau phán quyết của CAS, rằng “có rất nhiều vi phạm” đã bị khóa sổ vì quy định trong điều luật của FFP. Cựu danh thủ Anh Gary Lineker là người đầu tiên đặt dấu hỏi dành cho UEFA về sự trớ trêu này, cho rằng tại sao UEFA lại muốn trừng phạt Man City một khi họ biết được điều này sẽ chống lại mình.
Luật sư chuyên ngành thể thao của Đại học Luật Melbourne, Jack Anderson, phân tích: "Với phán quyết của CAS, UEFA gần như không còn khả năng chiến thắng trong vụ kiện với Man City".
UEFA vẫn có thể kiện tiếp lên Tòa án Liên bang Thụy Sĩ (SFT), nơi có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Anderson, chưa tới 4% các trường hợp kháng cáo quyết định từ CAS được SFT đảo ngược.
Đây có vẻ như là điều kiện tiên quyết giúp Man City trắng án. Thái độ của HLV Pep Guardiola cùng các ngôi sao Man City cũng đã hé lộ một phần sự tự tin của họ. Cả Guardiola và Kevin de Bruyne đều tuyên bố sẽ ở lại với câu lạc bộ, dù tình hình có ra sao. Đại diện của đội bóng còn nhiều lần chỉ trích UEFA, cho rằng cơ quan này không công tâm trong quá trình điều tra.
Man City chỉ bị phạt 10 triệu euro vì coi thường các quy tắc hợp tác, cản trở quá trình điều tra và coi thường UEFA. Đây rõ ràng là khoản tiền không thấm vào đâu so với tiềm lực của Man "xanh". Họ còn cứu vớt được khoản lỗ 200 triệu bảng (100 triệu bảng mỗi mùa) sau khi được phép tham dự cúp châu Âu mùa sau.
Bình Luận