Xin chúc mừng Manchester City và Chelsea đã vào đến chung kết Champions League. Tôi yêu bóng đá Anh và tôi luôn thích xem hai đội của Anh chiến đấu vì chức vô địch hơn các đội đến từ các quốc gia khác. Nhưng niềm vui của tôi lại xen lẫn nỗi buồn vì tôi ghét nhìn thấy những chiếc cúp được "mua".
Chúng ta đều thấy Chelsea và Man City là những CLB được hậu thuẫn từ những ông chủ, tập đoàn giàu có. Với họ, tiền chưa bao giờ là vấn đề và trận chung kết này sặc mùi tiền bạc.
Tôi không quá ghét việc đó nhưng thực sự chẳng thể yêu nổi bởi nó đi ngược lại tất cả những gì mà tôi đã được dạy về bóng đá. Quay lại những năm 70 thế kỷ trước, các CLB Anh giành được cúp châu Âu trong 6 năm liên tiếp với Liverpool (3 lần), Nottingham Forest (2) và Aston Villa (1).
Câu chuyện của Forest dưới thời Brian Clough thật đáng kinh ngạc, cùng với đó là sự nổi lên của Aston Villa. Ron Saunders đã xây dựng một Villa đủ mạnh để giành quyền thăng hạng Nhất vào năm 1975 và họ cũng vượt qua Norwich 1-0 để giành chức vô địch cúp Liên đoàn 1974/75. Villa đứng thứ 16 tại Division One ở mùa 1975/76, hạng tư mùa năm 1976/77 và lại là nhà vô địch cúp Liên đoàn ở mùa 1976/77 (thắng Everton ở trận đá lại với tỷ số 3-2).
Mùa giải 1977/78 và 1978/79, Aston Villa đều đứng thứ 8 chung cuộc. Mùa giải tiếp theo, họ chơi tốt hơn và leo lên đứng thứ 7. Đến mùa giải 1980/81, Villa lên ngôi vô địch nước Anh. Họ lên đỉnh châu Âu 12 tháng sau đó khi thắng CLB hùng mạnh Bayern Munich với tỷ số 1-0 trong trận chung kết cúp C1 châu Âu 1981/82. Thành công đó thật sự đặc biệt vì nó được xây dựng theo thời gian với nguồn lực hạn chế nhưng với khả năng quản lý phi thường.
Ngày nay, "tiến bộ trong một vài năm" chỉ đơn giản là một ông chủ chi 1 tỷ bảng để hô biến một đội bóng nhỏ bé trở thành "người khổng lồ" như Manchester City. Là người hâm mộ bóng đá, bạn đăng ký để ủng hộ câu lạc bộ của mình kể cả khi biết rằng điều đó có thể đồng nghĩa với những năm tháng đau khổ không danh hiệu, thi đấu bết bát hoặc có khi phải xuống hạng. Nhưng ngay cả khi đau đớn nhất, bạn vẫn tin sẽ có một ngày mai tương sáng.
Đó là tình cảm trong sáng, chân chính mà mỗi CĐV dành cho đội bóng yêu mến. Những người ủng hộ Man City và Chelsea sẽ nói những điều như: "Tôi sẽ lấy một chút nước mắt của bạn khi chúng ta nâng cao chiếc cúp, Stan".
Nhưng tôi cũng tự hỏi, CĐV còn nhớ màn so tài giữa Man City và Chelsea tại chung kết Full Members' Cup 1986 ở sân Wembley? Một trận đấu mãn nhãn khi Chelsea giành chiến thắng 5-4 trước Man City. David Speedie lập hat-trick cho Chelsea, đội đã dẫn trước 5-1 trước khi Man City đáp trả ở các phút 85, 88 và 89.
Sẽ chẳng còn những trận đấu chung kết "ngây thơ" theo kiểu đó bởi mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Không phải Man City và Chelsea, những CLB thực sự khiến tôi cảm thấy tồi tệ chính là Liverpool, Manchester United và phần còn lại của các câu lạc bộ G14 đã khiến cho những trận đấu bây giờ không chỉ còn là màn so tài về chuyên môn.
PSV Eindhoven, Ajax, Porto và Marseille nằm trong số những CLB hàng đầu một thời nhưng giờ họ đã bị nuốt chửng trong thời đại bóng đá kim tiền. Chẳng ai thèm để ý đến những đội bóng giàu truyền thống đó khi bàn bạc việc sáng lập một giải đấu như Super League.
Thực tế là lòng tham của Real Madrid, Barcelona, AC Milan, Manchester United, Liverpool và Juventus đã phá hủy bóng đá mà chúng ta từng biết, với Man City và Chelsea, những câu lạc bộ thuộc sở hữu của một quốc gia hay một nhà tài phiệt, cũng đang làm cho trò chơi này biến chất.
Đừng hiểu sai ý tôi, tôi rất muốn xem Man City và Chelsea thi đấu một trận chung kết lớn ở châu Âu nhưng chỉ bằng cách đi theo con đường mà Villa hay Celtic từng đi. Ai cũng hiểu rõ, các con đường không được lát vàng.
Để lên đỉnh vinh quang, bạn phải trải qua thử thách, gian khổ, máu, nước mắt và cả sự đánh đổi. Nhưng thay vì cạnh tranh thể thao, những ngày này người ta nói đến Super League như một giải pháp hoàn hảo, là cứu cánh của bóng đá ở giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19.
Tôi sẽ xem trận chung kết Champions League toàn Anh thứ 2 trong 3 năm qua - vào cuối tháng này vì tôi bị hấp dẫn về nó từ góc độ bóng đá, nhưng không có gì hơn thế. Và thực sự, chúng ta không nên gọi nó là Chung kết Champions League. Chúng ta nên gọi nó là trận chung kết Super League đầu tiên.
Bình Luận