“Bất biến” của Tuchel
Ngay từ ngày đầu tiên dẫn dắt Chelsea, HLV Tuchel đã cho đội bóng này chơi với sơ đồ 3-4-3. Có thể vì ông đã nghiên cứu rất kỹ những vấn đề của Chelsea dưới thời Lampard, và xem hệ thống đó là giải pháp hiệu quả, ít nhất là trên thực tế lực lượng mà The Blues hiện có.
Cũng có thể ông đã tìm hiểu về thành công của người tiền nhiệm Antonio Conte. Vị HLV người Italia khiến cả Premier League bất lực với sơ đồ 3-4-3 trong mùa giải Chelsea vô địch với 30 trận thắng (mùa 2016/17), và trong đội hình The Blues hiện tại vẫn còn rất nhiều người nhuần nhuyễn cách chơi đó.
Dù thế nào, thực tế là trong 29 trận dưới thời HLV Tuchel, Chelsea luôn xuất phát với sơ đồ 3 trung vệ, và hệ thống của họ thường, hoặc là biến thể của 3-4-3. Có lúc thì là 3-4-3 đơn thuần với hai tiền đạo cánh. Có lúc là 3-4-1-2, với một số 10 chơi sau lưng hai tiền đạo. Nhưng thường sẽ là 3-4-2-1, với hai số 10 chơi sau lưng một trung phong.
Khi có bóng, Chelsea sẽ cố gắng triển khai tuần tự từ thủ môn với sự tham gia của cả hai tiền vệ phòng ngự, để vừa lôi kéo hàng thủ đối phương dâng cao, vừa có thể đưa được trái bóng tới gần khung thành đối phương một cách ổn định.
Khi không có bóng, Chelsea sẽ lùi về phòng ngự trong hệ thống 5-4-1 hoặc 5-3-2. Mục đích đương nhiên là bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ, giăng bẫy để đoạt lại bóng giữa lúc đội hình của đối thủ thiếu ổn định rồi tung ra những đòn phát công chết chóc nhờ tốc độ của bộ ba cầu thủ tấn công.
Trong trường hợp không thể phản công, Chelsea vẫn có thể tạo cơ hội bằng cách tấn công mạnh vào hai cánh của đối thủ nhờ sự áp đảo về quân số khi mỗi pha tấn công của họ ở cánh thường có sự tham gia của ít nhất 3 người là wing-back, tiền vệ trung tâm lệch cánh đó và tiền vệ công.
Nhìn chung cho tới lúc này, Chelsea vẫn đáng sợ nhất khi họ “được” chơi phòng ngự phản công. Hệ thống phòng ngự của Chelsea được tổ chức rất tốt - một phần bởi các cầu thủ đa phần đều hiểu rõ cách phòng ngự trong hệ thống 3 trung vệ.
Trong khi ở phía trên, The Blues có những cầu thủ tấn công rất nhanh nhẹn luôn sẵn sàng khai thác khoảng trống sau lưng hệ thống phòng ngự của đối thủ. Trong cách đá này, Timo Werner là rất quan trọng, vì anh có tốc độ, chịu khó di chuyển và luôn đứng giữa lằn ranh việt vị-không việt vị.
Chờ những thay đổi từ Guardiola
So với Guardiola, Tuchel giống như một “đàn em”. Nhưng trên đất Anh, đàn em đang tỏ ra lấn lướt so với đàn anh. Cả hai lần đối đầu Tuchel (ở FA Cup và Premier League), Guardiola đều phải nhận thất bại.
Đồng ý rằng đó là hai trận đấu mà Man City có nhiều thay đổi về lực lượng, nhưng chắc chắn không phải là những trận đấu vô nghĩa theo kiểu thắng cũng được mà thua cũng không sao. Vì thất bại ở FA Cup, Man City lỡ cơ hội hoàn tất cú hat-trick vô địch quốc nội thứ hai. Vì thất bại ở Premier League, họ lại một lần nữa bị trì hoãn ngày đăng quang.
Thực tế là Guardiola, đặc biệt là ở trận đấu thuộc Premier League, đã cố gắng tìm cách đánh bại hệ thống của Chelsea. Đó là trận đấu mà ông tung ra tới... 6 tiền vệ, trong đó hai cầu thủ chạy cánh - Sterling và Ferran Torres - thường lùi vào đá như những “số 8” sau lưng 2 tiền đạo.
Mục đích là để tạo ra thế 3v2 ở khu trung tâm, từ đó lôi kéo các hậu vệ Chelsea rời khỏi vị trí, và tấn công vào khoảng trống sau lưng họ. Cách bố trí này rất hiệu quả trong hiệp 1, nhưng sang hiệp 2, khi HLV Tuchel có những điều chỉnh kịp thời trong cách bố trí nhân sự và pressing, thì chính Man City lại thường xuyên bị hở sườn.
Nói tóm lại, cho tới lúc này, Guardiola vẫn chưa thực sự tìm ra cách hóa giải hệ thống của Tuchel. Và từ thói quen của vị HLV này mà phán đoán, trận đấu đêm nay chắc chắn sẽ chứng kiến một lối triển khai mới từ Man City. Cụ thể là gì?
Liệu Pep có học được gì từ cách Arsenal, Leicester và Aston Villa đánh bại Chelsea? Liệu ông có từ bỏ cách chơi dồn ép quen thuộc, trao quyền kiểm soát cho Chelsea và khiến họ không thể sử dụng sở trường? Rất, rất khó trả lời. Và cũng vì thế, trận đấu đêm nay càng đáng được chờ đợi.
Guardiola có hối hận?
Năm 2014, khi còn làm HLV của Bayern, Guardiola đã chủ động nhờ bố trí một cuộc gặp với Tuchel, lúc đó HLV của Mainz. Tại cuộc gặp kéo dài hàng giờ đó, ông đã trải hết ruột gan cho vị HLV trẻ mà ông ngưỡng mộ, giải thích kỹ lưỡng từng chi tiết một trong cách huấn luyện của ông. Bây giờ, có vẻ như Guardiola đang là người “ngoài sáng”, trong cuộc đối đầu với Tuchel.
7. Guardiola và Tuchel đã đối đầu nhau 7 lần. Tính riêng trong 90 phút, Guardiola tạm chiếm ưu thế với 3 chiến thắng. Hai người hòa nhau 2 trận. Và Tuchel thắng 2 trận (đều với Chelsea).
Bình Luận