Mourinho chững lại, M.U thụt lùi

M.U đang sở hữu những ngôi sao khiến nhiều CLB mơ ước nhưng họ có thể sẽ chẳng đi tới đâu ở đấu trường châu Âu nếu vị thuyền trưởng Jose Mourinho không tự thay đổi tư duy.
Mourinho chững lại, M.U thụt lùi
Khi Jose Mourinho đưa Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh ở nhiệm kỳ đầu tiên (2004/05), ông được coi là một trong những thuyền trưởng sở hữu tư duy chiến thuật hiện đại nhất thế giới so với những "cây đại thụ" như Arsene Wenger, Sir Alex Ferguson hay Giovanni Trapattoni.

Nhưng cũng gần 20 năm kể từ ngày Mourinho nổi tiếng khắp thế giới, chiến thuật của ông chẳng có gì thay đổi bất chấp việc "Người đặc biệt" đã dẫn dắt Inter Milan, Real Madrid, Chelsea (lần thứ 2) và bây giờ là M.U.

Vẫn cách đá ưu tiên an toàn lên trên hết, vẫn tư duy thận trọng kể cả đá với đối thủ yếu hay mạnh hay việc ưa dùng 1 trung phong có thể tự độc lập tác chiến (Didier Drogba, Diego Milito, Emmanuel Adebayor, Lukaku). Chính điều này đang làm cho Mourinho đang tự bó buộc bản thân.

Nhìn cách , các fan ngán ngẩm với cách họ nhập cuộc và tinh thần thi đấu yếu ớt dù đó là một trong những đội hình đắt giá bậc nhất thế giới hiện nay.


Nhưng điều khiến fan Quỷ đỏ khó chịu nhất về Mourinho chính là phát biểu sau thất bại trước Sevilla: "Chúng tôi không có nhiều thời gian để than khóc cho sự thất bại này. M.U phải nghĩ đến trận đấu vào ngày thứ Bảy tới đây.

Các cầu thủ của chúng tôi sẽ trở lại sân tập và tập trung vào trận đấu quan trọng trước Brighton. Như tôi đã từng nói trước đây, hai trận đấu với Sevilla và Brighton rất quan trọng. Và nếu bạn thắng, bạn sẽ có mọi thứ. Bằng không thì sẽ nhận không ít lời chỉ trích từ những người ủng hộ".

Tôi từng ngồi ghế huấn luyện 2 lần chứng kiến Man Utd bị loại ngay trên sân nhà Old Trafford. Một lần với Porto và 1 lần trước Real Madrid, nên tôi nghĩ điều này không mới với câu lạc bộ này".

Một phát biểu đúng chất Mourinho. Dĩ nhiên hai lần đó, người chiến thắng là ông chứ không phải M.U. Nhưng với fan M.U, họ chưa bao giờ trách Sir Alex Ferguson vì những thất bại kiểu như thế.

Khi còn được dẫn dắt bởi Fergie, M.U cũng có những lúc phải rời cuộc chơi sớm như thế này nhưng chưa bao giờ, họ lên tiếng kêu gọi ông từ chức như đã làm với Mourinho sau trận thua Sevilla.


Lẽ ra với tỷ số hòa 0-0 ở lượt đi, "Người đặc biệt" sẽ phải chọn cách tiếp cận trận đấu khác để giúp M.U đi tiếp. Nhưng Mourinho dường như quá sợ hãi. Cách ông chọn Fellaini cho chủ đích phòng ngự, thay vì một Scott McTominay là sai lầm đầu tiên. Fellaini ham dâng cao, không hỗ trợ cho Matic và khiến cho tuyến giữa M.U hầu như thất bại trong việc kiểm soát bóng.

Khi ông đưa Pogba vào sân thay Fellaini lại càng dở. Cầu thủ từng khiến M.U mất gần 100 triệu euro đưa về chơi tắc bụp, thậm chí còn chuyền bóng thẳng ra biên dù chẳng có áp lực nào sau lưng.

Tiếp đến là loại bỏ Marcus Rashford. Người vừa lập cú đúp mang về chiến thắng 2-1 cho M.U trước Liverpool lại bị đẩy sang cánh phải để nhường chỗ cho cầu thủ nhận lương cao nhất CLB Alexis Sanchez. Sau cách tiếp cận trận đấu thì cách sử dụng nhân sự đủ cho thấy Mourinho lẩm cẩm dù mới 55 tuổi.

Giờ thì thành tích của Mourinho còn tệ hơn David Moyes - người đã thất bại nặng nề trong năm đầu tiên dẫn dắt CLB nhưng lại giúp M.U lọt vào tứ kết Champions League và chỉ chịu thua trước một Bayern Munich hùng  mạnh ở thời điểm đó.

Chứng kiến cách M.U trong năm thứ 2 được dẫn dắt bởi Mourinho, ít ai nghĩ họ lại chuẩn bị kết thúc mùa giải 2017/18 theo cách tồi tệ như thế này nếu nhìn sang Man City của Pep Guardiola. So với Mourinho, Guardiola trẻ hơn 8 tuổi nhưng lại ham học hỏi hơn.


Kể từ khi Guardiola tiếp quản Barcelona và Tây Ban Nha vô địch EURO 2008, chiến thuật của bóng đá thế giới đã thay đổi. Mọi thứ trở nên sôi động hơn, kỹ thuật hơn và tối đa hóa khả năng cầu thủ.

Như vị trí thủ môn, Guardiola yêu cầu họ phải dùng được chân để luân chuyển bóng tới các điểm khác nhau chứ không phải cứ bóng về là phá lên. Hay như 2 hậu vệ cánh nên bó vào trong nhiều hơn để phối hơp hay đứt điểm thay vì chỉ biết chạy dọc biên.

Theo thống kê, kể từ khi Guardiola được Barca bổ nhiệm vào năm 2009, tỷ lệ bàn thắng trung bình trong mỗi trận đấu có sự xuất hiện của đội bóng mà ông dẫn dắt tăng từ 2,5 lên 2,9. Đây là một lý do lớn lý giải vì sao phương pháp tiếp cận trận đấu của Mourinho đang trở nên xưa cũ.

Tại sao Mourinho cảm thấy M.U cần phải tấn công trong khoảng 6 phút trong tổng số 180 phút ở cả 2 lượt trận? Tại sao không chơi sòng phẳng ngay từ đầu? Đáng ra, M.U đã có thể có một đêm tuyệt vời ở Old Trafford thay vì sống trong ác mộng như bây giờ.


Tại sao Mourinho ở trận gặp Sevilla không phải là Mourinho từng đánh bại Juergen Klopp của Liverpool cách đó ít ngày? Thứ nhất, Mourinho ở trận thắng Liverpool biết cách phản ứng với cách đối phương thay đổi chiến thuật và nhịp độ tấn công. Thứ hai, ông tạo ra một hàng thủ an toàn và kín kẽ chứ chẳng hề sơ hở như ở cuộc đối đầu với Sevilla.

Trước cuộc tái đấu đại diện La Liga, Mourinho từng nhấn mạnh: “Chúng tôi còn 8 trận đấu nữa tại giải Ngoại hạng, tương đương 24 điểm để chiến đấu. Nhưng trước Brighton hay Sevilla, chỉ có sống hoặc chết. Đây là những trận đấu vô cùng quan trọng”.

“Trong bóng đá hiện đại, bạn chỉ có thể sống qua từng ngày, qua từng trận và qua từng tuần. Tôi tin là nếu chúng tôi thua Sevilla ở trận đấu tới, chiến tích trước Liverpool sẽ bị lãng quên nhanh chóng".

Bây giờ thì các fan đúng là đã quên và chỉ nhớ đến cách họ vừa thua Sevilla ra sao.
    Bình Luận