Ác mộng chấn thương
Nếu tính cả những người không được đăng ký và đang bị treo giò (trường hợp của Tonali), có tổng cộng 19 cầu thủ thuộc biên chế đội một của Newcastle và Milan sẽ không thể góp mặt trong trận đấu đêm nay. Trận "chung kết" cho một tấm vé vào vòng knock-out Champions League ở bảng F (nhưng tất nhiên vẫn phải chờ kết quả của trận đấu còn lại giữa PSG và Dortmund) đã bị biến thành màn đại chiến giữa hai… bệnh viện.
Phía Newcastle mất tổng cộng 10 người. Thủ thành Nick Pope chấn thương vai vừa phải phẫu thuật và sẽ phải nghỉ nhiều tháng. Trung vệ Sven Botman đau đầu gối, còn các hậu vệ trái Matt Targett và Dan Burn thì đang gặp các vấn đề liên quan tới gân kheo và thắt lưng.
Trên hàng tiền vệ, Tonali, người cũ của Milan, đang bị treo giò vì tham gia cá cược. Joe Willock gặp vấn đề với bắp chân, Jacob Murphy bị đau vai, Elliot Anderson đau lưng còn với Ashley Barnes thì là vấn đề mắt cá. Javier Manquillo cũng phải ngồi ngoài do không được đăng ký cho vòng bảng Champions League mùa này.
Bên phía Milan, tình hình cũng không khá hơn là bao. Sau khi có thêm Simon Kjaer nhập viện, Fikayo Tomori trở thành trung vệ xịn duy nhất còn lành lặn. Pierre Kalulu, Malick Thiaw, Marco Pellegrino cũng như Mattia Caldara, Marco Sportiello và Noah Okafor đều đang phải ngồi ngoài vì các loại chấn thương khác nhau. Ngoài ra Milan còn không có Ismael Bennacer và Jan-Carlo Simic vì không được đăng ký.
Lỗi của Milan Lab?
Trường hợp của Newcastle có nhiều ca chấn thương được giải thích là do họ mới trở lại sân chơi châu Âu, chưa sẵn sàng cho việc thi đấu với cường độ cao một cách liên tục. Nhưng Milan thì không gặp vấn đề này. Dù thời gian gần đây ít được đá Champions League hơn, nhưng sau nhiều năm chinh chiến và chiến thắng, họ không lạ gì sự khắc nghiệt và những yêu cầu để tồn tại ở sân chơi này.
Thực tế thì đang có một làn sóng ý kiến cho rằng không phải vấn đề cường độ thi đấu, mà sự chuẩn bị tồi mới là nguyên nhân khiến Milan có nhiều ca chấn thương một cách bất thường ở mùa giải này. Thống kê sơ bộ cho thấy đội bóng thành Milano đã ghi nhận tổng cộng hơn 60 trường hợp chấn thương trong năm dương lịch 2023, nhiều nhất châu Âu. Riêng phí tổn điều trị đã hơn 10 triệu euro, chưa kể các loại chi phí khó quy đổi ra tiền khác.
Và mũi dùi đang chĩa về hướng Milan Lab, trung tâm y tế trứ danh của AC Milan. Được xây dựng từ năm 2002 dưới thời cựu chủ tịch Silvio Berlusconi, Milan Lab từng được xem là hình mẫu trong giới thể thao. Kết hợp khoa học, công nghệ và cả tâm lý học, Milan Lab có nhiệm vụ chuẩn bị tốt nhất cho các cầu thủ để họ không chỉ đạt được hiệu suất cao hơn khi thi đấu, mà còn giảm được nguy cơ dính chấn thương cũng như rút ngắn được thời gian điều trị.
Thời gian đầu, Milan Lab đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Đỉnh cao là khi AC Milan vô địch Champions League 2007 với tuổi bình quân của đội hình xuất phát lên tới 34 (kỷ lục của giải đấu). "Không cần biết anh 24 hay 41 tuổi, điều quan trọng là anh luôn sẵn sàng, cả về thể chất lẫn tinh thần," giám đốc của Milan Lab thời đó, Jean-Pierre Meersseman tự hào tuyên bố. Nhờ vậy, Milan có thể chiêu mộ những cầu thủ lớn tuổi, đảm bảo tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt được thành tích cao.
Nhưng có vẻ như các phương pháp của Milan Lab chỉ tốt với người già, còn người trẻ thì không. Alex Pato là người đầu tiên công khai vấn đề này. Trong thời gian ở Milan, "chú vịt" dính tới 6 chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu tổng cộng 380 ngày và 80 trận. "Các chấn thương của tôi là do lỗi của Milan Lab," tiền đạo người Brazil nói. "Tôi trở lại sân, dính chấn thương, được điều trị và lại chấn thương tiếp. Các bác sỹ đã vắt kiệt sức tôi. Họ muốn tôi trở lại sân nhanh chóng, bất chấp cơ thể tôi nói không".
Pato không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều người trẻ khác, trong đó có El Shaarawy, De Sciglio, Montolivo, Bonaventura, Pazzini, Calhanoglu, Conti và Caldara, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Và đó cũng đang là vấn đề với Milan hiện tại. 18 ca chấn thương cơ, nhiều ca trong số đó xảy ra ở các cầu thủ trẻ còn sung sức - một con số rất đáng báo động.
Điều đáng ngại là Milan có vẻ chưa nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. Họ vẫn chưa có bất kỳ động thái nào liên quan tới đội ngũ y tế, trái với cách phản ứng của Real Madrid là sa thải ngay người đứng đầu khi thấy Arda Guler mãi không lành chấn thương vì bị điều trị sai cách.
Bình Luận