Nhược điểm của Man City, hay nhược điểm của Pep

Đương kim á quân Champions League Man City khởi đầu mùa này bằng chiến thắng đậm đà 6-3 trước RB Leipzig. Nhưng đấy không bao giờ là chiến thắng dễ dàng. Khi mà tỷ số ở phút 73 đang là 4-3, thì kết quả nào cũng có thể xuất hiện vào cuối trận?
Nhược điểm của Man City, hay nhược điểm của Pep

HLV Jesse Marsch chỉ đạo các cầu thủ RB Leipzig tiếp tục tấn công, như cái cách mà họ đã làm trong khoảng 50 phút đầu. Tấn công, trên sân Man City, là một thái độ can đảm. Jack Grealish, khi ấy đang là cầu thủ hay nhất trận đấu, liền tung đòn trừng phạt: ghi bàn, nâng tỷ số lên 4-2 cho Man City. Trước đó, Grealish cũng đã kiến tạo cho Nathan Ake ở bàn mở tỷ số, và tham gia vào pha bóng dẫn đến tình huống tự đốt lưới nhà (2-0) của hậu vệ Nordi Mukiele bên phía Leipzig.

Nhưng, Marsch vẫn chỉ đạo tấn công vào hàng thủ vừa suy yếu, vừa tự mãn của Man City, là điều hợp lý. Cả 2 bàn gỡ của RB Leipzig đều đến từ cách phòng ngự lỏng lẻo của đội chủ nhà. Và rút cuộc, đội khách tiếp tục thành công, bằng con đường cũ. Christopher Nkunku lại ghi bàn để hoàn thành cú hat-trick, đồng thời qua mặt Grealish, nhận giải cầu thủ hay nhất trận, sau khi bóng ngừng lăn.

Nkunku là ai, tài năng cỡ nào mà lại trở thành cầu thủ thứ 2 trong lịch sử (sau mỗi Lionel Messi) lập được hat-trick vào lưới Man City ở Champions League? Câu trả lời: chẳng là gì cả. Sắp tròn 24 tuổi, cầu thủ Pháp nơi hàng tiền vệ Leipzig vẫn chưa bao giờ có vinh dự khoác áo ĐTQG. Ngoài cú hat-trick vừa ghi tại sân Etihad, Nkunku chưa hề ghi bàn hoặc kiến tạo thành công, trong 4 lần ra sân ở Bundesliga mùa này.

Đấy là 3 bàn thua cho Man City, hơn là chiến tích vang dội cho cầu thủ vừa lập hat-trick! Tờ báo Anh Independent giật tít: “Grealish tỏa sáng trong chiến thắng hỗn loạn của Man City”. Rất nhiều báo khác cho rằng Man City “sống sót” hoặc “thoát nạn” sau khi thủng lưới 3 bàn ở Champions League.

Trận này, Man City thiếu các trung vệ nổi tiếng John Stones và Aymeric Laporte, nên Ake mới có dịp đá chính, cùng Ruben Dias (trớ trêu thay, Ake chỉ mất chưa tới 20 phút để diễn vai người hùng mở tỷ số). Theo cách nhìn của tờ The Guardian, thì Man City thủng lưới hàng loạt trong trận đấu này vì một chi tiết rất hiếm thấy dưới thời Pep Guardiola: sự tự mãn. Tất nhiên, một HLV luôn cầu toàn đến mức kỳ dị như Guardiola thì không bao giờ là con người tự mãn rồi, cũng không cho phép cầu thủ của mình có thái độ ấy. Vậy nên The Guardian mới nhấn mạnh là “hiếm thấy”.

Một hậu vệ thường không đủ tư cách đá chính lại trở thành cây làm bàn thứ 10 cho Man City ở thời điểm đầu mùa này, và các bàn khác lại liên tục xuất hiện ngay sau đó, khiến Man City trở nên tự mãn? Tùy cảm nhận của mỗi người – chẳng bao giờ là đúng hoặc sai khi bạn kết luận ai đó “tự mãn”. Dù sao đi nữa, cả 3 bàn thua của Man City đều đến từ các tình huống đơn giản, không đáng phải thua, nói chung là do hàng thủ yếu, hơn là hàng công của đối phương giỏi. Cùng một tác giả ghi bàn, trong cùng một kiểu tấn công.

Đến đây, lại phải nhắc một nhược điểm rõ như ban ngày của Man City: đây là đội bóng gần như không có khả năng khắc phục nhược điểm về chiến thuật. Guardiola là HLV vĩ đại, chẳng bàn cãi nữa. Nhưng ông huấn luyện bằng triết lý, quan điểm. Ông huấn luyện để vô địch cả một giải đấu, một mùa bóng (thậm chí là cả một thời đại, một kỷ nguyên). Ông không huấn luyện để thắng… một trận đấu. Khả năng đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật là nhược điểm lớn nhất của Guardiola. Nói chung, cứ liên quan đến chiến thuật nhất thời thì Pep là HLV tầm thường. Đấy là lý do vì sao Man City không thể ngăn cản Nkunku ghi bàn mãi.

Pep mà biết điều chỉnh chiến thuật thì Man City đâu có thua Tottenham ở Premier League (dù Man City mạnh đến mức thắng liền 2 trận sau đó đều với tỷ số 5-0). Họ thua Chelsea ở chung kết Champions League mùa trước, cũng là thua về chiến thuật. Kỳ này, “chỉ thua 3 bàn” (nhưng vẫn thắng) là may rồi!

    Bình Luận