1. Trong bài đầu tiên có một ví dụ rợn người: Vào năm 2015, khi Real Madrid gặp đối thủ cùng thành phố Atletico ở Copa del Rey, một chủ quán rượu có tên Tonin đã lập một bàn thờ ở góc quán cho Juanito, một ngôi sao xấu số của Madrid. Anh này qua đời vì một tai nạn xe hơi năm 1992, khi mới 37 tuổi. Tonin và một số cổ động viên nổi tiếng khác muốn… triệu hồi linh hồn của Juanito, để tiếp thêm sức mạnh cho đội bóng.
Tháng 4/1986, Real Madrid bị Inter đánh bại 3-1 ở bán kết lượt đi UEFA Cup, và ngay sau khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, Juanito đã đi vào lịch sử với lời cảnh báo ngắn gọn: “90 phút ở Bernabeu sẽ rất dài đấy nhé”.
Lượt về, Real lội ngược dòng, đánh bại Inter 5-1 (chung cuộc 6-4), và bắt đầu gieo ý niệm về những cuộc lội ngược dòng thần thánh từ đó. Mùa giải 1985-1986, họ thua 1-5 trước Gladbach ở lượt đi vòng ba UEFA Cup, và sau đó lội ngược dòng thắng 4-0 ở lượt về, với 2 cú đúp của Santillana và Jorge Valdano.
Từ đó, các chiến thắng ngược khó lý giải đã là một phần trong chặng đường chinh phục 14 chiếc cúp C1/Champions League của Real Madrid. Hãy nhớ lại chức vô địch Champions League gần nhất mùa 2021-2022: họ đang thua với tổng tỷ số 0-2 ở vòng 1/8 trước PSG, và trận đấu chỉ còn 30 phút, rồi Karim Benzema như chui từ dưới đất lên với một hat-trick trong 17 phút giúp Real thắng chung cuộc.
Tiếp theo, trận gặp Chelsea, Real đang thua với tổng tỷ số 3-4 và trận lượt về chỉ còn 10 phút. Kết quả? Đội bóng áo trắng thắng 5-4 sau hiệp phụ. Ba tuần sau, khi gặp Man City, một đội được tổ chức tốt bậc nhất thời điểm ấy, Real bị dẫn 5-3 đến tận phút 90, và Rodrygo đã ghi hai bàn trong những phút cuối trước khi Benzema “đóng hòm” bằng quả penalty dứt điểm trận đấu trong hiệp phụ.
Trước khi vào chung kết với Dortmund, Real đã để Bayern dẫn đến phút 87, và lội ngược dòng giành thắng lợi chung cuộc bằng 2 bàn chỉ trong vỏn vẹn… 3 phút. Ở tứ kết, họ cũng lại đánh bại Man City sau khi dẫn bàn đến hai lần.
2. Tất nhiên, các chiến thắng này đầy màu sắc kỳ vĩ, nhưng các chiến dịch truyền thông cũng đã biến chúng thành một dạng huyền thoại không thể xô đổ, mà quên đi một điều: Real Madrid cũng là một trong những đội bóng đã chi nhiều tiền bậc nhất trong lịch sử, và luôn hướng đến việc phủ đội hình bằng những ngôi sao hạng nhất.
Chính sách Galacticos đã biến đội bóng này thành dải ngân hà đúng nghĩa vào thập niên 2000, và từ đó đến nay, họ luôn là một trong những CLB chi tiền mạnh mẽ nhất để thu hút nhiều HLV và cầu thủ hàng đầu. Trong 10 năm qua, họ xếp thứ ba trong danh sách chi tiền mua cầu thủ (1,1 tỷ euro, chỉ sau Man City và Barcelona). Về quỹ lương, Real hiện tại cũng xếp thứ ba, chỉ thua PSG và Al-Nassr, các CLB được hậu thuẫn bởi dòng tiền không đáy của các ông chủ dầu mỏ.
Sự thật là gì? Trong cuốn sách kinh tế học trong bóng đá nổi tiếng Soccernomics, hai tác giả Szymanski và Simon Kuper đã phát hiện ra rằng qua hơn một thập kỷ, số tiền mà các câu lạc bộ Premier League và Championship chi trả cho lương cầu thủ có mối tương quan cực kỳ gần với kết quả, đến mức có vẻ như tiền là tất cả những gì quan trọng. Tức là chân lý về chiến thắng, xét trên xác suất thống kê, có thể vô cùng đơn giản: có nhiều tiền là nắm giữ 90% cơ hội thắng.
3. Tất nhiên, nói điều này không phải để phủ nhận sạch những nỗ lực phi thường của Real Madrid trong nghịch cảnh, nhưng việc vượt qua được những khoảnh khắc yếu thế như vậy không chỉ là vấn đề niềm tin: các ngôi sao của đội bóng này đã được chuyển nhượng và đãi ngộ với một chế độ hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ. Đồng tiền đã làm việc hết sức hiệu quả để duy trì hiệu suất.
Đối thủ của Real ở trận chung kết tới đây là Dortmund, với mức chi tiêu thấp hơn nhiều lần và mới đây vừa thở phào sau khi nhận được tài trợ của một tập đoàn vũ khí Đức. Nếu CLB Đức giành thắng lợi, đó mới là lúc chúng ta nên nói về đức tin hay phép màu.
Còn với Real, chiến thắng vẫn là một điều gì đó rất giản dị và dễ hiểu, dù có kịch tính tới đâu đi chăng nữa.
Bình Luận