Nhờ Mohamed Salah, người ta không còn nhớ đến Ai Cập là một đất nước chỉ toàn binh biến...
Ai Cập rất đẹp. Sự tĩnh lặng của nhân sư ngàn năm, bên cạnh những kim tự tháp hùng vĩ, giữa một sa mạc mênh mông cát vàng là vẻ đẹp thuộc về một thời đại xa xăm nào đó của loài người. Trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, kim tự tháp Giza là kỳ quan đứng ở vị trí số 1, và cũng là kỳ quan cuối cùng còn sót lại cho đến ngày hôm nay. Mọi thứ cứ bình an như thế, với hàng triệu khách du lịch thập phương đổ về để được chiêm ngưỡng các công trình cổ.
Cho đến một ngày của tháng 12 của năm 2010 tại Tunisia, một người bán hàng rong tên là Mohamed Bouazizi đã tự thiêu trước tòa thị chính vì sự bất công anh phải gánh. Sự kiện đó chính là mồi lửa của một làn sóng có tên là “Mùa xuân Arab”, khiến tổng thống Ben Ali - người cầm quyền suốt 22 năm bị lật đổ. Từ Tunisia, những cuộc biểu tình đã lan sang các quốc gia láng giềng, và tổng thống Ai Cập Mubarak, người đã cầm quyền ở Ai Cập trong 30 năm qua, cũng bị lật đổ sau đó không lâu. Đất nước Ai Cập rời bỏ khỏi tĩnh lặng bên bờ sông Nile, bước vào một giai đoạn biến động.
Năm 2010, chàng trai Mohamed Salah khi ấy 18 tuổi, bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp ở CLB quê nhà El Moukawloon trong thời điểm ly loạn ấy. Chứng kiến dân tộc sống trong những thời điểm hỗn loạn, sau đó hai năm, anh rời quê nhà đến với những bình an ở đất Thụy Sĩ trong màu áo CLB Basel. Màn ra mắt ấn tượng tại Basel đã giúp Salah được Chelsea đem về. Nhưng rồi anh trải qua những ngày buồn dưới trướng Jose Mourinho.
Chiến lược gia người Bồ Đào Nha đẩy Salah sang Fiorentina theo bản hợp đồng cho mượn. Lại một bản hợp đồng nữa đưa anh đến Roma. Tại đây, anh vụt sáng với 29 bàn thắng sau 65 trận đấu, khiến Liverpool phải bỏ ra 36,9 triệu bảng mang anh về Anfield vào mùa Hè 2017. Và bây giờ, anh gây điên đảo cả thế giới trong màu áo Liverpool. 6 năm trôi qua, Salah thăng trầm như chính quê hương Ai Cập.
Sau khi “Mùa xuân Arab” diễn ra, câu chuyện về đất nước của những kim tự tháp trong mắt thế giới là hình ảnh biểu tình xảy ra khắp nơi. Điều này khiến hình ảnh Ai Cập trở nên đáng ngại trong mắt khách thập phương. Và sự xấu xí ấy đã kéo theo sự xuống cấp của du lịch, cảnh đìu hiu diễn ra quanh kim tự tháp và cuộc sống người dân thì khó khăn. Nhưng ở bóng đá, đã có đều kỳ diệu xảy ra, khi Mohamed Salah với 43 bàn thắng trong màu áo Liverpool đã khiến cho Ai Cập được nhắc trở lại với một sự cảm tình mới.
Điều mà Salah mang đến hôm nay mang một cái chất quyến rũ đặc biệt của thứ bóng đá đẹp. Rất nhiều bàn thắng giàu cảm xúc mà anh mang đến đã khiến giới túc cầu phải khen ngợi. Và ở quê nhà, tổng thống Ai Cập, và người dân Ai Cập đều nhắc về Salah với sự tự hào.
Đất nước Ai Cập đã bị chia rẽ nghiêm trọng với các lực lượng Hồi giáo khác nhau. Nhưng vào tháng 10/2017, cả đất nước ôm lấy nhau vì đội tuyển Ai Cập đã giành vé đến World Cup sau 28 năm. Người ghi bàn quyết định cho tấm vé ngày hôm ấy chính là… Mohamed Salah. Salah đã gợi lại vẻ đẹp Ai Cập, đã đoàn kết lại đất nước nhờ trái bóng tròn. Tất cả đều nói rằng thể thao hàn gắn thế giới, và một ví dụ đang diễn ra trước mắt, khi ta nhìn thấy một nhân vật thể thao như thế.
Mohamed Salah đã hàn gắn Ai Cập, và gợi về vẻ đẹp của một đất nước, nhờ đôi chân ma thuật và tính cách dễ mến của anh.
Bình Luận