'Tiệm cận', khái niệm Guardiola căm thù

Trong nhiều bài báo quốc tế và cả những cuốn sách của các ký giả theo chân Pep Guardiola, “tìm kiếm sự hoàn hảo” luôn là từ khóa quan trọng.
'Tiệm cận', khái niệm Guardiola căm thù

Pep là một người chỉn chu, từ cách ông chuyền quả bóng thời còn làm cầu thủ, từ cách ông chọn trang phục cho từng trận đấu và tất nhiên, Pep chỉn chu tới cầu toàn và đôi khi là cường điệu hóa mọi thứ trong sự nghiệp của mình. 

Các đội bóng của Pep luôn tìm kiếm sự hoàn hảo và mục tiêu cuối cùng của Pep là chạm tới cảnh giới đó. Một đội bóng hoàn hảo, hiểu nôm na, là đội bóng không cho đối phương… chạm bóng, là đội bóng ghi nhiều bàn nhất, thủng lưới ít nhấ, thắng mọi trận đấu và là số 1 ở mọi giải đấu họ tham dự. Barca, Bayern hay Man City hiện tại, tất cả đều được Pep “gò, nắn”, đưa vào khuôn mẫu chung đó. 

Nhưng trong 15 năm huấn luyện đỉnh cao, chỉ một lần Pep thực sự chạm ngưỡng “hoàn hảo”, với mùa giải ăn 6 cùng Barca. 1/15 lần, tương đương xác suất 6%, không ít nhưng chẳng phải là nhiều nếu so sánh với mức độ khốc liệt của bóng đá chuyên nghiệp. Sau kỳ tích đó, Pep vẫn tìm tòi, vẫn đổi mới, vẫn giữ được bản sắc của một HLV sắm vai kẻ thống trị. Chỉ là, câu chuyện từ giai đoạn Pep muốn tới thời điểm Pep thật sự nhận về giá trị toàn vẹn của khái niệm “hoàn hảo”, luôn là một câu chuyện đầy đau đớn với chiến lược gia sinh năm 1971. 

Pep ở Bayern 3 năm là 3 năm Bayern vào bán kết để rồi… thua trận theo các cách khác nhau. Pep mất 4 năm để Man City thoát kiếp học việc tại Champions League nhưng rồi khi đã vào tới chung kết, Pep lại đưa ra quyết định nhân sự kỳ quặc, trực tiếp khiến Man City gục ngã trước Chelsea. 

Tất nhiên, sau sự kiện đó, Pep tiếp tục được bơm tiền với niềm tin mãnh liệt từ giới chủ Ả-rập rằng ông chính là người phù hợp duy nhất với dự án tại Manchester. Sự hiện diện của Erling Haaland không chỉ nhấn mạnh vào ý chí đó, mà còn là bước ngoặt làm thay đổi luồng tư duy của Pep, rằng ông “cần một tiền đạo đúng nghĩa” để trở thành phiên bản hoàn hảo như chính bản thân kỳ vọng. 

Haaland rất hay, nhưng trong một buổi tối bình thường tại Bắc Âu, nơi Man City không ghi bàn cũng vẫn đi tiếp, Pep chợt nhận ra một lần nữa, hành trình tìm tới đích đến hoàn hảo tưởng ngay trước mắt nhưng xa tít mù khơi. Pep từng là HLV không phụ thuộc vào số 9 cổ điển nhưng sau 3 tháng, mọi thứ có vẻ đảo lộn hoàn toàn. 

Sẽ là hơi quá khi nói rằng, sự sống của Pep phụ thuộc vào hơi thở của Haaland. Nhưng Pep mang Haaland về không phải để vô địch Premier League. Ông cần sự quyết đoán của tiền đạo này ở Champions League, để giải quyết tận gốc nhược điểm “phức tạp hóa” của chính bản thân ông và các công thần. Vì thế, ở đâu đó trong nếp nhăn của Pep có thể đã manh nha các suy nghĩ về một mùa giải cay đắng khác, và lại là cay đắng nhất trong những thất bại cay đắng: Tay chới với cố túm lấy sự hoàn hảo nhưng khi tưởng như chạm được đích đến lại vụt mất. 

Pep là vậy, muốn tiếp cận, cần xác nhận tính tuyệt đối và hoàn hảo của các tổ chức ông dẫn dắt và bởi thế, ông rất ghét sự “tiệm cận”.  

    Bình Luận