Sau sự lên ngôi của 4-2-3-1 và các biến thể, “tiền đạo biên” không còn là khái niệm xa lạ. Với sự chuyển mình một lần nữa của các xu hướng chiến thuật, vị trí này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đóng vai trò như mũi nhọn xuyên phá của bất kỳ hàng tấn công nào.

Thời đại của “trung lộ”
Một giai đoạn dài, những vị trí “đắc địa” nhất ở cả 3 tuyến đều nằm ở khu trung lộ. Có những thời điểm biểu tượng phòng ngự phải là Franco Baresi (AC Milan) và những chân sút trẻ đang ấp ủ giấc mơ lên chuyên nghiệp đều coi Ronaldo “béo” làm hình mẫu.
Ở hàng tiền vệ, các khái niệm pivote, trequartista hay bất kỳ cái tên mỹ miều nào khác đều ám chỉ những nhà tổ chức trận đấu ở khu vực trung tuyến. Brazil có Kaka, Ronaldinho; Bồ Đào Nha có Rui Costa, Deco; Italia có Del Piero, Pirlo, Totti. Hãy thử tượng tưởng vào cuối thập niên 90 đầu thế kỷ 21, nếu Deco và Ronaldinho có bóng trong chân, sẽ có cả tá người được điều động để vây bắt họ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 10 bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới tính từ năm 1990 tới trước khi Cristiano Ronaldo phá kỷ lục chuyển nhượng, có 8 người hoặc là tiền vệ trung tâm và số 10 chơi sau lưng tiền đạo, hoặc là những “số 9” điển hình chuyên mắc võng vòng cấm đánh hơi bàn thắng.
ESPN từng thực hiện cuộc điều tra về “tuổi nghề” của cầu thủ. Thống kê cho thấy, càng chơi sát vòng tròn giữa sân và khu 16m50, tuổi thọ của cầu thủ càng cao. Các tiền vệ biên dưới 23 tuổi có thời lượng thi đấu nhiều hơn những người trạc tuổi ở các vị trí khác. nhưng cũng chính những tiền vệ biên này khi bước qua tuổi 30 sẽ không được ra sân nhiều như trung vệ và tiền vệ trung tâm ngang tuổi.

Đây là một cách khai thác phổ biến vai trò của “tiền đạo biên”. Tiền đạo biên nhận bóng từ tiền vệ, ngay lập tức tiền đạo cắm lùi xuống kéo trung vệ dâng cao, phối hợp 1-2 đặt tiền đạo biên vào tư thế đối mặt thủ môn đội bạn.
Trong khi đó, kiểm tra tất cả các tiền đạo 26 tuổi ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu từ mùa 2010/11 và loại bỏ những bàn thắng từ chấm phạt đền, số pha lập công trung bình mỗi trận là 0,39 bàn. Vẫn với hệ tham chiếu ấy nhưng là với các tiền đạo 34 tuổi, số bàn/trận (không tính penalty) được giữ nguyên. Nghĩa là, các tiền đạo tuy nhiều tuổi nhưng không tốn nhiều năng lượng trong 90 phút nhờ phạm vi di chuyển hẹp vẫn duy trì khả năng dứt điểm vốn có.
Đó là một trong những lý do tại sao những cầu thủ khéo léo, óc quan sát tốt và trí tuệ chơi bóng hơn người trong giai đoạn trước thường lựa chọn chơi ở “trung lộ”. Bởi tại đây họ có thể kéo dài sự nghiệp mà không cần hao mòn những tố chất điền kinh thường thấy ở các vị trí “bám biên”.
Xu hướng “dịch ra biên”
Ronaldo, Messi, Salah – ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới mùa trước đều là “tiền đạo biên”. Dortmund đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ nguồn năng lượng bất tận của Jadon Sancho. Robben ở xế chiều sự nghiệp vẫn trình diễn phong độ kinh ngạc với cú cứa lòng thương hiệu. Tổng quát hơn, dẫn đầu danh sách ghi bàn ở 4/5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đều là những tiền đạo biên (Ronaldo, Aubameyang, Stuani, Mbappe).
Bóng đá lại tiếp tục vận động và trong lần thay áo này, trò chơi tôn vinh “các tiền đạo biên”. Nói vậy không có nghĩa vai trò của tiền vệ trung tâm hay trung vệ bị lu mờ (bằng chứng là Luka Modric vừa giành Quả bóng Vàng), nhưng khi đã nói về “xu hướng”, nghĩa là nhắc đến số đông.
Cái chuyển mình này đã đi từ “trung lộ” ra biên, cũng là bởi phía trong sân đấu ngày một trở nên “chật chội”. Các hàng phòng ngự phải đối đầu với những bộ óc tổ chức siêu việt như Pirlo, Oezil, Deco thường tổ chức thành nhiều lớp, cố gắng bịt mọi khe hở và nắm bắt tất cả những ý tưởng của người chuyền bóng. Dịch ra biên tìm khoảng trống là tất yếu và ở khu vực mới, các tiền đạo bắt đầu nhìn thấy những phương án tạo ra khác biệt.
Khi tiền đạo cầm bóng ở biên, anh ta “vô tình” đẩy hậu vệ vào ma trận. Lao vào cướp bóng hay đợi bắt bài – hai câu hỏi ấy luôn lởn vởn trong đầu hậu vệ vì với bất kỳ phương án nào, rủi ro nhận về là quá lớn.
Các tiền đạo biên ngày nay đã “cấp tiến” hơn rất nhiều so với định nghĩa ban đầu. Khoảng 10 năm trước, những người chơi lệch cánh thường chọn cánh thuận chân và bám chặt vào đường biên dọc để đưa ra các quả tạt, như Ryan Giggs và Luis Figo. Bây giờ, tiền đạo biên thường chạy bó vào trong cắt mặt và kiêm luôn nhiệm vụ của một cây săn bàn.
Nếu hậu vệ chọn phương án thứ nhất là tranh cướp bóng, tiềm ẩn nguy cơ bị tiền đạo biên qua mặt. Nếu chọn phương án thứ hai, cũng đồng nghĩa là cho… hậu vệ biên băng lên phối hợp với tiền đạo biên. Đấy là chưa kể trong các tình huống hậu vệ “cố tình” đọc vị tiền đạo biên, các họng súng từ tuyến hai bên trong sẽ tìm cách di chuyển chọn vị trí đón quả chuyền ngược.

Trong khi đó, các số 9 điển hình đang mất dần đất diễn, nếu có cũng thường đóng vai “chim mồi”. Khu vòng cấm chật chội buộc HLV điều chỉnh hướng bóng dồn sang hai biên, nơi những lợi thế rõ ràng được thừa nhận. Thierry Henry xuất phát điểm là tiền vệ biên, sau được kéo vào chơi tiền đạo đã vận dụng những lợi thế vượt trội của vai trò cũ và tự biến mình thành “tiền đạo biên”. Thomas Mueller là ví dụ điển hình của phong cách chơi hiện đại, luôn đi từ biên vào trung lộ tìm kiếm cơ hội.
Một ví dụ dễ thấy về các “tiền đạo biên” chính là trận đấu giữa Man City và Chelsea cuối tuần này. Đôi cánh Sane và Sterling đã cùng nhau ghi 41 bàn và có 36 kiến tạo từ mùa trước đến nay, trở thành những lựa chọn không thể thay thế của Pep Guardiola trên hàng công.
Ở Tây London, Chelsea đã coi Eden Hazard là hạt nhân trong lối chơi từ nhiều năm nay. Hai mùa gần nhất, Hazard là “vua dội bom” ở Stamford Bridge. Năm nay, vẫn là tiền vệ người Bỉ dẫn đầu danh sách ghi bàn của The Blues tại Premier League (7 bàn).
Ưu điểm lớn nhất của tiền đạo biên, là bù trừ những thiếu sót của tiền đạo cắm và tiền vệ biên. Họ là những động cơ hybrid tiêu biểu, vừa dứt điểm tốt như sát thủ vòng cấm, lại có kỹ năng rê dắt và tốc độ của tiền vệ cánh. Bánh xe lịch sử rồi sẽ tìm về những sát thủ kiểu Shevchenko, nhưng đó là câu chuyện của thì tương lai. Còn bây giờ, là thời đại của “tiền đạo biên”.
Mùa hiệu quả nhất của Neymar ![]() Neymar ở PSG là “số 10” điển hình, luôn xuất hiện ở trung lộ cầm trịch và tổ chức trận đấu. Nhưng mùa giải “năng suất” nhất của tiền đạo người Brazil lại diễn ra 3 năm trước. Vào mùa 2014/15 với cú ăn ba của Barca, Luis Enrique đã sử dụng Neymar đúng vai trò của “tiền đạo biên”. Ông để Messi chơi tự do, lợi dụng khả năng gây rối của Suarez và xếp Neymar vào mắt xích cuối cùng của “dây chuyền” sản xuất bàn thắng. Bàn ấn định tỷ số trong trận chung kết Champions League năm đó của Neymar vào lưới Juventus đã diễn ra theo đúng công thức đó. Năm đó, Neymar ghi tới 39 bàn chỉ trong 51 trận. |
Bình Luận