Vừa có một thống kê gây bất ngờ: Trong 116 bàn thắng của Atalanta trên mọi mặt trận của mùa giải 2019/20, không có bàn thắng nào được ghi bởi cầu thủ Ý. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Calcio. Thành công vừa qua của Atalanta rõ ràng mang dáng dấp một đội bóng Italia hình mẫu, đến từ tỉnh Bergamo, với mô hình đào tạo trẻ số 1 nước Ý. Nhưng thật trớ trêu, đỉnh cao mà Atalanta giành được lại không dành cho người Ý.
Đội hình của HLV Gian Piero Gasperini có 8 cầu thủ Italia từng ra sân ở mùa này. Trong đó có 3 thủ môn là Gollini, Sportiello và Rossi; 4 trung vệ là Caldara, Masiello, Bellanova và Piccoli; cùng 1 tiền vệ trung tâm là Da Riva. Tổng số lần khoác áo đội tuyển Italia của số cầu thủ này chỉ là...3, với 1 lần lên tuyển của Gollini (để làm thủ môn số 3) và 2 của Caldara.
Mô hình đào tạo của Atalanta rất đậm tính địa phương. Học viện Bortolotti chủ yếu nhận các cậu nhóc có tiềm năng nhất ở trong nước. Nhưng khi ra thành phẩm, những người Italia giỏi nhất sẽ tỏa sáng ở các đội bóng lớn. Những người Italia còn đá cho Atalanta thực chất là cầu thủ trẻ, chưa đến tuổi bán. Hoặc nói trắng ra, đó là những người… kém nhất.
Atalanta cống hiến không ít nhà vô địch cho Azzurri. Đó là bộ đôi vô địch World Cup Gaetano Scirea và Antonio Cabrini. Có thể kể thêm Roberto Donadoni, Riccardo Montolivo, Giampaolo Pazzini, Filippo Inzaghi, Giacomo Bonaventura và Christian Vieri. Không ai trong số này được gọi là “huyền thoại Atalanta”. Họ trưởng thành từ Atalanta nhưng đỉnh cao nằm ở những đội bóng khác. Ví dụ Inzaghi là huyền thoại Milan, Vieri là huyền thoại Inter hoặc Scirea là huyền thoại Juventus, đại loại vậy.
Ngoài việc đáp ứng luật cầu thủ đến từ EU, không thể đòi hỏi gì hơn ở Atalanta. Công thức luôn là: Bán những ai được giá, sau đó đầu tư một phần tiền thu được để mua cầu thủ. Ví dụ mùa này, Atalanta bán Bryan Cristante cho Roma để thu về 21 triệu euro và dùng 13,6 triệu euro trong số tiền thu được để chiêu mộ Ruslan Malinovskyi từ Genk. Các trụ cột như Duvan Zapata, Luis Muriel, Papu Gomez, Josip Ilicic, Mario Pasalic, Robin Gosens… đều được chiêu mộ theo công thức như vậy.
Có thể nói rằng: Atalanta là một đội bóng Liên hiệp quốc. Nhưng không hề có ác ý nào với tập thể này khi nói theo cách đó. Họ rất khác Inter các năm trước, đặc biệt trước thời Antonio Conte. Atalanta không có nhiều cầu thủ Italia trên đội 1, nhưng lại sản sinh rất nhiều ngôi sao Italia cho các đội khác. Rất khác việc Inter chú trọng mua ngôi sao tứ xứ, và không có một lò đào tạo cỡ Bortolotti. Cũng không thể nói rằng lò đào tạo của Inter kém. Nhưng dẫu sao, họ vẫn có tiềm lực tài chính hơn hẳn Atalanta. Nguồn sống của Atalanta là Bortolotti, nơi họ tạo ra sản phẩm để bán cho toàn thế giới. Những gì họ có ở đội 1 cũng là tinh hoa của Bortolotti, nhưng theo cách gián tiếp.
Kết thúc mùa giải này, chủ tịch Antonio Percassi có nói với đại ý: Atalanta đang ở thời điểm không buộc phải bán đi các trụ cột bằng mọi giá. Hai năm liên tiếp dự Champions League đã giúp họ có thêm nguồn thu, bớt phụ thuộc vào tiền bán cầu thủ. Chỉ khi tiềm lực tài chính mạnh mẽ hơn, Atalanta mới có thể tính đến những thứ sâu xa hơn, như chuyện “thêm chất Ý” cho đội 1 của mình.
Chỉ mua cầu thủ Ý với giá rẻ
Cầu thủ Ý được giá thì Atalanta sẽ bán cho các đội bóng lớn, đặc biệt tại Italia. Đổi lại, họ sẽ vẫn mua lại các cầu thủ Ý, nhưng giá phải thấp. Mattia Caldara là trường hợp điển hình. Atalanta bán cho Juventus với giá 15 triệu euro, để rồi sau khi thất bại ở Milan, họ mượn lại Caldara rồi mua lại với giá rẻ. Mùa Hè này, Atalanta cũng đang nhắm Alessandro Florenzi. Anh là cựu đội trưởng của Roma, đang phải tìm bến đỗ mới vì không còn chỗ đứng tại CLB thủ đô.
10,5 - Cầu thủ Italia đắt nhất mà Atalanta từng mua là tiền vệ Luca Cigarini từ Parma với giá 10,5 triệu euro. Trong khi đó, người Italia đắt nhất mà Atalanta từng bán là trung vệ Bastoni, sang Inter với giá 31,1 triệu euro.
XEM THÊM
Juve hy sinh Dybala và Higuain nhằm giữ Ronaldo
Bình Luận