Wijnaldum lớn lên dưới vòng tay bà ngoại

Cách Liverpool gần 500 km, bà Francina không kìm được những giọt nước mắt trong niềm vui vô bờ. Cháu trai bà, Georginio Wijnaldum là người hùng trong đêm huyền ảo Anfield, đưa Liverpool vượt qua Barca. Ở tuổi gần đất xa trời, bà vẫn được sống cùng phút giây lịch sử trong sự nghiệp của Wijnaldum.
Wijnaldum lớn lên dưới vòng tay bà ngoại

Vì bà mà đá bóng 

Wijnaldum lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của gia đình. Bố Wijnaldum bỏ rơi hai mẹ con khi anh 2 tuổi. Khi Wijnaldum lên 5 tuổi, cha dượng và mẹ Wijnald um lại đường ai nấy đi sau 2 năm góp gạo thổi cơm chung. 

Cuộc sống khó khăn ở tỉnh lẻ Rotterdam buộc bà mẹ đơn thân nghĩ kế sinh nhai. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định tìm lên Amsterdam phồn vinh, đi làm cô nuôi dạy trẻ tại các trường mẫu giáo tư thục. 

Nhưng Wijnaldum không nghĩ thế. Phải liên tục thay đổi môi trường, thích nghi với các hoàn cảnh sống khác nhau từ lúc còn quá nhỏ khiến đứa trẻ ấy sợ sệt. Và nếu đi xa, Wijnaldum sẽ không thể gặp bà ngoại Francina hàng ngày, người anh vẫn tạt qua trò chuyện mỗi ngày trên đường đi học về. Sau nhiều ngày đấu tranh, Wijnaldum cũng thuyết phục được mẹ cho ở lại cùng bà ngoại. 

Wijnaldum không hẳn là sẵn “máu” bóng đá trong người. Thực ra, anh chẳng có sở thích nào thuở thiếu thời. Chỉ riêng câu hỏi bố đẻ mình là ai và cuộc sống vật lộn chạy ăn từng bữa của hai mẹ con đã chiếm trọn tâm trí của Wijnaldum. 

Wijnaldum luôn xem bà ngoại là nguồn động lực để anh phấn đấu sự nghiệp
Wijnaldum luôn xem bà ngoại là nguồn động lực để anh phấn đấu sự nghiệp

Cũng chính vì Wijnaldum sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh éo le đến vậy, bà Francina mới muốn cháu mình đi đá bóng, môn thể thao phổ biến nhất Rotterdam. Bà sợ đứa cháu duy nhất ấy sẽ vì người mẹ lỡ đò 2 lần, vì miếng cơm manh áo mà sớm ra ngoài xã hội va chạm với những thành phần phức tạp. Đá bóng, với cầu thủ thường được gọi là Gini, đơn thuần là để bản thân tránh xa tệ nạn. 

Wijnaldum có hai người bạn mà anh quen trong chương trình kỹ năng sống ở Rotterdam, dành cho các bạn nhỏ không được chăm sóc hàng bởi cha mẹ. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ De Telegraaf hồi 2013, Wijnaldum đã nói về hai người bạn thiếu may mắn của mình. Diederik vào trại giáo dưỡng năm 15 tuổi vì bán cần sa trên đường, còn Adrianus mắc chứng nghiện rượu vì mắc kẹt trong giấc mơ của bản thân và thực tế phũ phàng.

“Tôi vẫn nhớ mỗi lần chuẩn bị chào tạm biệt ở cổng học viện, bà lại dặn dò tôi phải giữ mình, đi đá bóng để khỏe người chứ không phải để sân si hay tác oai tác quái”, Wijnaldum bồi hồi kể về bà ngoại dấu yêu trên Telegraph. 

Dù thế giới ngoài kia có sụp đổ, Wijnaldum biết rằng luôn có bà ngoại đợi sẵn giang tay ôm anh vào lòng. Vì thế, Wijnaldum sống cùng bà tới tận năm 18 tuổi.

Hơn cả một người mẹ 

Bà Francina không nghèo, nhưng cũng chẳng giàu có gì. Hai bà cháu dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của bà Francina. Ở nhà, bà cũng nhận thêm việc thêu thùa gọi là có thêm đồng ra đồng vào nuôi đứa cháu tuổi ăn tuổi lớn.

So với bạn bè đồng trang lứa, Wijnaldum không có cuộc sống giàu sang thừa mứa vật chất. Nhưng chắc chắn, bà ngoại cũng không bao giờ để Wijnaldum phải thiếu thốn hay thiệt thòi. Từ năm Wijnaldum lên 7 và gia nhập học viện CLB Sparta Rotterdam, hai bà cháu vẫn hàng ngày cùng nhau rong ruổi từ sáng sớm, ăn vội chiếc bánh mỳ lót dạ trong chờ xe buýt. 

Vào mùa đông, khi tàu điện ngầm và các phương tiện công cộng chỉ lăn bánh sau 8 giờ sáng, Wijnaldum phải đi bộ tới sân, mất khoảng 45 phút. Nhà không có xe ô tô, còn giờ điểm danh là 7 giờ sáng. Dù tuổi cao sức yếu nhưng chưa một lần, bà Francina vắng mặt trên hành trình cùng cháu trai tới học viện. Bao giờ cũng vậy, bà sẽ dậy lúc trời còn chưa sáng, chuẩn bị đồ ăn và sữa cho Wijnaldum, nắm tay đưa cháu đi bộ tới sân tập và khi bà có mặt ở nhà, đồng hồ đã điểm 9 giờ. 

Dù đã 85 tuổi, bà Francina vẫn dõi theo từng bước chân của Wijnaldum
Dù đã 85 tuổi, bà Francina vẫn dõi theo từng bước chân của Wijnaldum

Ngày Wijnaldum nhận hơp đồng chuyên nghiệp đầu đời ở Feyenoord, người đầu tiên Gini gọi điện là bà ngoại. Hai bà cháu biết rằng bao nỗ lực đã được đền đáp, nhưng cũng hiểu đây chỉ là điểm khởi đầu. Wijnaldum vẫn nhớ câu đầu tiên bà ngoại dặn dò là phải giữ mình, đừng khiến bản thân thành nô lệ của đồng tiền. “Làm được thì phải giữ được, không phải giữ cho bà mà là vì tương lai của cháu. Đâu ai biết đời cầu thủ được bao nhiêu năm, hơn nhau ở chỗ ai biết giữ tiền, chứ không phải ai kiếm nhiều tiền hơn ai”, bà Francina dặn dò cháu trai yêu quý. 

85 tuổi, bà Francina không còn khỏe mạnh như xưa. Nhưng sự minh mẫn và tình yêu bao la dành cho cháu trai thì vẫn còn vẹn nguyên. Hai tháng một lần, bà lại bay sang Anh thăm Wijnaldum. Ở kỳ World Cup 2014, bà đã theo chân ĐT Hà Lan, thuê riêng một phiên dịch và một người chăm sóc đồng hành cùng giải đấu lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Wijnaldum. 


“Có nhiều người bảo tôi kỳ lạ, cả cuộc đời chẳng thấy nhớ nhung đoái hoài cha mẹ. Nhưng là bà ngoại đã nuôi dưỡng và thổi bùng ngọn lửa, động lực và khao khát bên trong con người tôi”, Wijnaldum tâm sự trên Telegraph.  

Chỉ họp báo nếu có bà ở bên 
Năm 2011, Wijnaldum tới PSV, giá chuyển nhượng là 5 triệu euro. CLB muốn tổ chức buổi họp báo ra mắt Wijnaldum với truyền thông, nhưng anh chỉ đồng ý tham gia nếu PSV đồng ý xếp một ghế trên bục họp báo cho bà ngoại ngồi cạnh mình. 

Bài diễn văn cảm động 
Tại sân khấu vinh danh các gương mặt tiêu biểu của bóng đá Hà Lan 2015, Wijnaldum vinh dự nhận giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng. Trước khán phòng 500 khách, Wijnaldum nói về bà ngoại mình suốt 20 phút, như nguồn cảm hứng giúp anh kiên trì theo đuổi giấc mơ. 

Chọn Liverpool vì Klopp giống… bà ngoại 
Tất cả đều biết, Wijnaldum đã găp riêng HLV Mauricio Pochettino của Tottenham trước khi đồng ý tới Liverpool. Anh tiết lộ lý do đổi ý nằm ở HLV Juergen Klopp dù thừa nhận khá hào hứng với kế hoạch của Tottenham. “Klopp giống bà ngoại tôi, ông ấy nói nhiều về cuộc sống chứ không gói gọn trong phạm vi bóng đá. Suy cho cùng, đi đá bóng cũng là để sống thôi mà”, Wijnaldum bộc bạch trên trang chủ Liverpool. 
    Bình Luận