Đây có thể xem là bước cải cách táo bạo nhất của UEFA đối với giải đấu được mệnh danh "gà đẻ trứng vàng" của bóng đá châu Âu. Từ buổi đầu thành lập năm 1956 với sự tham gia của 16 đội bóng đứng đầu các giải VĐQG, Cúp C1 châu Âu được tăng dần số đội tham dự lên 32 vào năm 1960 với việc có thêm một vòng đấu loại trực tiếp.
Champions League - "gà đẻ trứng vàng" của UEFA
Giải đổi tên thành UEFA Champions League mùa 1992 với 32 đội được chia thành 8 bảng đấu loại giai đoạn 1, chọn tiếp cho đến tứ kết, bán kết và chung kết. Theo thể thức hiện tại, mùa giải 2019-2020 có đến 79 đội bóng trên toàn châu Âu tham gia từ các vòng sơ loại 1, 2, 3 trước khi giành quyền góp mặt ở các bảng đấu loại giai đoạn 1 (8 bảng, 32 đội).
Vòng bảng Champions League hội tụ các anh tài
Từng tính đến khả năng đưa trận chung kết Champions League ra khỏi biên giới châu Âu từ đại hội UEFA năm 2016 nhưng chính chủ tịch Aleksander Ceferin cũng thừa nhận việc "xuất ngoại" này chỉ có thể được tiến hành kể từ sau năm 2024 - thời điểm UEFA thực hiện việc cải cách sâu rộng sân chơi Champions League để đáp ứng nhu cầu người hâm mộ trong tình hình mới.
Giành chức vô địch Champions League trong tương lai sẽ vô cùng khó khăn
Theo người đứng đầu UEFA, các trận chung kết Champions League của 4 mùa giải sắp tới đã ấn định được địa điểm tổ chức, đó là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, 2021), St.Petersburg (Nga, 2022), Munich (Đức, 2023) và Wembley (Anh, 2024). Từ năm 2025 trở đi, trận chung kết Champions League sẽ được tổ chức bên ngoài châu Âu, cụ thể là ở New York - Mỹ, thị trường khán giả giàu tiềm năng luôn "khát" thứ bóng đá đỉnh cao mà chỉ châu Âu mới có thể đáp ứng.
Trận chung kết Champions League dự kiến sẽ diễn ra tận New York
Bất chấp phản ứng quyết liệt từ các đội bóng lớn cũng như các giải VĐQG hàng đầu, UEFA kiên quyết theo đuổi ý tưởng cách tân của mình nhằm củng cố vai trò quản lý cũng như tầm quan trọng của tổ chức này đối với bóng đá châu Âu. Hơn ai hết, UEFA hiểu rõ chỉ cần một lần nhân nhượng, họ sẽ đánh mất quyền lực cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ từ hệ thống giải thường niên đã dày công xây dựng hơn nửa thế kỷ qua.
Hình ảnh nâng cúp này sắp diễn ra trên đất Mỹ
Theo thể thức mới, vòng đấu bảng Champions League sẽ được nâng từ 32 lên 36 đội. Trong đó, 2 trong số 4 suất phụ được trao cho các CLB dựa trên "hệ số lịch sử", như một cánh cửa hậu dành cho các đội bóng giàu thành tích và có được lượng CĐV hùng hậu trên khắp thế giới như Man United hoặc Juventus trong trường hợp họ chẳng may mất quyền tham dự chính thức vì nhiều lý do.
Champions League sẽ chỉ còn một bảng đấu với 36 đội
Tại giai đoạn đầu tiên chỉ với 1 bảng, tất cả các đội sẽ đá đủ 10 trận với những đối thủ được xếp hạt giống theo thể thức "hệ Thụy Sĩ" như bên cờ vua. 8 CLB có thứ hạng cao nhất sẽ vào thẳng vòng đấu loại trực tiếp dành cho 16 đội (vòng 1/8), 8 suất còn lại sẽ được xác định bằng cách tổ chức đấu play-off giữa các đội xếp từ hạng 9 đến 24. Từ giai đoạn này, các đội sẽ tranh tài như cũ, tức chia cặp đấu loại trực tiếp, chọn đội thắng vào chơi tứ kết, bán kết và chung kết.
Sân Ann Arbor ở Michigan- 109.000 CĐV xem trận Real Madrid - Man United năm 2014
Theo chủ tịch Aleksander Ceferin, thể thức mới sẽ được áp dụng cho 9 mùa giải từ 2024-2025 đến 2032-2033 và trận chung kết sẽ diễn ra ở Mỹ, thị trường giàu tiềm năng về doanh thu lẫn các hoạt động tài trợ, quảng cáo. Giả sử trận chung kết diễn ra vào lúc 15 giờ thứ bảy ở Bờ Đông nước Mỹ, tức tương đương khung giờ buổi tối bình thường ở Trung Âu (20 giờ tại Anh, 21 giờ tại hầu hết châu Âu), đảm bảo nhu cầu theo dõi của người hâm mộ Cựu lục địa.
Chung kết Champions League 2019-2020 giữa Bayern Munich và PSG
UEFA cũng không giấu tham vọng biến trận chung kết thành một sự kiện toàn cầu thực sự trong bối cảnh các đài truyền hình Mỹ sẵn sàng bỏ thầu với giá cao để sở hữu bản quyền truyền hình trận đấu "mỗi năm chỉ có một" này. Những đám đông từ 100.000 người trở lên đến xem các trận giao hữu trước mùa giải của những đội bóng lớn châu Âu trong khuôn khổ International Champions Cup hằng năm là gợi ý thú vị cho việc tổ chức này.
Bình Luận