Lý do bóng đá không bao giờ sợ tụt hậu

Ngày 15/9/2008, ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, kéo theo là giá cổ phiếu ở thủ đô tài chính thế giới New York lao dốc và một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bất kỳ câu lạc bộ bóng đá nào trên thế giới cũng chỉ là “tý hon” nếu so với Lehman. Cuối năm 2007, Lehman có doanh thu 59 tỷ USD, gấp 148 lần so với MU lúc đó. Họ cũng có lợi nhuận 6 tỷ USD, gấp 50 lần so với MU. Nhưng Lehman biến mất, đại diện thành Manchester vẫn còn đó.

Các công ty biến mất, CLB vẫn còn

Những than phiền về chuyện lợi nhuận thấp, chi tiêu nhiều, trả lương cầu thủ nhiều, nợ ngân hàng nhiều của các đội bóng tồn tại, nhưng không thấy CLB bóng đá nào "bỗng chốc biến mất". Năm 2021, Barca ngậm ngùi để biểu tượng Lionel Messi ra đi vì không đủ tiền trả lương cho siêu sao người Argentina.

Nhưng năm nay, họ lại có dàn cầu thủ tuyệt vời dẫn đầu bởi chân sút Robert Lewandowski thừa sức cạnh tranh cúp vô địch trên mọi đấu trường.

 - Bóng Đá

Abramovich rời Chelsea, tỷ phú Mỹ Todd Boehly (ảnh) sẵn sàng tiếp quản, một CLB hàng đầu luôn là món hàng dễ sang tay. Ảnh: Reuters.

Năm 1923, tổ chức English Football League quản lý bốn hạng của bóng đá Anh có 88 đội bóng. Năm nay, 85 trên 88 đội đó vẫn còn hoạt động (97%) và 80 đội vẫn còn ở lại bốn hạng đầu của bóng đá Anh (91%).

100 năm trôi đi mà vẫn còn ngần đó đội bóng, một con số ấn tượng. Đáng nói, nhiều điều xảy ra suốt thời gian đó và qua bao nhiêu biến cố: Đại suy thoái thập niên 1930, Thế chiến II, những cuộc khủng hoảng kinh tế, những ông chủ tham nhũng, những chiến lược điều hành sai lầm…

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Les Hannah đưa ra danh sách 100 công ty toàn cầu năm 1912, và xem xét tình trạng các công ty này ra sao vào năm 1995. Kết quả, 49 trên 100 công ty không còn nữa. Trong số này, 5 công ty phá sản, 6 công ty bị quốc hữu hóa, 38 công ty còn lại bị bán cho những công ty khác.

Với các công ty còn tồn tại, nhiều công ty phải chuyển sang chỗ mới, sang ngành nghề mới. Sự phát triển của công nghệ làm nhiều ngành nghề bị buộc phải biến mất, ví dụ những công ty làm phim ảnh như Kodak hiện không còn làm phim ảnh nữa.

Thực tế này được trình bày trong cuốn sách “Soccernomics” của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, viết về cách kiếm tiền trong ngành công nghiệp bóng đá và những hiểu lầm, ngộ nhận về bóng đá toàn cầu.

Bóng đá là "ngành sống dai"

Trong làm ăn, sự trung thành với nhãn hàng là có, nhưng khi một sản phẩm hiện đại hơn xuất hiện, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sản phẩm đó, không sớm thì muộn. Người thích điện thoại Nokia lắm cũng phải chuyển sang dùng hãng khác.

Trong làm ăn, đổi mới hay là đi xuống. Họ phải đối mặt với vô số áp lực: đối thủ cạnh tranh vượt lên trước, người tiêu dùng thay đổi thị hiếu, công nghệ mới đóng cửa ngành nghề cũ, sản phẩm tiêu dùng giá rẻ xâm nhập từ nước ngoài, chính sách của chính phủ...

 - Bóng Đá

Nợ nần như Glasgow Rangers thì doanh nghiệp đã phá sản. Nhưng Rangers vẫn được cứu tồn tại vì CLB là một di sản quốc gia. Ảnh: Reuters.

Ngược lại, các CLB bóng đá miễn nhiễm khỏi các điều kể trên. Nếu tụt hậu, họ sẽ bị xuống hạng và sẽ trở lại nếu chơi tốt ở hạng dưới mùa tới. Khi đội bóng chơi tồi, có thể một số CĐV ít quan tâm hơn nhưng họ vẫn còn chân đế là những người địa phương ở khu vực địa lý đóng quân của đội bóng.

Các đội bóng nước ngoài không được phép vào giải đấu trong nước của họ để là đối thủ cạnh tranh. Chính phủ cũng không quốc hữu hóa CLB bóng đá.

Nếu đội bóng chi tiêu nhiều quá, nợ nần khắp nơi, không thể trả được, một ai đó giàu có như Roman Abramovich sẽ xuất hiện. Nếu như ông tỷ phú không xuất hiện, chính phủ có thể sẽ xem xét CLB này có phải là một di sản văn hóa xã hội cộng đồng hay không để đưa vào diện “vẫn cho tồn tại, trong sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, giáng xuống thi đấu ở hạng phía dưới”.

Ví dụ, đó là trường hợp của Rangers FC. Năm 2012, CLB bị giáng xuống đá ở giải hạng 4 Scotland. Sau đó, mỗi năm họ leo một hạng. Năm 2021, Rangers FC vô địch Scotland sau 38 vòng bất bại, ghi số điểm kỷ lục. Năm 2022, Rangers FC là á quân giải Europa League.

Và bóng đá không mất đi cùng với sự phát triển của công nghệ. Công nghệ càng phát triển, bóng đá càng phát triển, người xem càng tiếp cận với bóng đá qua nhiều ngả hơn. Không giống hầu hết doanh nghiệp, CLB bóng đá sống sót sau khủng hoảng bởi khách hàng gắn bó với họ cho dù sản phẩm tệ hại đến đâu.

Gọi đây là lòng trung thành với thương hiệu là không hoàn toàn đủ. Có lẽ còn là gì hơn nữa, máu thịt, linh hồn chẳng hạn. Có nhiều người mong muốn được rải tro của họ trên các lối đi ở sân Anfield, nhưng chẳng mấy ai để lại di nguyện là “hãy rải tro tôi tại cửa hàng Wal-Mart gần nơi tôi sống nhất”. Bóng đá thật sự là "ngành sống dai".

Chính Phong | 16:00 18/02/2023
    Bình Luận