Dù sớm có bàn thắng mở tỷ số do công của Harry Kane, đội tuyển Anh vẫn phải vất vả đánh bại Colombia nhờ loạt sút penalty cân não sau 120 phút.
Chiến thắng này không chỉ là thành quả từ sự khổ luyện của các cầu thủ, những bài tập sút đã sớm được HLV Southgate đưa vào áp dụng, mà còn đến từ việc giải quyết được những khía cạnh tinh thần, vốn từ lâu là điểm yếu của các cầu thủ Anh.
Áp dụng khoa học vào phương pháp sút penalty
Tiến sĩ Pippa Grange, 47 tuổi, được Liên đoàn Bóng đá Anh mời về từ tháng 11 năm ngoái để trở thành bác sĩ tâm lý của "Tam sư". FA giao nhiệm vụ cho bà là phải giúp các cầu thủ xoá tan đi những áp lực mà thế hệ đi trước từng gặp phải dẫn đến thất bại trong quá khứ.
Với tư cách là trưởng nhóm phát triển con người, Grange đã tổ chức những cuộc trao đổi riêng với từng cầu thủ về các chủ đề "hy vọng và sợ hãi", "lối sống", giúp mỗi người tự xây dựng được thái độ sống tích cực và bình tĩnh trong những ngày tháng sinh hoạt ở đội tuyển Anh.
HLV Southgate của "Tam sư", một trong những "nạn nhân" tiêu biểu trên chấm penalty năm 1996, chính là người sớm nhận ra nhu cầu cần cải thiện hiệu suất sút penalty cho các học trò.
Ông kịch liệt phản đối ý kiến cho rằng để các cầu thủ tập sút luân lưu là vô nghĩa, những quan điểm cho rằng bài tập này sẽ tạo ra xu hướng cầu thủ Anh mong muốn trận đấu được giải quyết bằng những loạt đấu súng may rủi.
Vị chiến lược gia 47 tuổi vẫn nhất quyết xây dựng hệ thống bài tập làm quen với penalty cho các học trò thông qua việc tạo ra một bầu không khí căng thẳng như trên sân và áp dụng khoa học để nghiên cứu các tình huống này.
Hỗ trợ đắc lực cho HLV Southgate, bác sĩ Grange đã xây dựng những "giáo án penalty kiểu mẫu" cho từng cá nhân trong đội tuyển, khuyến khích các cầu thủ hình dung ra mình sẽ sút phạt như thế nào.
Cải thiện tâm lý hàng ngày
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến còn được đưa vào áp dụng trong nội bộ "Tam sư", có thể kể đến bảng câu hỏi chăm sóc sức khỏe được thực hiện hàng ngày, hay các bài kiểm tra tâm lý để chọn ra ai đủ khả năng nhận sút quả penalty đầu tiên.
Chính điều này đã giúp HLV sớm nhận ra những cái tên phù hợp nhất bước lên "đoạn đầu đài", tránh tình trạng sau 120 phút phải đi hỏi từng cầu thủ xem có ai sẵn sàng nhận trọng trách nặng nề hay không.
Tốt nghiệp Đại học Loughborough, tiến sĩ Grange được mời về làm việc cho FA sau khi đội tuyển Anh gục ngã trước Iceland tại kỳ Euro 2016 ở nước Pháp. Bà tin rằng giải pháp duy nhất để ngăn chặn thất bại tái diễn, đó là khuyến khích các cầu thủ được nói ra điểm yếu của mình trong các cuộc họp của đội bóng.
Xét trong lịch sử của "Tam sư", quan điểm của tiến sĩ Grange hoàn toàn có cơ sở. Trong quá khứ, một cựu cầu thủ của "thế hệ vàng" nước Anh là Rio Ferdinand từng phát biểu rằng việc thiếu tinh thần đồng đội cùng những sự thù ghét ở cấp CLB đã ngăn cản "thế hệ vàng" đó phát triển hết tiềm năng của mình.
Hái trái ngọt thành quả
Sau những bài tập đã chuẩn bị kỳ công, ban huấn luyện của đội tuyển Anh cuối cùng cũng được nở nụ cười mãn nguyện. Không ít cầu thủ trẻ, lần đầu tham dự sân chơi lớn như World Cup vẫn có thể giữ được phong thái bình tĩnh và bản lĩnh trong hơn 2 tiếng thi đấu.
4 trong 5 cú sút 11 m đã được các cầu thủ áo đỏ hoàn thành xuất sắc, Eric Dier và Jordan Pickford trở thành người hùng của nước Anh, giúp xứ sở sương mù có thể gạt đi cơn ác mộng đã ám ảnh họ trong nhiều thập kỷ qua.
Sau thành tích tuyệt vời vừa qua, không riêng gì tiến sĩ Grange hay các thành viên trong ban huấn luyện, hơn 53 triệu người dân nước Anh đã bắt đầu tin vào giả thiết chiếc cúp vàng thế giới sẽ quay lại với tháp đồng hồ Big Ben sau hơn 5 thập kỷ mỏi mòn chờ đợi.
Bình Luận