Với người Nga, việc kéo một đội bóng toàn ngôi sao triệu đô như TBN vào chấm đá luân lưu và chiến thắng là một thành công, thậm chí rất đáng khen dưới mắt người hâm mộ Nga nhưng với những người mê vẻ đẹp của bóng đá, đó là thứ bóng đá thiếu cảm xúc.
Tại sao với một thế hệ tuyển thủ tài năng như vậy mà TBN đầu hàng trước lối chơi như lên đồng của hàng hậu vệ Nga? C. Fabregas nói đúng, TBN đã chơi lối đá phòng ngự, thích sở hữu bóng nhưng không hiệu quả! Cả trận TBN cầm bóng đến 79%, có 1.137 đường chuyền (cao nhất lịch sử World Cup), 25 cú dứt điểm nhưng chẳng có điều gì xảy ra cả. Vậy mà bóng không có cho hàng công khi D. Costa xách xe không chạy rông trên hàng tiền đạo.
Tại sao sớm có bàn thắng nhưng TBN lại chơi ru ngủ? Đơn giản vì HLV Hierro muốn chơi thứ bóng đá thực dụng.
Cách chơi đó của HLV Hierro bị Nga bắt thóp khi HLV Stanislav Cherchesov bố trí sơ đồ 3-5-2, cùng một đội hình thấp để hạn chế sức tấn công của TBN. Nga còn thực dụng hơn cả TBN khi hàng thủ chơi rất hay. Thủ môn Akinfeev lớn tuổi, lão tướng Ignashevich sắp 39 tuổi vẫn vô hiệu hóa những ngôi sao tấn công của TBN và họ cũng không dại gì tìm cách tấn công khi một chút sơ hở ngay lập tức bị các ngôi sao tấn công của TBN trừng trị. Ý đồ của họ là lôi TBN đến chấm 11 m đá luân lưu và họ thành công.
Với cách chơi phòng thủ như vậy, Nga còn có thể vào sâu hơn nữa bằng thứ bóng đá thực dụng ấy!
Trận Croatia - Đan Mạch cũng tương tự. Hai bàn thắng rất sớm những tưởng sẽ có một trận cầu hay nhưng Đan Mạch chơi với một thế trận quá chắc chắn dù là khi phòng thủ hoặc tấn công, khiến các ngôi sao của Croatia không khoan nổi hàng phòng ngự đối phương.
Một yếu tố khác đáng lưu ý: Có đến 8 tuyển thủ Croatia có thể bị treo giò trận tới nếu phải nhận thêm 1 thẻ vàng, trong đó có những trụ cột như Rakitic, Mandzukic và Brozovic… Đó có thể là lý do vì sao Croatia cầm bóng nhiều, vẫn phối hợp nhịp nhàng bên phần sân nhà nhưng khi bóng qua nửa sân thì bế tắc.
Chính lối chơi rất khoa học, áp sát đối phương của Đan Mạch đã làm cho phần lớn thời gian trận đấu, cả hai hiệp phụ hai đội đều chơi như ru ngủ khán giả, tốc độ trận đấu chậm chạp khiến người xem càng về cuối càng buồn ngủ. Một trận đấu chỉ hấp dẫn ở những quả luân lưu trên chấm phạt đền, đâu phải là trận cầu hay.
Lối đá chặt chẽ, rất khoa học của các đội bóng ở vòng knock-out này, đặc biệt với Đan Mạch và Nga, khiến cho TBN lẫn Croatia dù có dàn sao thiện chiến nhưng cũng không dám chơi tấn công và những trận đấu gần giống như một gánh hát không đào không kép!
Lối chơi thiếu cảm hứng đó có thể còn tái diễn ở tứ kết!
Bình Luận