Tất nhiên, đội tuyển Pháp và Ligue 1 được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả của chính sách cùng chiến lược tạo nguồn lực từ hệ thống đào tạo trẻ.
Đổi đời nhờ bóng đá
Tại World Cup 1998, Pháp đã vào chung kết nhờ 2 bàn thắng của L.Thuram (Croatia 2-1) và sau đó chủ nhà vô địch với 2 trong 3 bàn thắng đến từ Zinedine Zidane (Brazil 3-0). Thuram và Zidane đều là những cầu thủ gốc Phi. Ở Wolrd Cup 2006, Pháp vào chung kết nhờ "cột sống": Thuram - Makelele. Makelele, cũng là một cầu thủ gốc Phi, sinh ra tại Zaire - nay là CHDC Congo. Tại World Cup 2018, Pháp lại vào chung kết nhờ bàn thắng của Samuel Umtiti, cầu thủ sinh ra ở Cameroon (thắng Bỉ 1-0) và 2/3 cầu thủ ghi bàn cho họ ở trận cuối cùng của giải (không kể pha đánh đầu phản của Mandzukic) là cầu thủ gốc Phi - Pogba và Mbappe.
Những tài năng gốc từ dân nhập cư của bóng đá Pháp, từ những Zidane, Desailly, Thuram… của 20 năm trước cho đến Mbappe, Pogba, Kante, Umtiti, Matuidi… của hiện tại đều sinh ra và lớn lên "bên lề" những thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille. Thể thao, nhất là qua bóng đá, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để "những ngôi sao tương lai lỡ bị sinh ra trong gia đình không có điều kiện"... đổi đời!
Quy luật này đã được LĐBĐ Pháp (FFF) hiểu và khai thác triệt để qua con số: xung quanh thủ đô Paris, có 235.000 cầu thủ có đăng ký tại các CLB ở tất cả các cấp độ và 1/3 trong số đó dưới 18 tuổi. Để huấn luyện số này, có 30.000 HLV và giáo viên thể chất. Ngoại ô Paris chính là cái lò đào tạo cầu thủ lớn nhất châu Âu. Từ cái lò ngoại ô đó, bóng đá Pháp đã có được Pogba, Mbappe, Kante, Nzonzi, Mendy.
Mấy thập kỷ qua, các CLB hàng đầu của Pháp không đủ tiềm lực tài chính để chạy đua trong thị trường chuyển nhượng nên họ dồn nguồn lực vào các học viện đào tạo trẻ với mục tiêu 1/4 số lượng cầu thủ chuyên nghiệp do họ đào tạo và ưu tiên sử dụng nguồn lực này. Để biến ước mơ thành hiện thực, một cấu trúc quản lý chặt chẽ và nhất quán trong công tác đào tạo trẻ đã được đưa ra từ FFF và ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp: muốn được mở học viện đào tạo trẻ, các CLB phải thi đấu ở một trong hai giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp trong ít nhất 3 năm liên tiếp. Ngoài ra, họ phải đáp ứng được các đòi hỏi rất cao, từ điều kiện ăn ở, đội ngũ HLV, sân bãi và các yếu tố khác. Bên cạnh đó, mỗi CLB không được phép tuyển quá 80 cầu thủ (tuổi từ 15 tới 18) trong một khóa đào tạo và mỗi năm họ cũng không được phép tuyển quá 8 người.
Từ những quy định này, Pháp có 12 học viện bóng đá chất lượng cao dưới sự giám sát của FFF; trong đó nổi tiếng nhất là INF Clairefontaine và Matuidi, Mbappe, Areola đều trưởng thành từ đây. Sự cải cách trên không chỉ thống nhất trong 12 học viện mà còn lan tỏa đến các CLB. Đó là một công việc rất vất vả, đòi hỏi những thay đổi khổng lồ về giáo án tập luyện và đặc biệt là đội ngũ HLV.
Phải được đào tạo văn hóa và tâm lý
Theo Giám đốc Học viện Bóng đá Pháp (INF) Gerard Precheur, tối đa 10% trong số những cầu thủ trẻ được đào tạo sau đó đi theo bóng đá chuyên nghiệp nên lãnh đạo các học viện phải thành thật ngay từ đầu với các cậu bé và phụ huynh về thực tế này. Tóm lại, người Pháp không chỉ dạy các cậu bé đá bóng mà còn dạy làm người.
Bởi người Pháp không muốn phải chứng kiến thêm sự cố như ở World Cup 2010 khi vài cầu thủ Pháp tẩy chay đội tuyển để ủng hộ Nicolas Anelka, người trước đó đã bị HLV Raymond Domenech đuổi về nhà vì vi phạm kỷ luật. Do đó, chúng ta cũng đừng thắc mắc vì sao HLV Deschamps kiên quyết không gọi vào đội tuyển tiền đạo số 1 của bóng đá Pháp là Benzema, đơn giản vì ngôi sao của Real Madrid vướng vào một vụ tống tiền thuộc phạm trù đạo đức.
Francois Blaquart, Giám đốc kỹ thuật FFF, cho biết: "Giờ đây, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo tinh thần chiến đấu cùng tư duy chơi bóng. Các CLB cũng ý thức được nghĩa vụ với cả nền bóng đá. Các cầu thủ trẻ được cọ xát, thi đấu rất sớm."
Vì vậy, ở Ligue 1, các CLB luôn là bệ phóng của các tài năng trẻ. Đội tuyển Pháp tại World Cup 2018 có tuổi bình quân trẻ nhất giải, là đội có đến 15 tuyển thủ đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia trong nước. Bóng đá Pháp hiện tại là sự hòa trộn đa sắc tộc từ những cầu thủ không chỉ được đào tạo chuyên môn mà còn được giáo dục để có tư duy và tinh thần chiến đấu quả cảm, đầy khát vọng như những chiến binh. Pháp World Cup 2018 mạnh mẽ, đầy toan tính trái ngược với Pháp "hào hoa nhưng mong manh" của thế hệ M.Platini đã phải dừng bước ở bán kết trước những "Người máy Đức" tại World Cup 1982 và 1986!
Bình Luận