Với những người hâm mộ bóng đá cuối 7X, đầu 8X, những “nhà truyền giáo bóng đá” đầu tiên được biết tới không phải là Liverpool, MU, Milan, Barcelona… Những khái niệm vỡ lòng về bóng đá, những giấc mơ đầu tiên hiện lên trong những khối óc non nớt hồi đó lại đến từ một nhân vật hư cấu mang tên Tsubasa.
Tsubasa là nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Takahashi Yoichi. Câu chuyện kể về chú bé Tsubasa, một tài năng bóng đá trưởng thành từ giải phong trào cấp trường học, may mắn lọt vào mắt xanh của một cựu cầu thủ Brazil sang Nhật Bản tìm kiếm tài năng.
Nhờ tài năng vượt trội, Tsubasa sau đó được mang sang Brazil làm quen với bóng đá chuyên nghiệp một cách bài bản. Sau khi thành tài, anh trở về quê nhà phục vụ cho đội tuyển Nhật Bản và góp phần nâng cao chất lượng bóng đá Nhật Bản nhờ những bài học tích lũy từ cái nôi của bóng đá Brazil.
Tsubasa là nhân vật hư cấu, nhưng khát vọng gửi vào chú bé này lại là sự thật. Brazil là giấc mơ thật sự của rất nhiều cầu thủ Nhật Bản. Theo nhiều tài liệu ghi lại thì người Nhật Bản đầu tiên đặt chân tới xứ samba cách đây đã tròn 110 năm. Trong hơn 1 thế kỷ qua, số lượng người Nhật Bản kéo sang Brazil sinh sống không ngừng tăng, hiện vượt trên con số 2 triệu người.
Trong hàng triệu người Nhật Bản vượt qua chặng đường hơn 17.000 km đến với xứ sở samba, rất nhiều trong số đó là các cầu thủ sang Brazil tầm sư học đạo. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản thẳng thắn công khai con số thống kê: trung bình mỗi năm, liên đoàn gửi 800 cầu thủ trẻ ra nước ngoài học bóng đá và 1/3 trong số đó bay thẳng qua biển Thái Bình Dương để tới với Brazil.
Có sự khác biệt rất lớn giữa tố chất của người châu Á và quốc gia mà theo miêu tả của Pele là có thể “nhặt đại một cầu thủ nào đó trên đường phố cũng có thể đào tạo thành siêu sao”, nhưng người Nhật không bao giờ đầu hàng số phận. Nếu từng có dịp sang Nhật, dạo một vòng đường phố Tokyo, Osaka vào tầm 10h-11h, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những em bé mang chân trần tập thể dục ngoài công viên.
Bất kể là nắng cháy da (tia cực tím ở Nhật rất rát, kể cả với da người lớn) hay tuyết rơi dày đặc, những đứa trẻ đó vẫn miệt mài tập thể dục. Người Nhật Bản muốn chống lại cả số phận. Những đứa trẻ được rèn luyện từ rất sớm để thích nghi với mọi hoàn cảnh và quan trọng là cải thiện thể trạng. Chúng sẽ lớn lên một cách khỏe mạnh trước khi được đào tạo thành thiên tài.
Tinh thần, ý chí của người Nhật Bản đã trở thành thương hiệu khiến thế giới phải kính nể. Ý chí ấy được thể hiện qua những biến cố diễn ra trước thềm World Cup. Chỉ 70 ngày trước khi World Cup khởi tranh, đội tuyển Nhật Bản chịu một sự xáo trộn cực lớn khi huấn luyện viên Akira Nishino phải bất đắc dĩ ngồi lên ghế HLV thay ghế Vahid Halilhodzic.
Số phận lại tiếp tục thách thức người Nhật Bản. 24 giờ trước trận đấu với Colombia, thành phố Osaka rung lên bần bật sau một trận động đất lên tới 6,1 độ richte. 3 người chết, hơn 300 người bị thương. Trong thành phần đội tuyển Nhật Bản có không ít cầu thủ có bạn bè, người thân sinh sống ở Osaka. Trong buổi họp báo trước trận ra quân gặp Colombia tại bảng H, thủ quân Makoto Hasebe thừa nhận các đồng đội của anh bồn chồn, thậm chí một số còn tỏ ra hoảng loạn.
Nhưng vượt qua mọi nghịch cảnh của số phận, Nhật Bản đã chơi một trận đấu gây chấn động thế giới khi đánh bại Colombia 2-1, rồi tiếp tục hòa Senegal 2-2 trong trận đấu mà nhiều cổ động viên tin rằng người Nhật sẽ bị thể lực phi thường của đối thủ nuốt chửng. Những chiến công ấy chứng minh Nhật Bản đã đi lên bằng thực lực và đẳng cấp thật sự, bằng nỗ lực cải thiện những sự thiệt thòi về mặt tố chất để đi từng bước vững chắc trong thế giới túc cầu.
Và cho dù Nhật Bản chỉ đi tiếp nhờ một chỉ số đang còn gây tranh cãi của FIFA (chỉ số fair-play), nhưng vẫn xin được chúc mừng các chiến binh Samurai xanh.
Bình Luận